Số phận của các cựu phi công Afghanistan sau chiến thắng của Taliban

Dòng chảy thông tin - Ngày đăng : 10:10, 14/06/2023

Nhiều cựu phi công Afghanistan đang trốn tránh sự truy bắt của Taliban, trong khi những người khác đã rời khỏi đất nước nhưng sống trong cảnh nghèo khó.

So phan cua cac cuu phi cong Afghanistan sau chien thang cua Taliban hinh anh 1Các phi công Afghanistan đứng cạnh những chiếc trực thăng MD-530 do Mỹ sản xuất, tại căn cứ không quân ở Kabul ngày 29/9/2016.(Ảnh: AFP)

Các phi công được Mỹ đào tạo cho Không quân Afghanistan trong cuộc chiến kéo dài 20 năm chống lại Taliban đã bị bỏ rơi bởi chính những đối tác từng cam kết sẽ giúp họ tiếp tục bay.

Theo trang Foreign Policy, nhiều người đang trốn tránh khỏi sự truy bắt của Taliban, gần hai năm sau khi nhóm này giành được thắng lợi, trong khi số khác đã trốn khỏi đất nước nhưng sống trong cảnh nghèo khó, nuôi dưỡng hy vọng tự do ngày càng mong manh ở phương Tây.

Mỹ đã chi hơn 80 tỷ USD để đào tạo và trang bị cho lực lượng an ninh Afghanistan, bao gồm hàng nghìn phi công, với chi phí từ 1-6 triệu USD để huấn luyện mỗi người.

Các phi công này từng điều khiển máy bay trực thăng tấn công, máy bay chiến đấu và máy bay tiếp tế, đem lại cho lực lượng Afghanistan lợi thế thực sự duy nhất trước Taliban - cho đến khi các nhà thầu bảo trì rút lui trong một động thái nhằm chấm dứt sự can dự của Mỹ vào ngày 15/8/2021.

Trong khi quân đội và cảnh sát Afghanistan bị chỉ trích vì thiếu tinh thần chiến đấu, lực lượng không quân và lực lượng đặc biệt Afghanistan đã giành được sự tôn trọng và tham gia hầu hết vào các cuộc giao tranh với Taliban sau khi các lực lượng do Mỹ lãnh đạo rút lui khỏi tuyến đầu vào năm 2014.

Vào tháng 7/2021, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã cam kết với “các đối tác Afghanistan” rằng Mỹ sẽ “đảm bảo họ có khả năng duy trì lực lượng không quân của mình.” Tuy nhiên, chỉ 5 tuần sau, cuộc chiến kết thúc.

Một số cựu phi công của Lực lượng Không quân Afghanistan đã đầu quân cho Taliban, lái những chiếc Black Hawks bị bỏ lại nhưng bắt đầu gặp trục trặc vì thiếu bảo dưỡng.

Phần lớn các phi công khác đã lẩn trốn hoặc chạy trốn khỏi sự trả thù của Taliban. Những người trốn sang Pakistan, Iran, Uzbekistan và Tajikistan sợ bị trục xuất khi thị thực của họ hết hạn.

Một số ít đến được Anh có thể được đưa đến Rwanda theo một kế hoạch của London nhằm tránh tình trạng người di cư và người xin tị nạn tràn lan.

Bị mắc kẹt trong tình trạng không có thị thực mà không có tình trạng đặc biệt, chẳng hạn như đối với phiên dịch viên quân sự được cấp “thị thực nhập cư đặc biệt” ở Mỹ, số phận của các phi công dường như bị khóa lại bởi những trở ngại để đến các nước đồng minh, chứ đừng nói đến việc được gia nhập quân đội các nước này.

Các nguồn tin quốc phòng cho biết một số phi công Afghanistan đã xin gia nhập quân đội Mỹ, Australia và các quốc gia đối tác, thành viên NATO khác. Tuy nhiên, trở ngại lớn nhất là quyền công dân, một yêu cầu cơ bản phải mất nhiều năm mới đạt được.

George Lefevbre, một cựu phi công Quân đội Mỹ, cho biết khóa đào tạo phi công được thiết kế riêng cho cuộc chiến ở Afghanistan khi chiến đấu với quân nổi dậy tại địa hình vùng núi và sa mạc.

Theo ông Lefevbre, rất ít quốc gia công nhận khóa huấn luyện quân sự của các quốc gia khác và Mỹ không có chương trình đào tạo lại phi công để bay dân dụng.

[Taliban bác thông tin sát hại hơn 100 nhân viên chính phủ Afghanistan]

Trao đổi với Foreign Policy, các cựu phi công Afghanistan cho biết họ lo sợ cho sự an toàn của bản thân nếu danh tính bị tiết lộ.

Taliban bắt đầu nhắm mục tiêu vào các phi công từ trước khi giành chiến thắng trong cuộc chiến, để loại bỏ mối đe dọa lớn nhất đối với các tay súng trên bộ.

Nếu không có sự yểm trợ từ trên không - bao gồm hỗ trợ trên không, sơ tán thương binh, tiếp tế và tái triển khai - có khả năng lực lượng Afghanistan đã bị Taliban đánh bại sớm hơn nhiều so với thực tế.

So phan cua cac cuu phi cong Afghanistan sau chien thang cua Taliban hinh anh 2Các học viên phi công của Không quân Afghanistan tham gia một khóa học tại Kabul ngày 26/9/2016. (Ảnh: AFP)

Các cựu phi công kể về nỗi sợ hãi khi Taliban bắt đầu săn lùng các cựu quân nhân, lục soát từng ngôi nhà ở các thành phố, thị trấn và làng mạc trên khắp đất nước.

Một phi công lái Black Hawks nói rằng trong những tháng sau chiến thắng của Taliban, anh ta và vợ gần như phải di chuyển hằng ngày và lẩn trốn trong các tầng hầm trước khi lên đường đến Pakistan.

Hiện đang sống ở Islamabad với thị thực hết hạn, anh lo sợ bị cảnh sát Pakistan bắt giữ và trục xuất trở lại Afghanistan.

Anh nói: “Nỗi sợ hãi thường trực về sự trả thù của Taliban và sự cô lập khi phải lẩn tránh quá lâu đã gây ra ảnh hưởng nặng nề cho cả hai vợ chồng. Vợ tôi đang mang thai, và tình trạng căng thẳng đã gây ra một số biến chứng trong thai kỳ của cô ấy. Chúng tôi đã tìm cách thoát khỏi tình trạng này trong hơn một năm nhưng cho đến nay nỗ lực của chúng tôi vẫn chưa thành công.”

Một cựu phi công Black Hawk khác sống ở Islamabad cùng vợ và cô con gái 1 tuổi cho biết giống như nhiều người Afghanistan chạy trốn khỏi Taliban, người đàn ông 30 tuổi này đã nộp đơn xin tái định cư tại Mỹ; những người khác đang tận dụng cơ hội của họ để tìm kiếm tình trạng tị nạn ở nước thứ ba thông qua hệ thống của Liên hợp quốc.

Trong khi đó, những phi công đang ở Pakistan cho biết họ bị mắc kẹt ở một đất nước bị khủng hoảng chính trị và kinh tế, không có việc làm hoặc thu nhập, cố gắng trả tiền nhà và không đủ khả năng chăm sóc sức khỏe. Tất cả đều lo sợ ngày cảnh sát gõ cửa và họ không thể hối lộ để thoát án tù đang đến gần.

“Tất nhiên chúng tôi đều hy vọng rằng một ngày nào đó chúng tôi có thể tiếp tục với sự nghiệp bay của mình. Nhưng lúc này, vì tình hình, việc chúng tôi từ Pakistan đi đến đâu không quan trọng. Chúng tôi chỉ mong được sơ tán khỏi đây,” cựu phi công 30 tuổi nói./.

Đức Hiếu (Vietnam+)

Đức Hiếu (Vietnam+)