Giá cà phê xuất khẩu đạt đỉnh 7 tháng
Nông nghiệp - Nông thôn - Ngày đăng : 07:33, 14/06/2023
Cà phê xuất khẩu được giá
Theo số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan, trong 5 tháng đầu năm xuất khẩu cà phê của nước ta đạt 866.121 tấn, trị giá hơn 2 tỷ USD, giảm nhẹ 3,9% về lượng và 0,4% về trị giá so với cùng kỳ năm ngoái. Tính riêng trong tháng 5, khối lượng cà phê xuất khẩu giảm 10% so với tháng 4 nhưng tăng 5% so với cùng kỳ năm ngoái.
Giá cà phê xuất khẩu trong tháng 5 đã tăng lên mức cao nhất 7 tháng trở lại đây với bình quân 2.570 USD/tấn, tăng 5,5% so với tháng trước và tăng 12,8% so với cùng kỳ năm ngoái. Mức giá này đạt xấp xỉ mức đỉnh 2.591 USD/tấn đạt được vào tháng 10 năm ngoái trong khi đà tăng giá vẫn chưa dừng lại.
Tính chung 5 tháng đầu năm, giá xuất khẩu cà phê đã tăng 3,6% lên mức bình quân 2.323 USD/tấn.
Tại thị trường trong nước, tính đến ngày 12/6 giá cà phê robusta nhân xô tại các tỉnh Tây Nguyên đã chạm ngưỡng kỷ lục 64.400 – 65.000 đồng/kg, tăng hơn 60% (tương ứng 24.200 – 24.700 đồng/kg) so với đầu năm nay.
Trên thị trường thế giới, giá cà phê robusta giao tháng 7 trên sàn New York cũng tăng lên mức kỷ lục mới là 2.760 USD/tấn, tăng tới 47,4% so với hồi đầu năm nay.
Giá cà phê arabica cũng tăng nhưng với biên độ thấp hơn, tăng khoảng 18,5% lên mức 191,1 US cent/pound đối với kỳ hạn gần.
Giá cà phê robusta nội địa và thế giới liên tục thiết lập những kỷ lục mới do nhu cầu tăng cao trong khi nguồn cung có xu hướng giảm.
Ông Thái Như Hiệp, Chủ tịch HĐTV, Giám đốc Công ty TNHH Vĩnh Hiệp - doanh nghiệp xuất khẩu cà phê lớn nhất Việt Nam, đồng thời là Phó Chủ tịch Hiệp hội Cà phê – Ca cao Việt Nam (VICOFA), cho biết nhu cầu cà phê robusta tăng cao bởi người tiêu dùng trên thế giới đang phải “thắt lưng buộc” do ảnh hưởng bởi lạm phát và suy thoái kinh tế.
Trong khi đó, việc uống cà phê mỗi ngày là thói quen khó bỏ nhưng hạt arabica lại quá đắt đỏ với họ. Do đó, họ tìm đến hạt robusta với giá rẻ hơn để phối trộn với hạt arabica nhằm giảm chi phí.
Ông Hiệp nhận định rằng giá cà phê trong nước có thể lên đến 70.000 đồng/kg, đồng thời thiết lập mặt bằng mới khoảng trên 50.000 đồng/kg sau thời gian dài duy trì quanh mức 30.000 - 40.000 đồng/kg.
Bởi, bối cảnh hiện tại cán cân cung - cầu đã chuyển dần về thâm hụt do người dân chuyển sang trồng cây ăn trái khiến diện tích cà phê bị thu hẹp. Trong khi đó, chi phí đầu vào như phân bón, điện nhân công đều gia tăng.
Tổ chức Cà phê Quốc tế (ICO) cũng đưa ra nhận định tương tự khi cho rằng giá cà phê robusta đang được hưởng lợi từ những yếu tố cơ bản của thị trường, đặc biệt là từ phía cầu. Trong 7 tháng đầu niên vụ 2022-2023 (tháng 10/2022 đến tháng 4/2023), xuất khẩu cà phê robusta toàn cầu tăng 0,7% trong khi arabica giảm tới 10,4%.
Sự biến động trái chiều về khối lượng xuất khẩu đã phản ánh sự thay đổi trong cách pha, phối trộn cà phê hòa tan từ arabica sang robusta do chi phí sinh hoạt tăng cao do lạm phát.
Đồng thời, giá cà phê robusta còn được hỗ trợ mạnh từ phía cung, chủ yếu là do lo ngại về nguồn cung tại Việt Nam, Brazil và Indonesia.
Hiệp hội Cà phê – Ca cao Việt Nam (VICOFA) ước tính sản lượng cà phê robusta của Việt Nam trong niên vụ 2022-2023 ước tính giảm 10 -15% so với niên vụ trước đó xuống còn khoảng 1,5 triệu tấn do ảnh hưởng bởi thời tiết không thuận lợi và làn sóng chuyển dịch cây trồng sang các loại cây ăn trái, đặc biệt là sầu riêng, bơ và chanh leo.
Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA) cũng dự báo sản lượng cà phê Việt Nam niên vụ 2022-2023 giảm khoảng 6% xuống còn 29,7 triệu bao (60 kg/bao).
Trong khi nguồn cung từ Brazil, nhà sản xuất cà phê robusta lớn thứ hai, cũng thấp hơn đáng kể với khối lượng xuất khẩu chỉ đạt 0,4 triệu bao trong 4 tháng đầu năm 2023 so với 0,49 triệu bao của cùng kỳ năm 2022 và 1,24 triệu bao trước đó.
Sản lượng cà phê của Indonesia, nhà sản xuất cà phê lớn thứ ba thế giới có thể giảm tới 20% trong năm 2023, xuống còn 9,6 triệu bao do thời tiết mưa nhiều tại các khu vực trồng trọt chính.
Hiện tượng thời tiết El Nino, dự kiến sẽ phát triển trên toàn cầu vào nửa cuối năm nay cũng gây rủi ro cho cà phê robusta. Hiện tượng thời tiết này sẽ làm gián đoạn mô hình mưa và nhiệt độ, có thể gây thắt chặt thêm nguồn cung và tăng giá cà phê robusta.
Các nhà phân tích và chuyên gia thời tiết cho biết, hai quốc gia sản xuất cà phê robusta lớn nhất thế giới là Việt Nam và Brazil có thể bị thiệt hại về năng suất nếu hiện tượng El Nino phát triển mạnh. Lợi thế nằm trong tay các doanh nghiệp lớn.
Lợi thế vẫn đang thuộc về các doanh nghiệp FDI
Mặc dù giá cà phê tăng cao kỷ lục nhưng nông dân và các doanh nghiệp xuất khẩu lại không mấy hưởng lợi bởi nông dân gần như đã bán hết cà phê trước đó, trong khi lo ngại về chi phí tài chính cao khiến nhiều doanh nghiệp không dám trữ hàng.
Hiện phần lớn cà phê đang nằm ở trong kho các doanh nghiệp nước ngoài có tiềm lực tài chính mạnh, nên các doanh nghiệp này được cho là hưởng lợi chính trong đợt tăng giá kỷ lục.
Số liệu của Tổng cục Hải quan cũng cho thấy, 5 tháng đầu năm nay, kim ngạch xuất khẩu cà phê của các doanh nghiệp nội giảm 6,1%so với cùng kỳ năm ngoái, xuống còn 1,29 tỷ USD. Ngược lại, kim ngạch xuất khẩu của các doanh nghiệp FDI tăng tới 11,6% lên 724,7 triệu USD.
Tỷ trọng của khối doanh nghiệp FDI trong tổng xuất khẩu cà phê của cả nước theo đó đã tăng lên mức 36% so với 32% của cùng kỳ, trong khi tỷ trọng của các doanh nghiệp trong nước thu hẹp từ 68% xuống 64%.
Nhu cầu thị trường biến động trái chiều
Về thị trường xuất khẩu, Liên minh châu Âu (EU) tiếp tục là thị trường tiêu thụ cà phê lớn nhất của Việt Nam trong 5 tháng đầu năm, chiếm 39% tổng khối lượng xuất khẩu với 338.389 tấn, trị giá hơn 751 triệu USD, giảm 10,3% về lượng và 8% về trị giá so với cùng kỳ năm ngoái. Tăng trưởng kinh tế giảm tốc, lạm phát tăng cao đã ảnh hưởng phần nào đến nhu cầu cà phê của châu Âu.
Trong khối EU, lượng cà phê xuất khẩu sang Đức, Tây Ban Nha, Bỉ giảm lần lượt là 1,4%, 29,9% và 52%, đạt 114.072 tấn, 45.665 tấn và 41.092 tấn. Mặc dù vậy, một số thị trường khác lại tăng nhập khẩu cà phê của Việt Nam như Italy (+26%), Hà Lan (+9,3%), Pháp (+22,1%)...
Ngoài ra, xuất khẩu cà phê sang các thị trường khác như Anh, Nhật Bản, Trung Quốc, Philippines cũng giảm đáng kể so với cùng kỳ năm ngoái.
Tuy nhiên, xuất khẩu cà phê sang thị trường tiêu thụ lớn thứ hai là Mỹ tăng mạnh 27,7% lên 64.493 tấn và chiếm 7,4% thị phần.
Tương tự, lượng cà phê xuất khẩu sang thị trường Nga cũng tăng tới 32,5% lên 48.376 tấn; Algeria tăng 106,1%, đạt 36.104 tấn. Đáng chú ý, xuất khẩu sang một số nước trồng và sản xuất cà phê khác tăng rất mạnh như Indonesia tăng gấp 3,2 lần (đạt 26.600 tấn), Mexico tăng 2,7 lần (đạt 19.875 tấn), Ấn Độ tăng 41,3%...