LHQ lên án các cuộc tấn công nhằm vào người tản cư ở CHDC Congo
Dòng chảy thông tin - Ngày đăng : 10:16, 13/06/2023
Hiện trường một vụ tấn công ở thành phố Kasindi, tỉnh Bắc Kivu (Cộng hòa Dân chủ Congo) ngày 15/1/2023. (Ảnh: THX/TTXVN)
Ngày 12/6, Cao ủy Liên hợp quốc về người tị nạn (UNHCR) đã lên án những cuộc tấn công tàn bạo của các lực lượng phiến quân nhằm vào người tản cư ở Cộng hòa Dân chủ Congo, nhấn mạnh tình trạng bạo lực tại quốc gia này đã cướp đi sinh mạng của nhiều người vô tội và khiến nhiều gia đình bị mất nhà ở.
Theo UNHCR, trong vụ việc mới nhất xảy ra ngày 12/6, một nhóm phần tử trang bị súng và dao rựa đã tấn công trại Lala - một điểm tập trung những người tản cư ở tỉnh Ituri, miền Đông Cộng hòa Dân chủ Congo - khiến ít nhất 45 người thiệt mạng và hàng chục người bị thương.
Ông Valentin Tapsoba - Giám đốc Văn phòng khu vực miền Nam châu Phi của UNHCR - chỉ trích đây là "những cuộc tấn công tàn ác, nhằm vào các nhóm dân thường dễ bị tổn thương."
Ông cũng nhấn mạnh sự bùng phát trở lại của bạo lực, gây lo ngại nghiêm trọng trong khu vực, khẳng định đòi hỏi cấp thiết phải có những nỗ lực bền vững để giải quyết nguyên nhân của xung đột, thúc đẩy hòa bình và ổn định lâu dài.
Đại diện đặc biệt của Tổng Thư ký Liên hợp quốc tại Cộng hòa Dân chủ Congo - bà Bintou Keita cũng đã lên án mạnh mẽ vụ tấn công trên. Trong một thông cáo báo chí tối 12/6, bà Keita - người đồng thời phụ trách Phái bộ gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc tại Cộng hòa Dân chủ Congo (MONUSCO) - cho biết vụ thảm sát trên do phiến quân của Hợp tác xã vì sự phát triển của Congo (CODECO) thực hiện.
Bà Keita nhấn mạnh MONUSCO đã phối hợp với chính quyền địa phương để tăng cường các biện pháp an ninh trong khu vực, nỗ lực ngăn chặn các cuộc tấn công tương tự và buộc những kẻ tấn công phải chịu hình phạt thích đáng.
Người đứng đầu MONUSCO nhắc lại lời kêu gọi tất cả các nhóm vũ trang chấm dứt ngay lập tức các hành vi bạo lực nhắm vào dân thường.
Bà cũng đặc biệt yêu cầu nhóm vũ trang CODECO tôn trọng các cam kết của mình trong khuôn khổ biên bản ghi nhớ đối thoại Aru được ký vào ngày 1/6 và tham gia vào Chương trình giải trừ quân bị, giải ngũ, phục hồi và ổn định cộng đồng (PDDRCS)./.