Quốc hội Iraq phê chuẩn ngân sách cao kỷ lục cho năm 2023
Dòng chảy thông tin - Ngày đăng : 12:33, 12/06/2023
Ngày 12/6, Quốc hội Iraq đã thông qua ngân sách năm 2023 với tổng trị giá 198.900 tỷ dinar (152 tỷ USD), trong đó dự kiến mức chi kỷ lục cho lương công chức và các dự án phát triển nhằm cải thiện dịch vụ và tái thiết cơ sở hạ tầng bị chiến tranh tàn phá.
Các nghị sỹ cho biết ngân sách kể trên được tính trên cơ sở giá dầu ở mức 70 USD/thùng và xuất khẩu dầu 3,5 triệu thùng/ngày, bao gồm 400.000 thùng/ngày từ khu vực bán tự trị người Kurd.
Ngoài ra, các nhà lập pháp ước tính thâm hụt ngân sách ở mức cao kỷ lục 64.360 tỷ dinar, hơn gấp đôi mức thâm hụt năm 2021.
Nghị sỹ Mohammed Nouri, thành viên Ủy ban tài chính Quốc hội Iraq, cho biết ngân sách mới sẽ bổ sung hơn nửa triệu việc làm mới trong lĩnh vực công.
Tuy nhiên, nhiều chuyên gia quan sát cho rằng Iraq nên cân nhắc thắt chặt chính sách tài khóa vì nước này là một trong những nước có tốc độ tăng dân số nhanh nhất thế giới, dự kiến gần gấp đôi lên mốc 80 triệu dân vào năm 2050.
Theo Giáo sư thỉnh giảng Ahmed Tabaqchali tại Trung tâm Nghiên cứu Trung Đông thuộc London School of Economics, khoảng 600.000 việc làm mới sẽ nâng ngân sách chi trả lương và lương hưu lên hơn 58 tỷ USD.
Điều này sẽ gia tăng khả năng dễ bị tổn thương của nền kinh tế, buộc giá dầu phải tăng mạnh để đáp ứng chi tiêu ngân sách và có thể kéo theo nhiều khoản vay hơn.
Trước đó, ngày 31/5, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) cảnh báo việc tăng lương cho nhân viên lĩnh vực công sẽ gia tăng áp lực tài chính khiến ngân sách quốc gia ngày càng thâm hụt, qua đó tạo thêm áp lực cho lĩnh vực dầu mỏ.
IMF đề xuất Iraq thắt chặt chính sách tài khóa để tăng cường khả năng chống chịu và giảm sự phụ thuộc của chính phủ vào nguồn thu từ dầu mỏ, bảo vệ các nhu cầu chi tiêu xã hội thiết yếu.
Bên cạnh đó, ngân sách cũng tính đến khu vực người Kurd, theo đó doanh thu từ dầu mỏ của khu vực này sẽ đưa vào một tài khoản do Ngân hàng Trung ương Iraq giám sát.
Trước đây, chính quyền Baghdad không can thiệp được vào nguồn thu dầu mỏ tại đây vì khu vực này đơn phương xuất khẩu dầu thô qua Thổ Nhĩ Kỳ.
Tuy nhiên, tháng 4 vừa qua, sau khi Thổ Nhĩ Kỳ dừng xuất khẩu dầu thô theo phán quyết của một trọng tài quốc tế, Baghdad và chính quyền khu vực người Kurd đã ký thỏa thuận, theo đó Công ty tiếp thị dầu mỏ Iraq (SOMO) do nhà nước điều hành có quyền tiếp thị và xuất khẩu dầu thô khai thác từ các mỏ dầu ở khu vực người Kurd./.