Hồ sơ dự án Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp
Chính sách - Ngày đăng : 11:44, 05/06/2023
Theo Bộ Quốc phòng, hiện nay, cơ sở pháp lý cao nhất điều chỉnh lĩnh vực công nghiệp quốc phòng (CNQP) là Pháp lệnh Công nghiệp quốc phòng năm 2008, điều chỉnh lĩnh vực động viên công nghiệp (ĐVCN) là Pháp lệnh Động viên công nghiệp năm 2003.
Tuy nhiên, trong thời gian qua, Quốc hội đã thông qua nhiều luật, nghị quyết có tác động đến CNQP và ĐVCN như: Hiến pháp năm 2013, Luật Quốc phòng năm 2018, Luật Công an nhân dân năm 2018, Luật Đầu tư công năm 2019, Luật Ngân sách Nhà nước năm 2015, Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ năm 2017, Luật Doanh nghiệp năm 2020,… đòi hỏi phải xây dựng Luật để điều chỉnh những quy định về CNQP và ĐVCN đảm bảo đồng bộ, thống nhất trong hệ thống pháp luật. Ngoài ra, một số quy định về ĐVCN liên quan đến quyền con người, quyền công dân nhưng chưa được quy định bằng văn bản luật nên chưa đảm bảo nguyên tắc hiến định tại khoản 2 Điều 14 Hiến pháp 2013.
Hiện tại, công nghiệp an ninh (CNAN) đang được điều chỉnh bởi Nghị định số 63/2020/NĐ-CP của Chính phủ (hướng dẫn thi hành Điều 34 Luật Công an nhân dân 2018) nên tính pháp lý chưa cao, đòi hỏi phải điều chỉnh CNAN tầm văn bản Luật để đảm bảo tính ổn định, đồng bộ, thống nhất của các quy định cho phát triển CNAN.
Nội dung Luật CNQP, AN và ĐVCN tập trung vào 05 chính sách nổi bật, gồm:
Chính sách 1: Phát triển CNQP, CNAN theo hướng lưỡng dụng, bảo đảm sự tham gia của các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân trong hoạt động CNQP, CNAN.
Chính sách 2: Hoàn thiện, sắp xếp, đổi mới hệ thống tổ chức CNQP, CNAN.
Chính sách 3: Thúc đẩy hoạt động Khoa học và Công nghệ phục vụ phát triển CNQP, CNAN.
Chính sách 4: Huy động nguồn lực cho phát triển CNQP, CNAN.
Chính sách 5: Bảo đảm hiệu quả hoạt động ĐVCN.