Nhất trí bổ sung dự án Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở vào Chương trình Kỳ họp thứ 5

Chính sách - Ngày đăng : 11:43, 02/06/2023

Tại phiên họp sáng 2/6/2023, với 446/465 đại biểu tham gia biểu quyết tán thành (chiếm 90.28%), Quốc hội đã bấm nút thông qua Nghị quyết Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024, điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2023. Trong đó, đã bổ sung dự án Luật Lực lượng tham gia bảo vệ ANTT ở cơ sở để cho ý kiến tại kỳ họp thứ 5, xem xét thông qua tại kỳ họp thứ 6 (tháng 10/2023).

Nghị quyết bổ sung vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2023 như sau: 

Trình Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 5 (tháng 5/2023), thông qua tại Kỳ họp thứ 6 (tháng 10/2023) dự án Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự (ANTT) ở cơ sở; trình Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 6 (tháng 10/2023) các dự án: Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp; Luật Đường bộ; Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ; Luật Thủ đô (sửa đổi); Luật Tổ chức Tòa án nhân dân (sửa đổi); Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đấu giá tài sản; trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến, thông qua dự án Pháp lệnh Chi phí tố tụng.  

Các vị đại biểu Quốc hội tiến hành biểu quyết thông qua Nghị quyết về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024, điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2023. Ảnh: quochoi.vn.
Các vị đại biểu Quốc hội tiến hành biểu quyết thông qua Nghị quyết về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024, điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2023. Ảnh: quochoi.vn.

Về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024, tại Kỳ họp thứ 7 (tháng 5/2024) sẽ trình Quốc hội thông qua 9 luật, 1 nghị quyết: Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi); Luật Lưu trữ (sửa đổi); Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp; Luật Đường bộ; Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ; Luật Thủ đô (sửa đổi); Luật Tổ chức Tòa án nhân dân (sửa đổi); Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cảnh vệ (theo quy trình tại một kỳ họp); Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đấu giá tài sản;

Bên cạnh đó, 9 dự án luật sẽ được trình Quốc hội cho ý kiến, gồm: Luật Công chứng (sửa đổi); Luật Công đoàn (sửa đổi); Luật Di sản văn hóa (sửa đổi); Luật Địa chất và khoáng sản; Luật Phòng không nhân dân; Luật Quy hoạch đô thị và quy hoạch nông thôn; Luật Tư pháp người chưa thành niên; Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Dược; Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật. Vào Kỳ họp thứ 8 (tháng 10/2024) sẽ trình Quốc hội thông qua 9 luật, cho ý kiến 2 dự án luật (Luật Chuyển đổi giới tính; Luật Việc làm (sửa đổi)). 

Kết quả biểu biểu quyết thông qua chương trình xây dựng luật, pháp lệnh.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ, các cơ quan, tổ chức, cá nhân tham gia trong quy trình xây dựng pháp luật đề cao trách nhiệm, tăng cường kỷ luật, kỷ cương; bảo đảm thực hiện nghiêm Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh; không đề nghị bổ sung dự án vào Chương trình ở thời điểm sát kỳ họp Quốc hội, trừ trường hợp thực sự cần thiết, cấp bách, cần triển khai kịp thời chủ trương, chính sách của Đảng, kết luận, chỉ đạo của Bộ Chính trị, Ban Bí thư; khắc phục triệt để tình trạng gửi hồ sơ dự án, dự thảo không đúng thời hạn quy định. 

Cơ quan, tổ chức, cá nhân được giao chủ trì soạn thảo thực hiện nghiêm, thực chất việc tổng kết thi hành pháp luật, đánh giá tác động của chính sách, lấy ý kiến và tiếp thu ý kiến của cơ quan, tổ chức, cá nhân và đối tượng chịu sự tác động, bảo đảm thiết thực, hiệu quả. 

Việc soạn thảo phải đặt yêu cầu cao về chất lượng, bám sát và kịp thời thể chế hóa chủ trương, đường lối của Đảng, đáp ứng yêu cầu của thực tiễn.... Rà soát kỹ các văn bản có liên quan để phát hiện, xử lý những quy định thiếu thống nhất; bảo đảm không để xảy ra mâu thuẫn, chồng chéo, sơ hở có thể dẫn đến tham nhũng, tiêu cực, tình trạng cài cắm “lợi ích nhóm”, “lợi ích cục bộ” trong đề xuất, xây dựng, ban hành chính sách, pháp luật. 

Hồng Giang - Thu Thủy