Sửa đổi 02 luật về Xuất - Nhập cảnh tạo điều kiện thuận lợi cho người nước ngoài nhập cảnh, lưu trú tại Việt Nam; phục vụ phát triển kinh tế - xã hội

Chính sách - Ngày đăng : 11:43, 04/06/2023

Tại phiên thảo luận về dự án Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam và Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam (Luật Xuất – Nhập cảnh) thuộc Kỳ họp thứ V, Quốc hội khóa XV, các đại biểu cơ bản nhất trí phải sửa 2 dự án luật này để phù hợp với bối cảnh công nghệ số, thúc đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số của Chính phủ; đẩy mạnh thực hiện thủ tục hành chính trên môi trường điện tử; tạo điều kiện cho phát triển du lịch, tạo thuận lợi nhất cho người nước ngoài đến Việt Nam và người Việt Nam ra nước ngoài.

Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương điều hành phiên thảo luận. 


Thủ tục hành chính trong lĩnh vực xuất, nhập cảnh được thực hiện trên môi trường số nên rất thuận tiện cho người dân

Tham gia thảo luận về dự án Luật, đại biểu Nguyễn Thanh Phương (đoàn Cần Thơ) cho biết, quy định về thủ tục xin cấp hộ chiếu, khai báo mất hộ chiếu và khôi phục giá trị hộ chiếu được thực hiện trên môi trường số nên rất thuận tiện cho người dân, đồng thời qua đây cũng khai thác tốt thông tin trên Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. “Tôi thống nhất với việc tăng thời gian thị thực cho người nước ngoài được cấp mã thị thực EV, tức là thị thực điện tử từ 30 ngày sang 3 tháng, nhưng tôi nghĩ là nên ghi "90 ngày", vì đối với các nước, khi cấp thị thực ngắn hạn họ đều ghi ngày chứ không ghi tháng và thị thực này có giá trị một lần, trở thành có giá trị một hay nhiều lần” – đại biểu kiến nghị.

Góp ý về dự Luật, đại biểu Nguyễn Phương Thủy (đoàn Hà Nội) cho rằng, việc Bộ Công an thực hiện cấp hộ chiếu gắn chip và tại 2 cửa khẩu quốc tế Nội Bài và Tân Sơn Nhất đang thực hiện việc lắp đặt cổng kiểm soát tự động để triển khai tự động hóa thủ tục kiểm tra, kiểm soát đối với việc nhập cảnh của công dân Việt Nam có sử dụng hộ chiếu gắn chip mà không cần có cán bộ quản lý xuất cảnh, nhập cảnh là có tính thực tế cao, tạo thuận lợi hơn cho cả cơ quan có thẩm quyền và người dân, đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế của đất nước.

Đại biểu Nguyễn Phương Thuỷ (đoàn Hà Nội) phát biểu trước Quốc hội.


“Đối với Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam, việc nâng thời hạn của thị thực điện tử, mở rộng đối tượng được cấp thị thực điện tử và nâng thời hạn tạm trú đối với công dân của nước được Việt Nam đơn phương miễn thị thực đều là các chính sách cần thiết, phù hợp với yêu cầu mở rộng cơ hội phát triển kinh tế, hội nhập quốc tế” – đại biểu nhấn mạnh.  

Đại biểu Quốc hội đánh giá Bộ Công an đi đầu trong chuyển đổi số quốc gia

Đại biểu Vũ Hồng Luyến (đoàn Hưng Yên) bày tỏ thống nhất cao với nội dung dự thảo Luật Sửa đổi, bổ sung, cho rằng, hồ sơ dự án Luật đã được cơ quan chủ trì soạn thảo chuẩn bị rất kỹ lưỡng, công phu, có tổng kết thi hành luật, tổ chức nhiều hội nghị, hội thảo, có nhiều hình thức để lấy ý kiến tham gia của các cơ quan, tổ chức, cá nhân và trong toàn lực lượng CAND.

“Các nội dung sửa đổi của dự thảo Luật đã tạo điều kiện thuận lợi, đơn giản hóa tối đa về thủ tục cho người dân, tiết kiệm được chi phí, tạo cơ sở pháp lý cho công tác quản lý của cơ quan có thẩm quyền, tạo đột phá trong thực hiện cải cách thủ tục hành chính trong lĩnh vực xuất, nhập cảnh” - đại biểu nêu quan điểm và cho biết, quy định đề nghị cấp hộ chiếu phổ thông có thể nộp hồ sơ trực tiếp tại trụ sở cơ quan quản lý xuất nhập cảnh hoặc nộp hồ sơ trên môi trường điện tử là rất phù hợp, đáp ứng với yêu cầu đẩy mạnh cải cách hành chính trong lĩnh vực xuất cảnh, nhập cảnh hiện nay; đảm bảo cơ sở pháp lý thực hiện việc cấp hộ chiếu phổ thông cho công dân ở dịch vụ công trực tuyến mức độ 4.

“Thời hạn thị thực điện tử được đề nghị tăng lên 3 tháng là ưu đãi đặc biệt cho khách nước ngoài, đặc biệt là cũng tạo điều kiện thuận lợi hơn nữa cho người nước ngoài nhập cảnh, xuất cảnh, cư trú và làm ăn tại Việt Nam. Tôi đề nghị Chính phủ, Bộ Công an và các bộ, ngành liên quan tiếp tục rà soát và kịp thời sửa đổi, bổ sung một số quy định pháp luật có liên quan đến nội dung sửa đổi của 2 luật này, có văn bản hướng dẫn thi hành và tổ chức tập huấn, triển khai các quy định sửa đổi của 2 luật để đảm bảo khi luật được Quốc hội thông qua và có hiệu lực được thi hành ngay, đáp ứng kịp thời yêu cầu cải cách hành chính trong lĩnh vực xuất, nhập cảnh, tạo điều kiện thuận lợi, đơn giản hóa tối đa thủ tục cho người dân, tạo điều kiện để thu hút hơn nữa người nước ngoài nhập cảnh tại Việt Nam” – đại biểu kiến nghị.  

Đại biểu Vũ Tiến Lộc phát biểu ý kiến. 

Đại biểu Vũ Tiến Lộc (đoàn Hà Nội) cũng đánh giá cao những nỗ lực của Bộ Công an. “Có thể nói, trong chương trình chuyển đổi số quốc gia thì Bộ Công an đang là bộ tiên phong đi đầu và đạt được nhiều thành quả đáng được ghi nhận, đặc biệt là Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, là một tiến bộ rất vượt bậc trong việc góp phần xây dựng nền tảng đầu tiên của dữ liệu lớn của Việt Nam. Với tiến độ và cách thức như thế này, tôi nghĩ nếu kết hợp tốt với các bộ, ngành, các cơ quan khác, có thể chúng ta sẽ có sự chuyển biến rất nhanh trong việc thực hiện chủ trương về thực hiện Chính phủ điện tử, Chính phủ số mà Bộ Công an là một đơn vị đi đầu” – đại biểu nói; đồng thời khẳng định, việc mở rộng đối tượng cấp hộ chiếu phổ thông theo thủ tục rút gọn thì sẽ góp phần thuận lợi, là một bước tiến rất lớn.


“Có thể nói Việt Nam đang là một quốc gia có tiềm năng lớn về du lịch và là một địa điểm hàng đầu trong thu hút đầu tư quốc tế. Sau đại dịch COVID-19, với sự dịch chuyển của chuỗi cung ứng toàn cầu, Việt Nam đang được thế giới rất chú ý và rất nhiều các nhà du lịch, đặc biệt là các nhà đầu tư, kinh doanh đang lần lượt có nhu cầu đến Việt Nam tìm hiểu để đầu tư, kinh doanh của nước ta” – đại biểu nhấn mạnh thêm, đồng thời bày tỏ nhất trí với các nội dung cơ quan soạn thảo đề xuất.  

Sửa Luật phục vụ phát triển kinh tế - xã hội

Phát biểu giải trình ý kiến các đại biểu, Đại tướng Tô Lâm, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an cho biết, việc sửa đổi 2 dự án luật Xuất – Nhập cảnh  nhằm thể chế hóa chủ trương của Đảng tại Nghị quyết số 08 của Bộ Chính trị ngày 16/1/2017 về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, góp phần thể chế hóa chủ trương phấn đấu đến năm 2030 hoàn thành xây dựng Chính phủ số, đứng trong số 50 quốc gia hàng đầu thế giới và xếp thứ ba trong khu vực ASEAN về Chính phủ điện tử kinh tế số. Đồng thời, việc xây dựng luật còn đáp ứng yêu cầu của Quốc hội để bổ sung thông tin nơi sinh vào hộ chiếu và khắc phục những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện.

“Trên thực tế, mục đích của việc sửa đổi luật này là tạo điều kiện thuận lợi hơn nữa cho người nước ngoài nhập cảnh vào Việt Nam và người Việt Nam xuất cảnh ra nước ngoài, phục vụ cho phát triển kinh tế - xã hội và đảm bảo an ninh quốc gia, TTATXH” –  Bộ trưởng nhấn mạnh. 

Ý kiến của các đại biểu về làm rõ việc bổ sung quy định về việc giấy tờ khác theo quy định tại điều ước quốc tế; làm rõ hơn căn cứ để nâng thời hạn thị thực điện tử từ không quá 30 ngày lên đến không quá 3 tháng hoặc 90 ngày; bổ sung quy định mở rộng diện điều kiện cấp thị thực điện tử cho công dân các nước và vùng lãnh thổ; đề nghị cần rà soát các quy định của luật này với dự thảo Luật Căn cước để đảm bảo thống nhất, không mâu thuẫn, chồng chéo..., Bộ trưởng Tô Lâm cho biết, các ý kiến nêu trên sẽ được tổng hợp báo cáo Chính phủ và phối hợp với các cơ quan có liên quan của Quốc hội tiếp thu, giải trình và hoàn thiện dự thảo luật để báo cáo với Quốc hội.

Bộ trưởng Tô Lâm giải trình, tiếp thu ý kiến các đại biểu nêu. 


“Thay mặt cơ quan chủ trì soạn thảo dự án luật, tôi xin trân trọng cảm ơn các đồng chí lãnh đạo Quốc hội, các đại biểu Quốc hội đã quan tâm và có những ý kiến đóng góp để góp phần hoàn thiện hồ sơ dự án luật. Bộ Công an cũng rất mong các đồng chí đại biểu Quốc hội, các cơ quan, tổ chức có liên quan tiếp tục quan tâm, cho ý kiến đối với dự án luật. Cơ quan chủ trì soạn thảo có trách nhiệm phối hợp chặt chẽ với cơ quan của Quốc hội, hoàn thiện hồ sơ dự án luật trình Quốc hội thông qua vào ngày 24/6/2023” – Bộ trưởng Tô Lâm nhấn mạnh.  

Lan Anh - Thu Thủy