Thương mại - Dịch vụ

"Mở đường" cho thị trường tiêu thụ sản phẩm 

Lê Dung 12/06/2023 06:09

Cùng với việc đầu tư máy móc, công nghệ sản xuất, Đắk Nông đang từng bước tiếp cận, phát triển thêm thị trường ở trong và ngoài nước cho nhiều loại sản phẩm.

Mở đường vào kênh phân phối hiện đại

Đầu tháng 6 vừa qua, sản phẩm bột ca cao nguyên chất của Công ty TNHH MTV Cà phê Hương Quê Đắk Nông (Đắk Mil) đã chính thức có mặt tại hệ thống phân phối hiện đại.

ca-cao-huong-que(1).jpg
Sản phẩm bột ca cao nguyên chất của Công ty TNHH MTV Cà phê Hương Quê Đắk Nông (Đắk Mil)

Theo đó, sản phẩm đã được bày bán tại 21 siêu thị Co.opmart tại TP. Hồ Chí Minh và 42 tỉnh, thành phố trong cả nước. Ông Nguyễn Văn Quý, Giám đốc Công ty cho biết, kết quả này là sự nỗ lực miệt mài của Công ty trong suốt 5 năm qua.

“Việc đưa sản phẩm tiếp cận được hệ thống phân phối hiện đại sẽ giúp Công ty sản xuất ổn định, giá trị sản phẩm sẽ được nâng cao", ông Quý cho biết.

img_0456(1).jpg
 Công ty TNHH MTV Cà phê Hương Quê Đắk Nông (Đắk Mil) ưu tiên đầu tư dây chuyền sản xuất ca cao tiên tiến

Để giúp doanh nghiệp có điều kiện tiếp cận thị trường, ngành Công thương đã tổ chức hiệu quả nhiều hoạt động hỗ trợ xúc tiến thương mại (XTTM).

Giai đoạn 2021 đến nay, toàn tỉnh đã triển khai thực hiện 11 đề án XTTM, với tổng kinh phí thực hiện là hơn 3,5 tỷ đồng. Trong đó, XTTM hỗ trợ là hơn 2,5 tỷ đồng và kinh phí từ nguồn vốn xã hội hóa là 1 tỷ đồng.

Thông qua các đề án, ngành Công thương đã hỗ trợ cho 272 lượt doanh nghiệp, HTX, hộ kinh doanh tham gia các chương trình XTTM để giới thiệu về tiềm năng, thế mạnh của Đắk Nông.

Cùng với đó, hoạt động kết nối với doanh nghiệp, đối tác nước ngoài được ngành Công thương tổ chức thường xuyên. Thông qua các hội nghị, doanh nghiệp Đắk Nông được gặp gỡ trực tiếp giới thiệu, trao đổi, đặt vấn đề liên kết với các doanh nghiệp xuất khẩu, hệ thống trung tâm thương mại, siêu thị trong và ngoài nước.

Đầu tư sản xuất hiện đại

Để sản phẩm hàng hóa vững vàng phát triển, mở rộng thị trường tiêu thụ, việc nâng cao chất lượng, giảm chi phí sản xuất được các doanh nghiệp quan tâm.

img_0505(1).jpg
Đề án khuyến công hỗ trợ máy móc, thiết bị hiện đại cho Công ty TNHH MTV Hoàng Phát (Đắk Mil)

Trong đó, đáng chú ý nhất là các hoạt dộng hỗ trợ từ các đề án khuyến công. Các đề án khuyến công đã ưu tiên cho việc đầu tư máy móc, trang thiết bị hiện đại phục vụ sản xuất cho các doanh nghiệp. Trong đó, chú trọng tới các sản phẩm đặc trưng, chất lượng cao như: sản phẩm CNNT, OCOP, VietGAP…

Trong giai đoạn 2021 – 2023, Sở Công Thương đã triển khai thực hiện 30 đề án khuyến công, với tổng kinh phí thực hiện là hơn 24,2 tỷ đồng. Trong đó, kinh phí khuyến công hỗ trợ hơn 11,5 tỷ đồng và kinh phí từ nguồn vốn của các cơ sở công nghiệp nông thôn (CNNT) là hơn 12,6 tỷ đồng.

Ngành đã tư vấn, hướng dẫn cho 150 lượt cơ sở CNNT về định hướng, kế hoạch đầu tư phát triển công nghiệp, phát triển sản xuất, kinh doanh một cách bền vững.

ket-noi-giao-thuong-voi-dnxk(1).jpg
Doanh nghiệp Đắk Nông tham gia kết nối thị trường qua các hội chợ, triển lãm 

Để kích cầu tiêu dùng, thúc đẩy thị trường, hoạt động khuyến mại đã được các doanh nghiệp ngày càng quan tâm, chú trọng đến số lượng và hình thức tổ chức chương trình. Từ đó nhằm thu hút khách hàng cũng như tác động đến tâm lý, thị hiếu của người tiêu dùng.

Cụ thể, từ năm 2021 đến nay, ngành Công Thương đã tiếp nhận gần 30.000 hồ sơ thông báo thực hiện khuyến mại trên địa bàn tỉnh.

Trong đó, đối với hoạt động tổ chức hội chợ đã tạo điều kiện cho các doanh nghiệp trong, ngoài tỉnh tiếp cận thị trường nông thôn, vùng sâu, vùng xa. Từ đó giúp mở rộng mạng lưới kinh doanh, phân phối hàng hóa, khẳng định về chất lượng, giá cả hàng hóa đối với người tiêu dùng.

Ngoài ra, các hoạt động kết nối nhà phân phối, nhà bán lẻ tại địa phương và doanh nghiệp sản xuất được đẩy mạnh, nhằm tạo dựng được mạng lưới phân phối lâu dài, bền vững...

Lê Dung