Hungary đề xuất châu Âu xây đường ống khí đốt 300km từ Turkmenistan
Dòng chảy thông tin - Ngày đăng : 14:55, 10/06/2023
Trạm tiếp nhận của cơ sở lọc dầu Duna ở thị trấn Szazhalombatta (Hungary). (Ảnh: AFP/TTXVN)
Ngày 9/6, Ngoại trưởng Hungary Peter Szijjarto tuyên bố châu Âu cần xây dựng một đường ống dẫn khí đốt dài 300km với công suất hằng năm là 30 tỷ mét khối để đảm bảo nguồn cung cấp khí đốt tự nhiên từ Turkmenistan, trong khi các đường ống hiện có ở Đông Nam Âu cần được nâng cấp.
Một phái đoàn Hungary do Thủ tướng Viktor Orban dẫn đầu cùng Bộ trưởng Năng lượng Csaba Lantos, Bộ trưởng Phát triển Kinh tế Marton Nagy và Bộ trưởng Văn hóa Janos Csak đã đến Turkmenistan ngày 8/6.
Trong chuyến thăm tới thủ đô Ashgabat, Thủ tướng Orban dự kiến sẽ gặp Tổng thống Turkmenistan Serdar Berdimuhamedow, đồng thời ký kết một số thỏa thuận hợp tác.
Theo Ngoại trưởng Hungary, “Turkmenistan có thể là một giải pháp dễ dàng để đảm bảo nguồn cung cấp năng lượng cho châu Âu, vì nước này có trữ lượng khí đốt tự nhiên lớn thứ tư trên thế giới sau Nga, Iran và Qatar, đồng thời đứng thứ 11 trên thế giới về sản lượng.”
Trở ngại duy nhất là thiếu các tuyến đường ống dẫn khí đốt từ bờ Đông sang bờ Tây Biển Caspi. Ngoại trưởng Hungary nhấn mạnh: "Sau khi các vấn đề pháp lý được giải quyết, một đường ống dẫn khí đốt dài 300km với công suất 30 tỷ mét khối hàng năm cần được xây dựng."
Cũng theo ông Szijjarto, sau khi xây dựng đường ống, khí đốt có thể được cung cấp từ Turkmenistan đến Đông Nam châu Âu thông qua Azerbaijan và Thổ Nhĩ Kỳ. Sau đó, khí đốt có thể được vận chuyển đến Hungary qua Bulgaria, Romania và Serbia, những nơi cần nâng cấp đường ống để có công suất cao hơn.
Tuần trước, công ty năng lượng MVM CEEnergy của Hungary và Công ty Dầu mỏ Nhà nước Cộng hòa Azerbaijan (SOCAR) đã ký thỏa thuận. Theo đó, 100 triệu mét khối khí đốt sẽ được chuyển đến Hungary vào cuối năm 2023.
Budapest đang nỗ lực đa dạng hóa nguồn cung cấp khí đốt. Hungary cũng quan tâm đến việc tăng nguồn cung LNG thông qua kho cảng Krk của Croatia và phát triển mỏ khí đốt ở Romania.
Budapest đang xem xét khả năng nhập khẩu dầu từ Ecuador nếu việc vận chuyển dầu mỏ của Nga qua Ukraine bằng đường bộ trở nên bất khả thi./.