Tại sao xe bồn chở xăng, dầu treo dây xích dài ở phía sau?
Nếu bạn nhìn thấy xe bồn di chuyển trên đường mà phía sau có một sợi dây xích dài quyệt xuống mặt đường thì đó không phải là do sự bất cẩn của tài xế.
Nhiều lái xe lý giải, đây là một hành động có chủ ý. Khi xe bồn chở xăng hoặc dầu di chuyển thì các chất này sẽ tiếp xúc với không khí khô bên trong bồn, vùng không khí này sẽ cọ xát với thành bồn dễ gây ra hiện tượng nhiễm điện.
Để giải quyết hiện tượng này, người ta sử dụng một sợi dây xích (có hệ số dẫn điện cao) giúp mau chóng chuyển những điện tích này thành dòng điện và truyền xuống mặt đất để trung hòa điện, tránh gây cháy nổ.
Hiện tượng tĩnh điện không chỉ có thể xảy ra khi xe bồn chở xăng dầu di chuyển mà còn có thể xảy ra khi đổ xăng dầu vào bồn hay ngược lại. Trong trường hợp này, người ta sử dụng các thiết bị chuyên dụng để trung hòa điện như hệ thống RTR - Road Tanker Grounding (Earthing).
Ngoài ra, dưới đây là lý giải một vài hiện tượng thường dùng cho xe tải và xe bồn mà nhiều người không nắm rõ:
Dây cao su ở lốp xe: Đặc thù vận chuyển hàng hóa và thường xuyên chở hàng đi đường dài, các tài xế gắn dây cao su tự chế thành chùm ở các bánh xe để làm sạch bụi, bùn đất để CSGT dễ kiểm soát khi nhìn vào thông số kỹ thuật lốp. Bên cạnh đó là giảm thời gian rửa lốp sau này.
Nước mui xe tải: Theo các tài xế xe tải lâu năm, nước mui thường gắn trên đầu xe chủ yếu dự trữ nước để phục vụ nhu cầu sinh hoạt cá nhân. Bên cạnh đó, để hỗ trợ giảm nhiệt cho động cơ, nước này được xả xuống két nước. Xe chở hàng tải trọng lớn, đi đường dài và hay leo dốc khiến động cơ, lốp, má phanh nóng lên rất nhanh. Vì thế, nước mui được nối xuống các vị trí này để giải nhiệt, hạn chế hiện tượng trơ phanh, nổ lốp.
Khi kỹ thuật động cơ và làm mát chưa phát triển, nước mui xe thường đặt trên đầu xe với mục đích tận dụng áp lực nước từ trên cao. Hiện nay các bình nước gắn bên hông hoặc các vị trí bánh xe và xả trực tiếp vào la-zăng, lốp.
Cầu đơn và cầu kép: Xe chở hàng tải trọng lớn thường dùng cầu kép (một hoặc hai bánh liền kề trước-sau) để phân bổ lực và bám đường tốt hơn. Nhiều xe tải hiện nay còn có cầu "giả" có thể nâng lên, hạ xuống tùy vào tải trọng xe nặng hay nhẹ. Khi xe chạy với tải trọng nhẹ, tài xế không cần dùng đến cầu kép để tránh hao mòn lốp, tiết kiệm nhiên liệu.