Algeria đẩy mạnh phát triển chiến lược năng lượng quốc gia

Dòng chảy thông tin - Ngày đăng : 06:07, 08/06/2023

Tập đoàn dầu khí quốc gia Algeria (Sonatrach) công bố việc trao hợp đồng xây dựng một tổ hợp hóa dầu trị giá 1,5 tỷ USD cho Petrofac-HQC, một liên doanh giữa Tập đoàn Petrofac của Anh và Tập đoàn công trình Hoàn Cầu (HQC) của Trung Quốc.
Một cơ sở khai thác khí đốt của Algeria. (Ảnh FRANCE 24)
Một cơ sở khai thác khí đốt của Algeria. (Ảnh FRANCE 24)

Đây là một dự án hạ nguồn quan trọng, đóng vai trò lớn trong việc hỗ trợ chiến lược năng lượng của Algeria khi quốc gia Bắc Phi đang đẩy mạnh khai thác tiềm năng để trở thành nhà cung cấp năng lượng hàng đầu cho thị trường thế giới.

TEP POLYMERS SPA (công ty con của Sonatrach) đã trao cho Tập đoàn Petrofac-HQC hợp đồng tổng thầu EPC (thiết kế, mua sắm và xây dựng) một tổ hợp hóa dầu có khả năng sản xuất 550 nghìn tấn polypropylene/năm với số vốn đầu tư 1,5 tỷ USD. Dự án này sẽ là một phần của Khu công nghiệp Arzew ở phía tây thủ đô Algiers.

Giám đốc điều hành Tập đoàn Petrofac khẳng định, Algeria là thị trường cốt lõi của Petrofac và công ty cam kết hỗ trợ cung cấp lâu dài kết cấu hạ tầng trọng yếu, vì nước này đóng vai trò ngày càng quan trọng như một nhà sản xuất năng lượng hàng đầu và đang chuyển sang thực hiện các dự án hóa dầu quy mô lớn.

Trong kế hoạch 5 năm (giai đoạn 2023-2027) với tổng vốn đầu tư 40 tỷ USD của Sonatrach, tập đoàn này có kế hoạch đầu tư 30 tỷ USD cho thăm dò và khai thác dầu khí, nhất là khí đốt tự nhiên để cải thiện nguồn cung cho thị trường thế giới.

Những khoản đầu tư này sẽ giúp Algeria tăng sản lượng trong ngắn hạn và trung hạn, cải thiện an ninh năng lượng và trở thành nguồn cung cấp đáng tin cậy cho thị trường toàn cầu.

Trong khuôn khổ kế hoạch, Sonatrach dự định đầu tư hơn 7 tỷ USD vào các dự án lọc, hóa dầu và khí hóa lỏng nhằm tạo ra thêm giá trị gia tăng và tăng cường tiềm năng xuất khẩu.

Ngoài ra, tập đoàn cũng sẽ dành gần 1 tỷ USD cho các dự án chuyển đổi năng lượng, bao gồm các dự án thu hồi khí đốt tại các địa điểm sản xuất và tổ hợp LNG, các dự án điện mặt trời và các dự án thí điểm để sản xuất và truyền tải hydro xanh.

Algeria sở hữu một số lợi thế cạnh tranh cho phép nước này phát triển hydro trở thành một lĩnh vực chiến lược trong quá trình chuyển đổi năng lượng.

Theo ước tính, lĩnh vực hydro xanh có thể mang lại nguồn doanh thu hằng năm lên đến gần 10 tỷ USD cho Algeria. Quốc gia Bắc Phi đang đặt mục tiêu sản xuất một triệu tấn hydro xanh mỗi năm kể từ năm 2040.

Sản phẩm của Algeria sẽ dành riêng cho xuất khẩu, nhất là sang thị trường châu Âu - nơi có nhu cầu hydro xanh lên đến 10 triệu tấn mỗi năm.

Thông qua Sonatrach, Algeria đang đặt mục tiêu trở thành một trong những nguồn cung cấp khí đốt hàng đầu thế giới nhờ trữ lượng khí đốt tự nhiên dồi dào và việc gia tăng sản lượng trong thời gian gần đây.

Sonatrach cho biết sẽ tiếp tục phát triển tiềm năng khí đốt của mình, đồng thời thông báo việc một số dự án đang được triển khai sẽ được đưa vào vận hành trong năm 2023 và 2024.

Những dự án này bao gồm đưa vào khai thác các mỏ Hassi Mouina và Hassi Ba Hamou ở phía Tây Nam Algeria cũng như các mỏ Isarène và TFT Sud ở phía Đông Nam nước này và việc triển khai các dự án mới ở Hassi R’mel, Hamra, Ohanet và Touat.

Cùng với việc tăng cường sản xuất, Sonatrach được cho là đang tích cực tìm kiếm và ký kết các thỏa thuận mua hàng dài hạn với các nước châu Âu để bảo đảm an toàn cho nguồn cung của tập đoàn.

Với tiềm năng mạnh mẽ về dầu khí cũng như các nguồn năng lượng khác, Algeria đã thiết lập quan hệ đối tác chiến lược về năng lượng với Liên minh châu Âu (EU) vào năm 2015 với mục tiêu tăng cường hợp tác trong các lĩnh vực năng lượng tái tạo, sử dụng năng lượng hiệu quả và khí đốt tự nhiên.

Là nhà cung cấp khí đốt lớn thứ ba của EU, sau Nga và Na Uy, Algeria chiếm khoảng 8% tổng lượng khí đốt nhập khẩu của EU trong năm 2021.

Ngược lại, EU là nhà nhập khẩu khí đốt hàng đầu của Algeria, với 90% lượng khí đốt của Algeria xuất khẩu sang châu Âu.

Để đa dạng hóa nguồn cung, cũng như giảm sự phụ thuộc vào khí đốt của Nga, một số nước châu Âu, đặc biệt là Italia, đã chuyển sang sử dụng khí đốt của Algeria, vốn là nhà xuất khẩu khí đốt tự nhiên hàng đầu ở châu Phi.

THANH HẢI