Bộ trưởng Hầu A Lềnh: Trăn trở của tôi trùng với trăn trở của đồng bào

Chính sách - Ngày đăng : 07:20, 07/06/2023

Bộ trưởng Hầu A Lềnh chia sẻ, trăn trở của ông trùng với trăn trở của bà con. “Chủ trương, chính sách dân tộc của Đảng, Nhà nước đang dần hoàn thiện nhưng dù chính sách có nhiều đến đâu, nguồn lực nhiều đến đâu, mà bà con không tiếp nhận được, không đồng lòng cùng Nhà nước thực hiện thì sẽ không thành công”.

Bộ trưởng Hầu A Lềnh: Trăn trở của tôi trùng với trăn trở của đồng bào - Ảnh 1.

Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hầu A Lềnh: Dù chính sách dân tộc có nhiều đến đâu, nguồn lực nhiều đến đâu, mà bà con không tiếp nhận được, không đồng lòng cùng Nhà nước thực hiện thì sẽ không thành công.

Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 5, chiều 6/6, Quốc hội tiến hành chất vấn và trả lời chất vấn về nhóm các vấn đề thuộc lĩnh vực dân tộc.

Vấn đề chính sách thu hút nguồn lực hỗ trợ đầu tư phát triển vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn và đặc biệt khó khăn, được một số đại biểu Quốc hội quan tâm đặt câu hỏi chất vấn.

Thu hút doanh nghiệp đầu tư vào vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi: Cần chính sách đủ mạnh

Đề cập giải pháp thu hút đầu tư của doanh nghiệp, giải quyết việc làm tại chỗ cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, đại biểu Phan Thái Bình (Đoàn Quảng Nam) cho biết, tại Báo cáo 874 ngày 30/5/2023 của Ủy ban Dân tộc có nêu vấn đề một số địa phương chưa phát huy thế mạnh của mình để thu hút nguồn lực đầu tư cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. 

Tuy nhiên, đại biểu nhận thấy, vấn đề đầu tư, thu hút nguồn lực đầu tư cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi là đầu tư các cơ sở hạ tầng thiết yếu, trong đó hạ tầng giao thông để thu hút các doanh nghiệp đầu tư, giải quyết việc làm tại chỗ cho người dân vùng dân tộc thiểu số và miền núi đang gặp rất nhiều khó khăn.

Do vậy, đại biểu Phan Thái Bình đề nghị Bộ trưởng Hầu A Lềnh cho biết với khó khăn như thế, thời gian tới Bộ trưởng có giải pháp nào để thu hút được đầu tư của doanh nghiệp vào vùng này, giải quyết việc làm tại chỗ cho người dân.

Trả lời câu hỏi của đại biểu, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hầu A Lềnh cho biết trong báo cáo của Ủy ban Dân tộc có nêu nội dung như đại biểu viện dẫn; đây là một thực trạng. 

Vừa qua, trong nghị quyết của Quốc hội và khi triển khai chương trình mục tiêu cũng đặt ra vấn đề các địa phương có nguồn vốn đối ứng, đồng thời huy động, phát huy các nguồn lực của địa phương để đóng góp thêm vào. 

Tuy nhiên, theo Bộ trưởng, các báo cáo của Ủy ban Dân tộc và các địa phương cho thấy, đến thời điểm hiện nay số địa phương có bố trí nguồn vốn đối ứng chiếm tỷ lệ thấp. Còn việc huy động nguồn vốn đầu tư, Bộ trưởng bày tỏ đồng tình với ý kiến đại biểu “là rất khó khăn”.

Về giải pháp, Bộ trưởng Hầu A Lềnh cho rằng, trên cơ sở các quy định của pháp luật, Ủy ban Dân tộc rất mong muốn các địa phương xây dựng hệ thống cơ chế, chính sách đảm bảo phù hợp để thu hút đầu tư, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp, đặc biệt là chính sách đất đai (nhất là sau khi Luật Đất đai mới được Quốc hội thông qua), chính sách tín dụng. 

“Đây là những cản trở, khó khăn nhất để doanh nghiệp đầu tư vào các địa phương”, Bộ trưởng nhấn mạnh, đồng thời cho rằng các địa phương cần có những điều kiện cụ thể đủ mạnh hỗ trợ doanh nghiệp.

Với trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước, Bộ trưởng Hầu A Lềnh cho biết Ủy ban Dân tộc sẽ phối hợp với các địa phương để nghiên cứu, khảo sát, đánh giá và có những đề xuất với các cấp có thẩm quyền những chính sách đủ mạnh để thu hút nguồn lực đầu tư vào phát triển vùng đồng bào dân tộc thiểu số trong giai đoạn tới.

Rà soát lại tất cả chính sách dân tộc, trình Chính phủ trong cuối năm nay

Cùng quan điểm cho rằng chính sách dân tộc hiện nay tản mát và nhiều văn bản chồng chéo, nhiều tầng nấc, nguồn lực bị phân tán, dẫn đến chưa phát huy hiệu quả, thiếu tính bền vững, đại biểu Hoàng Thị Thanh Thúy (Tây Ninh) đề nghị Bộ trưởng Hầu A Lềnh cho biết ý kiến về nhận định này. 

“Bộ trưởng có cho rằng cần thiết phải rà soát, điều chỉnh chính sách dân tộc để khắc phục những bất cập mang tính hệ thống hay không?”, đại biểu đặt câu hỏi.

Trong phần trả lời, Bộ trưởng Hầu A Lềnh cho biết ông rất đồng tình vấn đề này và Ủy ban Dân tộc đã chủ động đề xuất với Thủ tướng Chính phủ và được Thủ tướng Chính phủ giao nhiệm vụ. 

Hiện nay, Ủy ban Dân tộc đang thực hiện đề án rà soát lại tất cả chính sách dân tộc có liên quan, trình Chính phủ trong cuối năm nay.

Không có sự đồng lòng, chính sách dân tộc sẽ không thể thành công

Đại biểu Phạm Trọng Nghĩa (Đoàn Lạng Sơn) đặt câu hỏi: Đến nay, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc đã đảm nhận chức vụ nửa nhiệm kỳ. Vấn đề Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc trăn trở nhất là gì và giải pháp cho vấn đề đó trong thời gian tới?

Cảm ơn đại biểu đã nêu câu hỏi “rất dễ nhưng cũng rất khó”, Bộ trưởng Hầu A Lềnh cho biết, quá trình công tác của bản thân từng kinh qua nhiều vị trí nhưng vị trí nào cũng gắn với lĩnh vực dân tộc.

“Bản thân tôi cũng là người dân tộc thiểu số nên cảm xúc ở mỗi vị trí công việc khác nhau. Nhưng hiện nay với tư cách Bộ trưởng, Chủ nhiệm, tôi nghĩ việc đầu tiên là phải hoàn thành nhiệm vụ Đảng, Nhà nước giao trong triển khai các chính sách dân tộc”, Bộ trưởng Hầu A Lềnh chia sẻ và nhấn mạnh sẽ cố gắng hết sức hoàn thành nhiệm vụ.

Bộ trưởng Hầu A Lềnh chia sẻ thêm, trăn trở của ông trùng với trăn trở của bà con. “Chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước đang dần hoàn thiện nhưng dù chính sách nhiều đến đâu, nguồn lực nhiều đến đâu, mà bà con không tiếp nhận được, không đồng lòng cùng Nhà nước thực hiện thì sẽ không thành công”.

Bộ trưởng Hầu A Lệnh chia sẻ, quan trọng nhất là nhận thức của người dân, phải làm sao để người dân cảm nhận đây là chủ trương của Đảng, chính sách của Nhà nước và trách nhiệm của người dân là cùng chung tay thực hiện./.