Công nghiệp - Xây dựng

Công nghiệp Đắk Nông và vai trò trụ cột nền kinh tế (kỳ 3): Tăng tốc để thực hiện các mục tiêu

Lê Dung 07/06/2023 05:33

Công nghiệp Đắk Nông có sự chuyển dịch tích cực trong cơ cấu kinh tế, nhưng còn chậm và chưa bền vững. Đắk Nông đang bám sát các kế hoạch, định hướng để tối ưu các giải pháp, nhằm sớm đưa công nghiệp đạt các mục tiêu đề ra.

Còn những khoảng trống lớn

Đắk Nông đặt mục tiêu đến năm 2025 đưa chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) tăng 16%. Giai đoạn 2021-2025, tỉnh phấn đấu sản lượng các sản phẩm công nghiệp chủ yếu tăng trưởng cao so với giai đoạn 2016-2020.

alumin-5(1).jpg
Kế hoạch nâng công suất Nhà máy Alumin Nhân Cơ từ 650.000 tấn/năm lên 800.000 tấn/năm chưa được thực hiện trong kỳ

Tuy nhiên, qua các năm cho thấy, chỉ số IIP của tỉnh đang có sự trồi, sụt thất thường. Đơn cử, năm 2021, IIP tăng 13,37%; năm 2022 tăng 8%.

Dự kiến, năm 2023, IIP của tỉnh sẽ tăng khoảng 9%. Như vậy, IIP ước thực hiện bình quân giai đoạn 2021-2025 chỉ tăng trên 14%, không đạt so với kế hoạch.

Yếu tố tác động mạnh nhất tới kết quả thực hiện các chỉ tiêu công nghiệp là Nhà máy Điện phân nhôm của Công ty TNHH Luyện kim Trần Hồng Quân hiện đang tiến hành đầu tư, chưa thể đi vào hoạt động như kế hoạch.

Theo dự kiến ban đầu, đến quý II/2023, Nhà máy này đi vào hoạt động, với sản lượng sản xuất là 75.000 tấn/năm. Năm 2024, Nhà máy đạt 120.000 tấn, năm 2025 đạt 150.000 tấn.

Tuy nhiên, với tình hình hiện nay, phải đến năm 2024, Nhà máy mới có thể đi vào hoạt động theo phân kỳ 1, với sản lượng là 150.000 tấn.

Cũng nằm trong kế hoạch, trong kỳ, Đắk Nông sẽ nâng công suất Nhà máy Alumin Nhân Cơ từ 650.000 tấn/năm lên 800.000 tấn/năm. Tuy nhiên, hiện nay, kế hoạch này vẫn chưa được cấp có thẩm quyền thông qua.

img_1046(1).jpg
Một số sản phẩm công nghiệp chủ yếu của Đắk Nông dự kiến không đạt 50% so với kế hoạch

Một số sản phẩm công nghiệp chủ yếu của tỉnh dự kiến không đạt 50% so với kế hoạch cũng đang tác động lớn đến kết quả của các chỉ tiêu về IIP.

Trong đó, cà phê bột mới đạt 45% kế hoạch; tinh bột sắn 44%; hạt điều nhân 29%; đậu phộng, đậu nành 37%; nước máy 34%; đá ốp lát 49%; ván MDF 14%; điện thương phẩm 21%; điện sản xuất 44%...

Do các dự án điện gió chưa đi vào vận hành thương mại, nên điện sản xuất không tăng như dự kiến. Giá trị điện thương phẩm cũng không tăng như kế hoạch ban đầu.

Theo kế hoạch, đến năm 2025, giá trị điện thương phẩm của Đắk Nông đạt 3.132 tỷ kWh. Tuy nhiên, kết quả thực hiện cho thấy, năm 2021, sản lượng điện thương phẩm chỉ đạt 733 triệu kWh; năm 2022 đạt 759 triệu kWh; dự kiến 6 tháng năm 2023 đạt 387,2 triệu kWh.

Chỉ tiêu này đạt thấp so với kế hoạch đến năm 2025. Nguyên nhân cũng do Nhà máy Điện phân nhôm chưa đi vào vận hành. Việc tiêu thụ điện của các nhà máy là rất lớn.

Dự kiến, Nhà máy Điện phân nhôm sẽ đi vào vận hành từ năm 2024, chỉ tiêu về điện thương phẩm cũng sẽ đạt theo kế hoạch đến năm 2025.

Trong giai đoạn này, một số sản phẩm công nghiệp chủ yếu khác tăng như: khí CO2 đạt 62%; cồn công nghiệp 54%; cao su 52%; alumin 50%... Tuy nhiên, kết quả này vẫn không thể bù đắp được phần thiếu hụt so với kế hoạch đề ra".

Ông Nguyễn Bá Út, Giám đốc Sở Công thương Đắk Nông

Gỡ “nút thắt” cho dự án trọng điểm

Giám đốc Sở Công thương Nguyến Bá Út cho rằng, nguyên nhân chỉ số IIP của tỉnh không đạt so với kế hoạch một phần là do sự kỳ vọng quá lớn, cùng với khả năng dự báo có phần chủ quan đối với các dự án trọng điểm.

img_0772(1).jpg
Tổ 1644 đang tập trung tháo gỡ khó khăn cho Dự án Nhà máy Alumin Nhân Cơ

Tuy nhiên, trước những khó khăn bủa vây như dịch bệnh, chiến tranh… sản xuất công nghiệp của Đắk Nông vẫn tăng trưởng khá, với 10,93%/năm trong GRDP. Điều này cho thấy, chính quyền và cộng đồng doanh nghiệp đã có những nỗ lực rất lớn trong thời gian qua.

Vấn đề đáng chú ý nhất hiện nay là sớm tháo gỡ khó cho các dự án trọng điểm. Theo đó, Đắk Nông hiện đang đề xuất với Trung ương sớm phê duyệt Quy hoạch thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng các loại khoáng sản thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Đây là cơ sở để địa phương triển khai đầu tư, khai thác, chế biến khoáng sản bô xít - alumin- điện phân nhôm và các sản phẩm sau nhôm.

Tỉnh mong muốn sớm có chủ trương cường hóa, nâng công suất của Nhà máy Alumin Nhân Cơ lên thành 800.000 tấn/năm; đầu tư dây chuyền thứ hai với công suất 1,2 triệu tấn/năm. Từ đó, nâng công suất của Tổ hợp Nhà máy lên thành 2 triệu tấn alumin/năm.

dien-gio-nam-binh-1(1).jpg
Đắk Nông đề xuất Chính phủ sớm phê duyệt Quy hoạch điện VIII, cập nhật danh mục các dự án năng lượng gió

Đắk Nông đề xuất Chính phủ sớm phê duyệt Quy hoạch điện VIII. Trong đó, tỉnh mong muốn được ưu tiên cập nhật danh mục các dự án điện năng lượng tái tạo, thuỷ điện đã được đề xuất.

Từ đó, tỉnh có cơ sở trển khai đầu tư cấp điện phục vụ các tổ hợp dự án khai thác bô xít – sản xuất alumin – luyện nhôm theo tinh thần, định hướng Kết luận số 31-KL/TW, ngày 7/3/2022 của Bộ Chính trị và Quyết định số 09/QĐ-TTg, ngày 11/02/2023 của Thủ tướng Chính phủ.

Đặc biệt, tỉnh kiến nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét, sớm có ý kiến chỉ đạo tháo gỡ khó khăn, vướng mắc đối với chính sách khuyến khích đầu tư Dự án Điện phân nhôm Đắk Nông. Qua đó giúp chủ đầu tư an tâm tiếp tục thực hiện dự án.

h5-lam-lai.jpg
Khai thác dư địa mới

Tình hình thế giới, khu vực dự báo tiếp tục gặp nhiều khó khăn, thách thức. Tác động của các diễn biến từ năm 2021 đến nay có khả năng sẽ kéo dài, nhất là về cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn.

Trong bối cảnh đó, ngành Công nghiệp của Đắk Nông tiếp tục nhận định lại thế mạnh và tìm kiếm dư địa tăng trưởng mới, nhằm gia tăng cơ hội bù đắp cho những thiếu hụt hiện hữu.

hd(1).jpg
Công ty TNHH Hồng Đức (Đắk R’lấp) đang tập trung khai thác dư địa mới từ thị trường truyền thống

Bà Nguyễn Thị Minh Nguyệt, Giám đốc Công ty TNHH Hồng Đức (Đắk R’lấp) nhận định, tình hình thị trường hiện rất khó lường. Kinh tế của Mỹ và châu Âu hiện đang rơi vào suy thoái. Thị trường nơi đây gần như đóng băng.

Để ổn định sản xuất, doanh nghiệp đang tập trung cho việc khai thác sâu những dư địa mới từ những thị trường trước đó".

Bà Nguyễn Thị Minh Nguyệt, Giám đốc Công ty TNHH Hồng Đức

Bà Nguyệt cho rằng, với sức tăng trưởng từ 20-30% trong 5 tháng đầu năm 2023 cho thấy, Công ty đang đi đúng hướng. Mặc dù, lợi nhuận mang về của Công ty gần như bằng không, nhưng vẫn phải duy trì sản xuất, vừa để giữ chân khách hàng, vừa tạo việc làm cho người lao động.

Giám đốc Sở Công thương Nguyễn Bá Út cho biết, ngoài nỗ lực của doanh nghiệp, Đắk Nông tiếp tục huy động nguồn vốn từ các thành phần kinh tế trong, ngoài nước đầu tư vào các lĩnh vực Công nghiệp có lợi thế.

Trong đó, tỉnh chú trọng đầu tư vào chế biến nông, lâm sản; khai thác và chế biến khoáng sản; công nghiệp hỗ trợ phát triển bô xít, các sản phẩm sau nhôm…

“Ngoài những dự án trọng điểm, Đắk Nông đang nghiên cứu, khai thác thêm những dư địa từ thủy điện, nhất là tận dụng những diện tích mặt nước từ các hồ thủy lợi để phát triển công trình thủy điện nhỏ”, ông Út nhấn mạnh.

Lê Dung