Đắk Nông tăng tính công khai, minh bạch thông tin
Những năm gần đây, nhằm tăng cường công tác công khai, minh bạch thông tin, Đắk Nông đặc biệt quan tâm tới chất lượng hoạt động của Cổng, trang thông tin điện tử (TTĐT) của các ngành, địa phương.
Rút ngắn khoảng cách số
Toàn tỉnh hiện có 1 báo điện tử, 1 Cổng TTĐT cấp tỉnh. Đối với hệ thống cơ quan hành chính Nhà nước đang có 27/27 sở, ban, ngành cấp tỉnh, UBND các huyện, thành phố có trang TTĐT; 100% có trang zalo OA phục vụ thông tin, tuyên truyền; 25/71 xã, phường, thị trấn có trang TTĐT.
Hoạt động của trang TTĐT, mạng xã hội (MXH) đã góp phần hỗ trợ tích cực trong việc cung cấp thông tin chỉ đạo điều hành, phổ biến các văn bản quy phạm pháp luật. Đây được xem là kênh thông tin trên môi trường mạng được cung cấp kịp thời, dễ tiếp cận. Các trang TTĐT bước đầu tích hợp triển khai dịch vụ công trực tuyến, góp phần cải cách hành chính.
Kết quả đáng mừng đó là, chỉ số năng lực cạnh tranh tỉnh Đắk Nông năm 2022 tăng 14 bậc so với năm 2021, xếp hạng 38/63 toàn quốc. Riêng chỉ số thành phần Tính minh bạch có sự tăng vượt bậc với 43 bậc, xếp thứ 17/63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.
Ngoài ra, chỉ số Cải cách hành chính PAR INDEX năm 2022, Đắk Nông cũng tăng 4 bậc so với năm 2021, xếp hạng 37/63 tỉnh, thành phố. Trong đó, chỉ số thành phần về Xây dựng & Phát triển chính quyền số, chính quyền điện tử có sự tăng vượt bậc, xếp thứ 9/63 trong cả nước, tăng 31 bậc so với năm 2021.
Đây là chỉ số đánh giá về việc ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số phục vụ hoạt động quản lý, chỉ đạo điều hành của cơ quan Nhà nước tại địa phương.
Tăng tính bảo mật
Đứng trước những thay đổi chóng mặt của công nghệ, của bùng nổ thông tin, các trang TTĐT, Fanpage của các sở, ngành, địa phương cũng chịu nhiều thách thức, nhất là về tính bảo mật.
Đại diện Trung tâm Văn hóa- Thể thao & Truyền thông huyện Đắk Mil cho rằng, ngoài trang TTĐT của địa phương, hiện tại, đơn vị đã thiết lập trang Fanpage của mình. Tuy nhiên, mấy ngày gần đây, Fanpage của Trung tâm và các cá nhân có biểu hiện bất bình thường. Đơn vị mong muốn, để Fanpage của đơn vị là kênh truyền thông chính thống, công tác bảo mật phải được quan tâm nhiều hơn nữa.
Quản trị viên của Sở Y tế cũng bày tỏ, hiện nay, MXH là tự nguyện nên khi chính sách của nhà phát triển thay đổi sẽ ảnh hưởng đến toàn bộ cơ sở dữ liệu, kết quả ngành đã xây dựng. Vì vậy, về lâu dài, hoạt động của Fanpage cần sớm có định hướng cụ thể.
Ông Hoàng Mạnh Thắng, Phó Giám đốc Sở TT&TT cho rằng, thực tế hiện nay, các trang TTĐT, đối tượng truy cập rất hạn chế. Vậy để lan tỏa thông tin, chỉ có một cách hiệu quả nhất đó là thông qua MXH. Tuy nhiên, kỹ năng để lập, bảo mật của các trang chưa có nhiều. Nguy hiểm ở chỗ, nếu Fanpage đó mất quyền điều khiển do MXH thì không ai có thể can thiệp được.
Trao đổi về vấn đề này, ông Phạm Tâm Long, Báo cáo viên Cổng TTĐT Văn phòng Chính phủ cho hay, để khắc phục vấn đề định danh của Fanpage, các đơn vị cần xin tích xanh (dấu xác nhận chính chủ) của facebook. Việc thực hiện bằng cách gửi các giấy tờ liên quan theo đường mạng qua cơ chế quản trị của nhà phát triển.
Các đơn vị có thể đề xuất thông qua Cổng TTĐT Chính phủ hoặc Cục Phát thanh- Truyền hình và TTĐT của Bộ TT&TT để làm việc với facebook cấp tích xanh khi có nhu cầu.
Mặt khác, các đơn vị cũng sớm đưa trang Fanpage lên website chính thức của sở, ngành, địa phương. Bằng việc để đường link lên website của sở, nó sẽ xem như Fanpage chính danh của đơn vị mình.
Cũng theo ông Thắng cho biết, hiện nay, Sở TT&TT đang dự thảo Quy chế thiết lập tài khoản quản lý văn hóa thông tin trên MXH của các đơn vị Nhà nước. Đơn vị sẽ sớm xin ý kiến từ các địa phương, sở, ngành để có những đóng góp xây dựng chặt chẽ hơn.