Italy giữ tàu cứu hộ di cư do tổ chức phi chính phủ của Đức điều hành
Dòng chảy thông tin - Ngày đăng : 18:25, 05/06/2023
Cảnh sát Biển Italy thông báo đang giữ 2 tàu cứu hộ do Tổ chức Phi Chính phủ Sea-Eye của Đức điều hành do vi phạm các quy định mới của nước này đối với việc đưa những người di cư được cứu từ Địa Trung Hải lên bờ.
Tổ chức Phi Chính phủ Sea-Eye báo cáo rằng tàu cứu hộ Sea-Eye 4 bị giam giữ 20 ngày do không làm theo yêu cầu đến cảng Ortona sau khi đã cứu được 17 người trong khu vực tìm kiếm và cứu nạn (SAR) của Libya ngày 30/5, mà chuyển hướng tìm kiếm 1 thuyền gặp nạn trong khu vực SAR của Malta.
Còn tàu Mare*Go đã giải cứu được 36 người di cư ở trung tâm Địa Trung Hải và được chính quyền Italy yêu cầu đến cảng Trapani của Sicilia.
Họ đã thông báo cho các nhà chức trách rằng tàu Mare*Go thiếu các nguồn lực cần thiết để chăm sóc những người được giải cứu trong hành trình kéo dài 32 giờ tới Trapani.
Họ đã quyết định bỏ qua các mệnh lệnh và thay vào đó đến Lampedusa, tiết kiệm được 36 giờ đi biển và cũng nhận được thông báo rằng Mare*Go bị giam 20 ngày và phải nộp 3.500 USD tiền phạt.
Mare*Go và Sea-Eye 4 là những tàu cứu hộ mới nhất bị phạt theo luật mới. Vào tháng 3, tàu cứu hộ MV Louise Michel, đã bị giam giữ ở Lampedusa vì không tuân theo lệnh của lực lượng bảo vệ bờ biển Italy để đến Sicily, khi quyết định ở lại biển để tìm kiếm thêm những người di cư gặp nạn.
Trong bối cảnh dòng người di cư trái phép đến Địa Trung Hải tăng mạnh, ngày 11/4, Nội các Italy ban bố tình trạng khẩn cấp về vấn đề nhập cư nhằm quản lý tốt hơn lượng người di cư đến nước này và các cơ sở hồi hương.
Theo Bộ Bảo vệ dân sự và Chính sách hàng hải Italy, nguồn tài chính ban đầu dành cho tình trạng khẩn cấp kéo dài 6 tháng này trị giá 5 triệu euro (5,45 triệu USD).
Một nguồn tin chính phủ cho biết biện pháp trên sẽ giúp chính phủ của Thủ tướng Giorgia Meloni cho hồi hương nhanh chóng hơn những người không được phép ở lại Italy, đồng thời đẩy nhanh việc nhận diện và lệnh trục xuất.
Kể từ khi lên nắm quyền từ tháng 10/2022, Chính phủ của Thủ tướng Meloni đã cam kết hạn chế nhập cư ồ ạt. Tuy nhiên, theo số liệu của Bộ Nội vụ Italy, từ đầu năm đến nay đã có khoảng 31.300 người di cư đến nước này, tăng so với khoảng 7.900 người trong cùng kỳ năm 2022.
Trong những ngày gần đây, hàng nghìn người di cư đã tới các cảng biển ở Italy, đặc biệt là đảo Lampedusa, sau khi lênh đênh trên những tàu, thuyền cũ nát để vượt qua hành trình đầy nguy hiểm từ Bắc Phi.
Sau vụ đắm tàu chết người ngoài khơi vùng Calabria, miền Nam Italy hồi cuối tháng 2, Thủ tướng Meloni đã hối thúc Liên minh châu Âu (EU) hành động nhiều hơn nữa để ngăn chặn tình trạng nhập cư trái phép, trong khi phía Italy tăng cường phạt tù với những kẻ buôn người./.