ĐBQH Đắk Nông thảo luận tại tổ về các dự án luật
Tiếp tục Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa 15, ngày 5/6, sau khi nghe các bộ, ngành trình bày các dự án luật, đại biểu tiến hành thảo luận tại tổ về 3 dự án luật quan trọng.
Kỳ họp nghe Thống đốc Ngân hàng nhà nước Việt Nam Nguyễn Thị Hồng trình bày Tờ trình về dự án Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi); Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh trình bày Báo cáo thẩm tra dự án Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi); Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị trình bày Tờ trình về dự án Luật Nhà ở (sửa đổi). Các đại biểu thảo luận ở tổ về các dự án luật gồm: Luật Nhà ở (sửa đổi); Luật Tài nguyên nước (sửa đổi) và Dự án Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi).
ĐBQH Dương Khắc Mai: Quy định thời hạn sở hữu nhà ở bằng thời hạn sử dụng đất
Tham gia thảo luận về Luật Nhà ở sửa đổi, đại biểu Dương Khắc Mai, Phó Trưởng Đoàn chuyên trách, Đoàn ĐBQH Đắk Nông đề nghị: Tại khoản 2, Điều 11 quy định: Trường hợp mua bán nhà ở có thời hạn sở hữu theo thỏa thuận thì bên mua nhà ở được cấp Giấy chứng nhận trong thời hạn sở hữu nhà ở; khi hết hạn sở hữu nhà ở theo thỏa thuận thì quyền sở hữu nhà ở được chuyển lại cho chủ sở hữu lần đầu.
Đề nghị Ban soạn thảo quy định thời hạn sở hữu nhà ở bằng thời hạn sử dụng đất (đất ở hộ gia đình cá nhân: lâu dài, đất dự án thời hạn theo dự án) hoặc thời hạn theo tuổi thọ của công trình được quy định tại Thông tư 12/2012/TT-BXD ngày 28/12/2012 của Bộ Xây dựng về Ban hành Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia Nguyên tắc phân loại, phân cấp công trình dân dụng, công nghiệp và hạ tầng kỹ thuật đô thị (Bậc 1: niên hạn sử dụng trên 100 năm, Bậc 2: niên hạn sử dụng từ 50 năm đến 100 năm...) để có sự đồng nhất giữa thời hạn sử dụng đất và thời hạn sở hữu nhà ở, người mua nhà an tâm mua và sử dụng theo quy định của luật.
Đồng thời, quy định chấm dứt quyền sở hữu chung cư khi chung cư đã hết hạn sử dụng là chưa phù hợp; vì không đồng nhất hạn sử dụng của các chung cư (tức tuổi thọ của nhà chung cư) với quyền sở hữu. Trong một số trường hợp, thời hạn sử dụng của nhà chung cư hết nhưng chưa tương ứng với số tiền người dân bỏ ra, như vậy là chưa đáp ứng được lợi ích của người dân mua chung cư. Vì vậy, cần nghiên cứu quyền sở hữu chung cư gắn liền với dự án.
Mặt khác, đối với Luật Đất đai chỉ cấp quyền sử dụng đất chứ không cấp quyền sở hữu cho cá nhân, hộ gia đình, tổ chức và có quy định hạn chế đối với người nước ngoài. Tuy nhiên, Điều 11 dự thảo Luật Nhà ở có quy định công nhận quyền sở hữu nhà ở đối với cá nhân, tổ chức nước ngoài. Đề nghị Ban soạn thảo tiến hành rà soát, đánh giá kỹ càng hơn vấn đề này và phải có quy định cụ thể, chi tiết để thực hiện trên thực tế.
Tại ý thứ 2, khoản 2, Điều 33 dự thảo Luật quy định: (…Tại khu vực nông thôn, việc xây dựng nhà ở phải phù hợp với phong tục, tập quán, kiến trúc nhà ở nông thôn theo từng vùng, miền; phải bao gồm các công trình phụ trợ phục vụ nhu cầu sinh hoạt, sản xuất của hộ gia đình, cá nhân”.
Vấn đề này, một khi đã quy định trong văn bản luật bắt buộc các chủ thể khi tham gia xây dựng phải tuân thủ. Tuy nhiên, một số nội dung như phong tục, kiến trúc có nhất thiết nhà ở nông thôn phải tuân theo hoặc nhà ở hiện đại có nhất thiết người ở khu vực đô thị phải tuân theo hay không? Quy định này quá cứng nhắc, khó vận dụng trên thực tiễn, do đó, đề nghị Ban soạn thảo quy định theo hướng ưu tiên để người dân có thể linh hoạt trong lựa chọn cách thức phù hợp với điều kiện kinh tế và nhu cầu bản thân. Riêng đối với những dự án tái định cư, dự án liên quan đến ngân sách Nhà nước đầu tư thì khi thẩm định, xây dựng phải phù hợp với phong tục tập quán.
Tại Điều 192 quy định về thanh tra nhà ở, đại biểu Dương Khắc Mai cho rằng còn bó hẹp cơ quan tiến hành thanh tra về nhà ở; cần bổ sung thêm một khoản 4 quy định như sau: “Tùy theo tính chất phức tạp của từng dự án về nhà ở để giao nhiệm vụ chủ trì cho cơ quan thanh tra chuyên ngành hoặc thanh tra liên ngành hoặc cơ quan thanh tra nhà nước thực hiện”.
Trần Thị Thu Hằng: Bổ sung nội dung “Lấp sông, suối, hồ, kênh rạch” vào hành vi bị nghiêm cấm
Thảo luận về dự án Luật Tài nguyên nước (sửa đổi), ĐBQH Đắk Nông Trần Thị Thu Hằng cho rằng tại khoản 3, Điều 10 (các hành vi bị nghiêm cấm), đề nghị xem xét, bổ sung để làm rõ nội dung các hành vi bị nghiêm cấm theo hướng “xả nước thải chưa qua xử lý hoặc xử lý chưa đạt tiêu chuẩn, quy chuẩn vào lòng đất thông qua các giếng khoan, giếng đào và các hình thức khác nhằm đưa nước thải vào trong lòng đất” để có cơ sở triển khai thực hiện; tại khoản 4, Điều 10, đề nghị bổ sung nội dung “Lấp sông, suối, hồ, kênh rạch”.
Còn tại khoản 2, Điều 24 dự thảo luật, đề nghị Ban soạn thảo xem xét không đưa hồ thủy lợi vào mục a, khoản 2, Điều 24 về lập hành lang bảo vệ nguồn nước vì công trình thủy lợi đang thực hiện theo quy định tại Luật Thủy lợi và các Nghị định, Thông tư có liên quan (tránh chồng lấn các quy định có liên quan).
Điều 25 dự án luật quy định về Dòng chảy tối thiểu: Nội dung quy định này là quy định mới so với Luật Tài Nguyên nước năm 2012. Trong đó, tại Điều 25 có quy định Dòng chảy tối thiểu là một trong những căn cứ để xem xét trong quá trình thẩm định, quyết định phê duyệt các nhiệm vụ như: Quy hoạch về tài nguyên nước, quy hoạch tỉnh, quy hoạch có tính chất kỹ thuật chuyên ngành; Quy trình vận hành hồ chứa…Cấp giấy phép… Như vậy, việc xác định Dòng chảy tối thiểu phải được thực hiện trước khi thực hiện các quy định nêu trên. Tuy nhiên, trong toàn bộ nội dung dự thảo không quy định về cách thức, tiêu chuẩn … để xác định dòng chảy tối thiểu; không quy định về thời gian nào thực hiện, thực hiện trong bao lâu và thời điểm nào để công bố (dự thảo chỉ quy định việc rà soát, điều chỉnh dòng chảy tối thiểu trên sông, suối được thực hiện định kỳ 05 năm một lần).
Bên cạnh đó, dự thảo cũng quy định tổ chức, cá nhân là chủ hồ chứa, đập dâng phải thực hiện việc xác định dòng chảy tối thiểu đề trình cấp có thẩm quyền phê duyệt, công bố dòng chảy. Vậy, cơ sở pháp lý để thực hiện việc xác định dòng chảy tối thiểu.
Ngoài ra, tại Điều 39 quy định về quy trình vận hành hồ chứa, liên hồ chứa: Đề nghị cơ quan soạn thảo không đưa Khoản 4, Khoản 6 vào dự thảo Luật vì nội dung này đã được quy định tại Điều 24, Điều 25, Điều 26, Điều 27, Điều 28 Luật Thủy lợi ngày 01/7/2018 và Điều 11 Nghị định số 114/2018/NĐ-CP ngày 04/9/2018 của Chính phủ.
Mục c, Khoản 3, Điều 53 quy định về dự án xây dựng hồ chứa, đập dâng trên sông, suối phải đáp ứng các yêu cầu sau đây: Có ý kiến của cộng đồng dân cư và tổ chức, cá nhân liên quan theo quy định tại Khoản 7 Điều 44 của Luật này. Tuy nhiên, việc đầu tư xây dựng các dự án thủy lợi hiện nay đang thực hiện theo quy định tại Luật Thủy lợi và các Nghị định, Thông tư có liên quan. Do đó, không cần thiết lấy ý kiến đại diện cộng đồng dân cư, tổ chức, cá nhân liên quan theo quy định nêu trên. Đề nghị cơ quan soạn thảo nghiên cứu chỉnh sửa cho phù hợp.
Phạm Nam Tiến: Ngừng giao dịch vào thời gian đã công bố có vi phạm quy định của pháp luật không?
Thảo luận về dự án Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi), ĐBQH Đắk Nông Phạm Nam Tiến đề nghị: tại khoản 5, Điều 10 của dự thảo quy định: “5. Công bố thời gian giao dịch chính thức và không được tự ý ngừng giao dịch vào thời gian đã công bố. Trường hợp ngừng giao dịch trong thời gian giao dịch chính thức, tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài phải niêm yết tại nơi giao dịch chậm nhất là 24 giờ trước thời điểm ngừng giao dịch. Trường hợp ngừng các giao dịch bằng phương tiện điện tử thì tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài phải công khai về sự cố và thông báo về phương án hoặc kết quả khắc phục trong thời gian 06 giờ sau khi phát sinh lỗi ngừng giao dịch.
Trường hợp ngừng giao dịch từ 05 ngày làm việc trở lên, tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài thực hiện theo quy định tại điểm e khoản 1 Điều 29 của Luật này”. Đối với nội dung này, đề nghị Ban soạn thảo cần nghiên cứu bổ sung quy định trong trường hợp sự kiện bất khả kháng như thiên tai, dịch bệnh nhưng không thể lường trước được thì việc tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài tự ý ngừng giao dịch vào thời gian đã công bố có vi phạm quy định của pháp luật không?