Thủ tướng Anh thúc đẩy quan hệ thân thiết với Tổng thống Mỹ
Dòng chảy thông tin - Ngày đăng : 07:56, 04/06/2023
Thủ tướng Anh Rishi Sunak và Tổng thống Mỹ Joe Biden. (Nguồn: Reuters)
Ngày 3/6, Thủ tướng Anh Rishi Sunak tuyên bố ông muốn thúc đẩy "mối quan hệ thân thiết và thẳng thắn" với Tổng thống Mỹ Joe Biden trong chuyến thăm Washington vào tuần tới, sau một số dấu hiệu căng thẳng trong quan hệ song phương.
Dự kiến, ông Sunak sẽ có chuyến thăm Mỹ kéo dài 2 ngày từ 7-8/6 để thảo luận với Tổng thống Biden, các chính trị gia trong Quốc hội Mỹ và giới doanh nghiệp nước sở tại.
Trong một tuyên bố trước chuyến thăm chính thức đầu tiên tới Washington trên cương vị Thủ tướng Anh, ông Sunak khẳng định: "Mỹ là đồng minh thân cận nhất của chúng tôi. Chúng tôi là đối tác ưu tiên hàng đầu của nhau trong mọi vấn đề, từ đảm bảo an ninh cho người dân đến phát triển kinh tế."
Thủ tướng Sunak cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tạo dựng mối quan hệ chặt chẽ và thẳng thắn với Tổng thống Joe Biden trong mọi vấn đề toàn cầu.
Hai nhà lãnh đạo Anh và Mỹ dự kiến sẽ thảo luận về việc cải thiện quan hệ kinh tế và duy trì hỗ trợ quân sự cho Ukraine trong cuộc xung đột với Nga.
Trong một thông báo ngày 30/5 về chuyến thăm Mỹ của ông Sunak trong hai ngày 7-8/6, Phố Downing cho biết Thủ tướng Anh không cố gắng đạt được một thỏa thuận thương mại, đồng thời chỉ ra rằng quan hệ thương mại song phương phát triển mạnh mẽ.
Một phát ngôn viên của Văn phòng Thủ tướng cho biết Anh không tìm cách theo đuổi một thỏa thuận thương mại tự do (FTA) với Mỹ, nhấn mạnh thương mại hai chiều hiện đạt 279 tỷ bảng (hơn 340 tỷ USD) mà không cần có FTA.
Tuy nhiên, người phát ngôn cho biết chính phủ sẽ tìm kiếm quan hệ đối tác chặt chẽ hơn với một số tiểu bang, trong đó có Utah, Texas, California và Carolina. Hiện Anh đã đạt thỏa thuận với các bang North Carolina, South Carolina và Indiana.
Thỏa thuận với các tiểu bang thường là những "biên bản ghi nhớ" nhằm giảm các rào cản thương mại và thủ tục giấy tờ đồng thời cam kết hợp tác trong các lĩnh vực như hạ tầng năng lượng và công nghệ sạch.
Tuy nhiên, các tiểu bang của Mỹ không có quyền thực hiện các thỏa thuận thương mại đầy đủ với các quốc gia có chủ quyền khác. Vì vậy, thỏa thuận với các tiểu bang riêng lẻ có thể mang lại ít lợi ích hơn cho các doanh nghiệp Anh so với một thỏa thuận thương mại đầy đủ được Quốc hội Mỹ phê chuẩn, với việc loại bỏ các hàng rào thuế quan.
Các cuộc đàm phán giữa Anh và Mỹ để đạt một thỏa thuận thương mại hậu Brexit (Anh rời Liên minh châu Âu-EU) đã đình trệ do đại dịch COVID-19 và các vấn đề như liệu có cho phép một số sản phẩm nông nghiệp của Mỹ vào thị trường Anh hay không.
Một số thành viên Quốc hội Mỹ đã hy vọng các cuộc đàm phán có thể được nối lại sau khi Anh và EU đầu năm nay đạt được thỏa thuận mới về các quy định thương mại liên quan tới Bắc Ireland.
Tháng 3 năm ngoái, Washington đã đồng ý giảm thuế đối với thép và nhôm của Anh khi hai nước cố gắng giải quyết tranh chấp thương mại dưới thời Tổng thống Donald Trump.
Phố Downing cho biết chuyến thăm của ông Sunak là cơ hội để hai nước tăng cường hợp tác và phối hợp trong các vấn đề như đảm bảo chuỗi cung ứng và chuyển đổi sang mục tiêu không carbon. Ngoài gặp song phương Tổng thống Biden, Thủ tướng Sunak dự kiến sẽ gặp các thành viên Quốc hội và các nhà lãnh đạo doanh nghiệp.
Thư ký báo chí Nhà Trắng Karine Jean-Pierre cho biết hai nhà lãnh đạo sẽ thảo luận về "những nỗ lực tiếp tục củng cố mối quan hệ kinh tế song phương" và "xem xét những diễn biến ở Bắc Ireland."
Trong năm nay, ông Sunak và Biden đã có các cuộc gặp ở San Diego, Mỹ, vào tháng 3; ở Belfast, Bắc Ireland vào tháng 4; và tại Hội nghị thượng đỉnh G7 ở Nhật Bản vào tháng 5./.