Chuyển đổi số sẽ không thành công nếu không có thủ lĩnh dẫn dắt
Chủ tịch FPT Trương Gia Bình nhấn mạnh, nếu không có thủ lĩnh dẫn dắt, chuyển đổi số sẽ trở thành con thuyền xoay tròn giữa đại dương công nghệ mà không thể cập bến.
Theo kết quả khảo sát từ Hiệp hội Phần mềm và Dịch vụ Công nghệ thông tin Việt Nam (VINASA) cho thấy, có 92% số doanh nghiệp được hỏi cho biết có nhu cầu chuyển đổi số, song chưa biết bắt đầu từ đâu, thực thi như thế nào. Thế nhưng, nhiều ý kiến cho rằng, chuyển đổi số ở các địa phương, doanh nghiệp đó là vai trò của người đứng đầu. Ở đâu có người lãnh đạo máu lửa thì chuyển đổi số sẽ thành công.
Chuyển đổi số ở địa phương phải bắt đầu từ lãnh đạo tỉnh
Tại cuộc họp của Chính phủ ngày 4/5/2023, Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng đã đề nghị các Bộ trưởng khi có phiên họp thường kỳ tháng thì cử những người thường trực phụ trách chuyển đổi số và cơ quan chuyên trách CNTT tham gia, cũng như trực tiếp chỉ đạo mạnh mẽ chuyển đổi số. Vì nếu người đứng đầu không trực tiếp thì chuyển đổi số sẽ không thành công.
Trước đó, trong bài nói về sự khác nhau giữa công nghệ thông tin và chuyển đổi số, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho rằng, sự khác biệt nhau đó là chuyển trọng tâm từ giám đốc công nghệ thông tin sang người đứng đầu. Công nghệ thông tin thì công nghệ là nhiều, là tự động hóa cái cũ, không phải thay đổi nhiều về cách làm, cách vận hành tổ chức, nên vai trò quyết định là giám đốc công nghệ thông tin. Chuyển đổi số thì chuyển đổi cách làm, thay đổi cách vận hành tổ chức là chính nên người đứng đầu đóng vai trò quyết định. Phá hủy cái cũ, đưa vào cách làm mới thì chỉ một người làm được, đó là người đứng đầu. Người đứng đầu mà không muốn thay đổi cách làm thì sẽ không có chuyển đổi số. Người đứng đầu muốn thay đổi cách làm mà ủy quyền cho cấp phó làm chuyển đổi số thì cũng không có chuyển đổi số.
Tại buổi làm việc với UBND tỉnh Ninh Bình, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cũng đã đề cập đến vấn đề này, rằng thời ứng dụng CNTT và chuyển đổi số có rất nhiều điểm khác biệt căn bản. Do đó, khi tiếp cận với chuyển đổi số thì cần tư duy khác đi. Đừng tư duy theo hướng CNTT mà đó là phải giải bài toán của mình bằng công nghệ số. Vai trò của người đứng đầu địa phương trong thời chuyển đổi số cũng cần được các địa phương nhận thức lại. Chuyển đổi số là sự thay đổi, ở đây là thay đổi cơ chế hoạt động. Đã là việc mới, không nằm trong quy định thì việc phải đẩy lên cấp trên. Câu chuyện chuyển đổi số của tỉnh là việc của những người đứng đầu.
Chuyển đổi số phải bắt đầu từ lãnh đạo tỉnh. Các lãnh đạo sở, ngành phải tuân thủ theo các quy định cũ. Người có thể thay đổi cơ chế, hệ thống chỉ có thể là người đứng đầu địa phương. “Công cuộc chuyển đổi số của tỉnh tập trung vào 2 người là Bí thư, Chủ tịch tỉnh. Thành hay bại là ở hai người này. Đó là việc phải chỉ ra và tháo gỡ thể chế. Phải thay đổi thể chế như thế nào để chuyển đổi số diễn ra nhanh hơn. Đây là điểm khác biệt, là kinh nghiệm rất lớn của chuyển đổi số”, Bộ trưởng Bộ TT&TT nhấn mạnh.
Mỗi địa phương, doanh nghiệp cần tìm một nhà lãnh đạo chuyển đổi số
Tại Diễn đàn cấp cao chuyển đổi số Việt Nam - châu Á diễn ra năm ngoái, ông Trương Gia Bình, Chủ tịch FPT chia sẻ muốn chuyển đổi số thành công cần hội đủ 2 điều kiện, đó là cam kết của lãnh đạo và ngân sách.
Ông Bình chia sẻ câu chuyện thành công của Quận 7, TPHCM, trong giai đoạn cao điểm của dịch Covid-19, với sự quyết tâm của lãnh đạo, chỉ trong thời gian ngắn, Trung tâm chỉ huy phòng chống dịch Covid-19 và phục hồi kinh tế đã được Quận và FPT đưa vào sử dụng, giúp Quận thu ngân sách tháng 10/2021 bằng cả quý III/2021.
Từ ví dụ của Quận 7, ông Trương Gia Bình nhấn mạnh, chuyển đổi số quốc gia chỉ thành công khi từng địa phương, từng doanh nghiệp thành công. Mỗi tỉnh, thành và doanh nghiệp cần tìm một nhà lãnh đạo chuyển đổi số có khát vọng thay đổi, truyền cảm hứng, đồng thời thúc đẩy hợp lực để toàn bộ tổ chức, cá nhân cùng song hành, cùng sáng tạo, cùng hành động.
Ông Trương Gia Bình nghiệm ra rằng, chuyển đổi số phải bắt đầu trái tim, đến cái đầu rồi mới tới cái tay. Tức là bắt đầu từ tình cảm rồi mới đến nhận thức và hành động đó là quy tắc 3H: Heart (trái tim), Head (đầu), Hand (bàn tay).
“Để chuyển đổi số, tôi nghĩ vai trò dẫn dắt và quyết tâm của lãnh đạo là yếu tố quyết định thành công. Nếu không có thủ lĩnh dẫn dắt, chuyển đổi số sẽ trở thành con thuyền xoay tròn giữa đại dương công nghệ mà không thể cập bến. Có điều kiện này, chúng ta sẽ tìm được câu trả lời cho các khó khăn, thách thức khác”, ông Trương Gia Bình nói.
Từ thành công của địa phương mình, ông Nguyễn Thanh Bình, Phó Chủ tịch tỉnh Thừa Thiên Huế cho biết, điều kiện cơ bản để Huế triển khai đô thị thông minh thành công là tập trung phục vụ người dân và doanh nghiệp, lấy người dân làm trung tâm. Thế nhưng, để đạt được kết quả đó là nhờ quyết tâm của người đứng đầu - anh Phan Ngọc Thọ, Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế lúc bấy giờ.
“Chúng tôi không phải là người làm công nghệ, nhưng chúng tôi dùng công nghệ giải quyết bài toán của địa phương. Tôi yêu cầu tất cả ban ngành phải có tinh thần như vậy. Người ta nói rằng, chuyển đổi số là chuyện của mấy ông công nghệ, nhưng chúng tôi suy nghĩ khác, đó là việc của người lãnh đạo chứ không phải chuyên gia công nghệ. Anh Phan Ngọc Thọ đóng góp nhiều vào việc xây dựng Huế trở thành đô thị thông minh. Nếu không có sự quyết tâm của lãnh đạo thì rất khó triển khai”, ông Nguyễn Thanh Bình nói.
Tại Hội thảo quốc tế “Lãnh đạo và quản lý trong thời đại chuyển đổi số” ông Lương Minh Huân, Viện trưởng Viện phát triển doanh nghiệp của VCCI cho biết, chuyển đổi số thực chất là một cách nói khác của chiến lược kinh doanh. Bởi vậy, lãnh đạo là những người phù hợp nhất để nói về chuyển đổi số.
“Các nhà lãnh đạo phải là nhà lãnh đạo số, phải biết sử dụng các công nghệ mới nhất của cuộc Cách mạng Công nghiệp 4.0 để hỗ trợ cho hoạt động trí óc của mình”, ông Lương Minh Huân nhấn mạnh.
Trong “Cẩm nang chuyển đổi số” do Bộ TT&TT phát hành nêu rõ: “Nhà lãnh đạo chuyển đổi số là người đứng đầu tổ chức, có tầm nhìn, thiết lập được sứ mệnh cho tổ chức, có niềm tin là công nghệ số, chuyển đổi số giúp giải quyết những vấn đề nhức nhối của tổ chức mình và kiên định với mục tiêu đặt ra. Nhà lãnh đạo chuyển đổi số không nhất thiết và không cần phải hiểu về công nghệ số. Điều quan trọng nhất với nhà lãnh đạo là biết đặt ra bài toán. Nhà lãnh đạo chuyển đổi số là người có khát vọng thay đổi, là người dám chấp nhận cái mới và dám cho cái mới một cơ hội”.