Kinh tế

Đắk Nông giảm đến 70% giao dịch bất động sản

Phan Tuấn 01/06/2023 19:00

Nhiều người dân đã đổ tiền tỉ để mua đất đầu tư trên địa bàn tỉnh Đắk Nông. Thế nhưng, khi cơn sốt đất đi qua, thị trường ế ẩm thì nhiều nhà đầu tư đang như ngồi lửa vì lãi suất vay vốn đang trở thành gánh nặng.

tai-dinh-cu-bo-dong-01.jpg
Trong năm 2023, cơn sốt bất động sản đã đi qua, giao dịch mua bán đất ở Đắk Nông cũng trở nên ế ẩm, người đầu tư chấp nhận chịu lỗ vẫn khó bán ra. Ảnh: Phan Tuấn

Vay mượn tiền đầu tư mua... đất

Thời gian gần đây, cuộc sống của gia đình ông Phan Minh Th., ở huyện Đắk Mil bị đảo lộn. Bởi trong giai đoạn sốt đất ông đã vay mượn bên ngoài và ngân hàng hơn 10 tỉ đồng. Hiện nay, thị trường bất động sản ế ẩm, ông Th vẫn chưa bán được đất để thu hồi vốn.

Theo ông, hiện nay, tiền lãi ngân hàng, lãi vay từ bên ngoài... đang khiến gia đình ông điêu đứng. Chưa dừng lại ở đó, sắp tới, gia đình còn có nhiều món vay sắp đến thời điểm đáo hạn ngân hàng.

Theo ông Th, cuối năm 2021, gia đình ông mua đi bán lại nhiều miếng đất kiếm lời, có miếng lời từ 2-3 tỉ đồng chỉ trong thời gian ngắn. Sau đó, gia đình ông đã huy động vốn từ trong gia đình, người thân, vay ngân hàng... để mua thêm nhiều mảnh đất khác.

"Tuy nhiên, từ cuối năm 2022 đến nay, thị trường bất động sản chững lại, không thanh khoản được. Nếu tình trạng này kéo dài thì cuộc sống của gia đình sẽ còn khó khăn hơn" - ông Th chia sẻ.

Tương tự, anh Lê Quang T, ở thành phố Gia Nghĩa cũng đầu tư một nguồn tiền lớn để mua đất đai lướt sóng. Thế nhưng, khi đất đai ế ẩm gia đình anh T như "ngồi trên đống lửa".

“Suốt 5 tháng nay, tôi không bán được miếng đất nào. Chưa kể, thời hạn đáo hạn ngân hàng đang cận kề" - anh T cho hay.

Chịu thua lỗ nặng nề để bán được đất

Theo UBND thành phố Gia Nghĩa, giai đoạn cuối năm 2021 đầu 2022, bình quân mỗi ngày, bộ phận một cửa giải quyết từ 100-150 hồ sơ liên quan đến mua bán, chuyển nhượng bất động sản.

Tuy nhiên, hiện nay, lượng giao dịch liên quan đến mua bán, chuyển nhượng bất động sản trên địa bàn giảm 70%. Bên cạnh đó, giá trị bất động sản cũng giảm trung bình từ 30-50%.

Đơn cử như trường hợp của chị chị Lê Thị H, một nhà đầu tư ở Thủ Dầu Một (Bình Dương) đã mua mảnh đất rộng 1.000 m2 với giá 1,5 tỉ đồng ở xã Đắk Ha, huyện Đắk Glong; trong đó, có 500 m2 được đăng kí đất thổ cư.

Khi mua, chị Hương tính toán sẽ giữ lại một thời gian rồi bán ra thị trường kiểm lời. Tuy nhiên, quá trình đầu tư bất động sản không đạt kỳ vọng, khiến chị phải bán sớm. Sau 6 tháng điều chỉnh giá, chị chấp nhận bị ép xuống với giá 900 triệu đồng, lỗ 600 triệu đồng so với lúc mua.

Phan Tuấn