Đoàn đại biểu Quốc hội - HĐND

ĐBQH Đắk Nông Nguyễn Trường Giang: Không nên chuyển vốn của các dự án trọng điểm vào nguồn dự phòng

Đức Diệu 01/06/2023 19:05

Chiều 1/6, Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV tiếp tục thảo luận tại hội trường về các báo cáo liên quan đến tài chính và đầu tư công…

toan-ngay-1-6(1).jpg
Toàn cảnh phiên thảo luận chiều 1/6

Tham, gia thảo luận về việc giao danh mục và mức vốn cho các nhiệm vụ, dự án thuộc Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội; giao, điều chỉnh, bổ sung kế hoạch đầu tư công trung hạn vốn ngân sách trung ương giai đoạn 2021-2025 và phân bổ kế hoạch đầu tư vốn ngân sách trung ương năm 2023 của chương trình mục tiêu quốc gia, đại biểu Nguyễn Trường Giang, Đoàn ĐBQH Đắk Nông thống nhất với đề xuất giao chính phủ tiếp tục hoàn thiện hồ sơ, thủ tục trình UBTV Quốc hội cho ý kiến đối với nhóm dự án trọng điểm chưa hoàn thiện thủ tục đầu tư.

Trước hết, đại biểu Nguyễn Trường Giang tán thành kế hoạch phân bổ vốn đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 và vốn của chương trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội theo Nghị quyết 43. Đây là các chương trình, dự án góp phần vào sự phát triển kinh tế-xã hội của đất nước, bảo đảm quốc phòng an ninh.

Về kế hoạch vốn của chương trình phục hồi và phát triển kinh tế theo nghị quyết 43, đại biểu Nguyễn Trường Giang tán thành giao Chính phủ giao kế hoạch vốn của chương trình cho 45 dự án đã đủ thủ tục đầu tư và cho phép tiếp tục hoàn thiện thủ tục đầu tư với dự án của tỉnh Ninh Thuận liên quan đến nhà máy điện hạt nhân. Không thực hiện số vốn còn lại là 509 tỷ đồng.

dai-bieu-giang(1).jpg
ĐBQH Đắk Nông Nguyễn Trường Giang: Nếu chuyển nguồn vốn của các dự án chưa hoàn thiện thủ tục đầu tư vào nguồn vốn dự phòng thì sau này rất khó xử lý khi các dự án hoàn thiện thủ tục

Về kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025, đại biểu Nguyễn Trường Giang tán thành việc Chính phủ giao kế hoạch vốn cho các chương trình, nhiệm vụ, dự án đã đủ điều kiện theo quy định của Luật Đầu tư công. Đối với nhóm dự án công trình này, theo Nghị quyết 69 của Quốc hội, nếu Chính phủ trình trước ngày 31/3/2023 thì giao cho UBTV Quốc hội quyết. Tuy nhiên, hiện nay Chính phủ trình muộn nên cần thiết phải báo cáo Quốc hội xem xét.

Đối với một số dự án trọng điểm, dự án liên quan đến nghĩa vụ thanh toán của nhà nước, dự án sử dụng vốn ODA, vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ nước ngoài đang hoàn thiện thủ tục đầu tư, đại biểu Nguyễn Trường Giang tán thành với kiến nghị của Chính phủ là giao Chính phủ tiếp tục hoàn thiện thủ tục đầu tư, báo cáo UBTV Quốc hội xem xét, cho ý kiến trước khi Thủ tướng Chính phủ giao kế hoạch vốn khi các dự án này hoàn thiện thủ tục đầu tư vì các lý do.

Thứ nhất, đối với các dự án sự dụng vốn ODA, vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ nước ngoài phụ thuộc vào tiến độ đàm phán, ký kết hợp đồng. Việc cho phép tiếp tục giao vốn cho các dự án này khi hoàn thiện thủ tục đầu tư sẽ giúp tận dụng được nguồn vốn nước ngoài theo các hiệp định chúng ta cam kết.

Thứ hai, đối với dự án BOT Đèo Cả thuộc trách nhiệm của Nhà nước phải thanh toán cho nhà đầu tư. Ở đây, do phía Nhà nước chậm các thủ tục thanh toán nên cần tiếp tục hoàn thiện thủ tục.

Thứ ba, đối với nhóm dự án Cao tốc Hòa Bình-Mộc châu, và dự án cao tốc Gia Nghĩa (Đắk Nông)-Chơn thành ( Bình Phước), đây là các dự án có ý nghĩa quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội các địa phương có liên quan. Tuyến Cao tốc Gia Nghĩa (Đắk Nông)-Chơn thành ( Bình Phước) còn giúp kết nối Đông Nam bộ với khu vực Tây Nguyên; đồng thời, đây cũng là các dự án đã được Bộ Chính trị đưa vào chủ trương tại Nghị quyết số 11 về phương hướng phát triển kinh tế-xã hội, bảo đảm quốc phòng an ninh vùng trung du và miền núi đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; Nghị quyết số 16 của Quốc hội về kế hoạch phát triển kinh tế- xã hội của nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV.

Nếu bây giờ, chúng ta chuyển nguồn này vào nguồn vốn 10% dự phòng chung thì rất khó khăn. Vì theo quy định, tại khoản 6, Điều 51, Luật Đầu tư công, Quốc hội quyết định mức vốn, việc sử dụng dự phòng chung nguồn ngân sách trung ương của kế hoạch vốn đầu tư công trung hạn quốc gia. Tại Nghị quyết số 29 của Quốc hội cũng đã quyết định dự phòng 10% vốn đầu tư công trung hạn nguồn ngân sách trung ương theo từng nguồn vốn để xử lý những vấn đề phát sinh trong quá trình triển khai; đồng thời cũng yêu cầu quản lý chặt chẽ khoản vốn dự phòng chưa phân bổ, chỉ được sử dụng khi bảo đảm cân đối nguồn vốn và bố trí đúng mục tiêu khi thực sự cần thiết, cấp bách theo Luật Đầu tư công và Luật Ngân sách.

Như vậy, nếu chúng ta chuyển nguồn của các dự án này vào nguồn vốn dự phòng chung của kế hoạch vốn đầu tư công trung hạn thì sau này, khi hoàn thiện thủ tục đầu tư sẽ rất khó khăn phân bổ nguồn vốn này cho các dự án. Trong khi đó, đây là những dự án rất cấp bách.

Vì vậy, đại biểu Nguyễn Trường Giang đồng ý với phương án giao Chính phủ tiếp tục hoàn thiện thủ tục đầu tư để trình UBTV Quốc hội xem xét, quyết định phân bổ vốn đối với nhóm dự án này.

Đức Diệu