Estonia kêu gọi đưa ra lộ trình rõ ràng để Ukraine gia nhập NATO
Dòng chảy thông tin - Ngày đăng : 14:42, 01/06/2023
(Nguồn: NATO)
Theo Reuters, ngày 1/6, Ngoại trưởng Estonia Margus Tsahkna cho rằng cần đưa ra cho Ukraine một "lộ trình thật rõ ràng" để trở thành thành viên của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO).
Tuyên bố trên được ông Tsahkna đưa ra tại cuộc họp các Ngoại trưởng NATO kéo dài 2 ngày ở Oslo (Na Uy).
Trước đó, ngày 24/5, Tổng Thư ký Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) Jens Stoltenberg cho biết các thành viên của liên minh quân sự này đang chia rẽ về những việc cần làm tại hội nghị thượng đỉnh sắp tới về việc Ukraine thúc đẩy gia nhập NATO.
Phát biểu tại một hội nghị ở Brussels (Bỉ), ông Stoltenberg nhấn mạnh: "Về vấn đề đó có những quan điểm khác khau trong liên minh và tất nhiên cách duy nhất để đưa ra quyết định trong NATO là thông qua sự đồng thuận."
Ông cho rằng "vấn đề đặt ra là chúng ta sẽ quyết định điều gì và chúng ta sẽ giải quyết vấn đề tư cách thành viên như thế nào" tại hội nghị thượng đỉnh Vilnius (Litva). Theo ông, còn quá sớm để nói về vấn đề này.
Ông Stoltenberg cũng hy vọng tại hội nghị thượng đỉnh vào tháng Bảy tới, các nhà lãnh đạo NATO ít nhất sẽ nhất trí về một chương trình kéo dài nhiều năm nhằm giúp quân đội Ukraine chuyển sang sử dụng vũ khí của phương Tây.
[NATO thừa nhận chia rẽ nội bộ về vấn đề kết nạp Ukraine]
Cũng trong ngày 1/6, Ngoại trưởng Thụy Điển Tobias Billstrom đã lên tiếng hối thúc Thổ Nhĩ Kỳ và Hungary phê chuẩn đơn xin gia nhập Tổ chức Hiệp ước Bắc ĐạiTây Dương (NATO) của nước này.
Phát biểu khi bắt đầu cuộc họp của NATO ở Na Uy, ông Billstrom nhấn mạnh rằng đã đến lúc Thổ Nhĩ Kỳ và Hungary nên phê chuẩn đơn xin gia nhập của Thụy Điển.
Ông Billstrom lưu ý: "Chúng tôi đã thực hiện tất cả các cam kết của mình."
Thụy Điển đã chính thức nộp đơn xin gia nhập NATO hồi tháng 5/2022. Đến nay, đã có 28 trên tổng số 30 quốc gia thành viên NATO chấp nhận để Thụy Điển gia nhập tổ chức này.
Hai nước thành viên chưa nhất trí việc kết nạp là Thổ Nhĩ Kỳ và Hungary, trong đó Thổ Nhĩ Kỳ đang được coi là nước gây trở ngại lớn hơn./.