Olympic Paris 2024 nói "không" với đồ nhựa dùng một lần

Dòng chảy thông tin - Ngày đăng : 09:58, 27/05/2023

Ban tổ chức Thế vận hội Olympic Paris 2024 mong muốn giảm 50% lượng khí thải carbon so với Thế vận hội Mùa hè trước đó ở Rio de Janeiro (Brazil) năm 2016 và London (Anh) năm 2012.
Cốc nhựa dùng một lần tại một nhà máy tái chế ở Bourg-Blanc, Pháp. (Ảnh: AFP/TTXVN)
Cốc nhựa dùng một lần tại một nhà máy tái chế ở Bourg-Blanc, Pháp. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Ngày 26/5, Thị trưởng thủ đô Paris của Pháp, bà Anne Hidalgo, cho biết thành phố có kế hoạch cấm đồ nhựa sử dụng một lần tại Thế vận hội Olympic Paris 2024 để góp phần giải quyết cuộc khủng hoảng ô nhiễm nhựa trên toàn cầu.

Phát biểu trong cuộc họp báo tại phiên họp của Diễn đàn Thị trưởng quốc tế về chống ô nhiễm nhựa, bà Hidalgo cho biết: “Chúng tôi đã quyết định đưa Thế vận hội Olympic Paris 2024 trở thành sự kiện lớn đầu tiên không sử dụng nhựa dùng một lần”.

Các cuộc thi chạy marathon sẽ chỉ sử dụng cốc có thể tái sử dụng, trong khi du khách đến các địa điểm thi đấu Olympic ở Paris sẽ không được phép mang theo chai nhựa.

Coca-Cola, “gã khổng lồ” nước giải khát của Mỹ và là nhà tài trợ của Thế vận hội Olympic Paris 2024, sẽ phân phối các sản phẩm của mình dưới dạng chai thủy tinh có thể tái sử dụng và lắp đặt hơn 200 máy bán nước khoáng có ga có thể tiếp tục sử dụng sau khi kết thúc sự kiện.

Trong một tuyên bố, Văn phòng Thị trưởng Paris cho biết, rác thải nhựa vẫn là một vấn đề lớn trên toàn cầu khi mỗi năm có 14.000 động vật có vú và 1,4 triệu chim biển bị chết do ăn phải rác nhựa.

Ban tổ chức Thế vận hội Olympic Paris 2024 mong muốn giảm 50% lượng khí thải carbon so với Thế vận hội Mùa hè trước đó ở Rio de Janeiro (Brazil) năm 2016 và London (Anh) năm 2012.

Thế vận hội Tokyo (Nhật Bản) năm ngoái diễn ra với quy mô thu hẹp và không có khán giả do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19.

Trong báo cáo công bố vào giữa tháng 5 này, Chương trình Môi trường Liên hợp quốc (UNEP) đã kêu gọi thực hiện một sự thay đổi có hệ thống để tăng cường triển khai các biện pháp tái sử dụng và tái chế nhựa, đồng thời thúc đẩy việc sử dụng các vật liệu thay thế.

Theo UNEP, điều này sẽ giúp giảm 80% lượng rác thải nhựa hằng năm vào năm 2040 và giảm 50% lượng nhựa sử dụng một lần.

TTXVN