Kinh tế

Krông Nô tập trung nâng cao giá trị sản xuất nông nghiệp

Kim Ngân 01/06/2023 05:32

Những năm qua, huyện Krông Nô đã triển khai đồng bộ các giải pháp tái cơ cấu trồng trọt. Nhờ đó, huyện đã gia tăng giá trị sản xuất, tăng thu nhập cho người dân.

Krông Nô hiện có khá nhiều loại cây trồng chủ lực, có giá trị kinh tế cao. Đến nay, sản xuất nông nghiệp của huyện đang chuyển mạnh theo hướng nâng cao chất lượng và tăng giá trị sản phẩm dựa trên những cây trồng chủ lực này.

img_2072-1-.jpg
Sản xuất lúa ứng dụng công nghệ cao giúp nâng cao thu nhập cho người dân xã Buôn Choáh, huyện Krông Nô

Bên cạnh đó, hệ thống tổ chức sản xuất, kinh doanh ngày càng được huyện hoàn thiện. Nông dân cũng tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị nông sản. Thị trường tiêu thụ các sản phẩm chủ lực của huyện được mở rộng cả trong và ngoài nước.

Đối với cây lúa nước, huyện có 4.714 ha, chiếm 7,58% tổng diện tích gieo trồng. Tổng sản lượng lúa của huyện đạt hơn 32.690 tấn/năm.

Hầu hết các cánh đồng lúa của huyện đều được chuyển đổi sang sử dụng các giống lúa năng suất cao, ổn định và phù hợp với điều kiện sinh thái của địa phương.

Trong đó, các giống lúa như: ST24, ST25, HT01, RVT, Đài thơm 8... giữ vai trò chủ đạo, mang lại giá trị kinh tế cao cho bà con nông dân.

Sản xuất bắp của huyện cũng mang lại những kết quả tích cực. Trong đó, sản xuất bắp F1 mang lại cho người dân lợi nhuận khoảng 90 triệu đồng/ha, cao hơn bắp lai 30 triệu đồng.

Hiện, tổng diện tích bắp toàn huyện là 16.078 ha, chiếm 25,7% diện tích gieo trồng. Tổng sản lượng bắp của huyện đạt 115.797 tấn/năm. 

Cây cà phê cũng là cây trồng chủ lực của huyện Krông Nô. Thời gian qua, huyện đã chú trọng xây dựng các vùng sản xuất cà phê công nghệ cao, cà phê đặc sản.

Nhiều người dân, HTX trên địa bàn đã đầu tư công nghệ, thiết bị chế biến sâu các sản phẩm cà phê. Nhiều sản phẩm cà phê bột, cà phê rang xay có thương hiệu của huyện bắt đầu vươn ra thị trường trong và ngoài nước.

img_2965-1-.jpg
HTX Nông nghiệp Công Bằng Thanh Thái, đơn vị đầu tàu xây dựng vùng sản xuất cà phê ứng dụng công nghệ cao ở Krông Nô

Krông Nô còn có các loại cây có giá trị kinh tế cao như: hồ tiêu, điều, cao su, cây ăn trái… Huyện khuyến khích người dân tập trung đầu tư, phát triển vùng trồng, đáp ứng nhu cầu thị trường tiêu thụ.

Đến nay, huyện đã được cấp chứng nhận đăng ký nhãn hiệu hàng hóa cho 2 sản phẩm là “Lúa gạo Krông Nô” và “Bơ núi lửa Krông Nô”.

Địa phương cũng có 10 sản phẩm đạt tiêu chuẩn OCOP, với 4 sản phẩm đạt 4 sao và 6 sản phẩm đạt 3 sao. Hhuyện được công nhận 1 vùng sản xuất lúa ứng dụng CNC xã Buôn Choáh.

Hiện nay, huyện đang hoàn thiện hồ sơ, thủ tục đề nghị công nhận 2 vùng sản xuất ứng dụng CNC là Vùng sản xuất bắp Đức Xuyên và Vùng sản xuất cà phê Nâm Nung.

Trong năm 2022, giá trị ngành Nông nghiệp huyện Krông Nô đạt 5.681 tỷ đồng, chiếm 49,13% cơ cấu kinh tế của huyện, đạt chỉ tiêu đề ra. Trong đó, giá trị canh tác đạt xấp xỉ 90 triệu đồng/ha. Tổng diện tích gieo trồng của huyện đạt 62.500,5 ha; tổng sản lượng lương thực đạt 821.980 tấn/năm. Diện tích chuyển đổi cơ cấu cây trồng của huyện đến nay đạt 3.585,15 ha.

Các hình thức sản xuất bước đầu hình thành tổ chức liên kết, ứng dụng công nghệ cao. Hiện trên địa bàn có 27 HTX, 18 tổ hợp tác và trên 50 tổ chức, doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh trong lĩnh vực nông nghiệp.

Theo ông Doãn Gia Lộc, Trưởng Phòng NN - PTNT huyện, việc triển khai Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp trên địa bàn huyện có nhiều chuyển biến tích cực. Từ đó, nhiều nguồn lực được huy động để đầu tư các hoạt động xây dựng mô hình, chuơng trình, đào tạo, tập huấn nông dân theo chiều sâu trên nhiều đối tượng cây trồng.

Các tiến bộ kỹ thuật được áp dụng vào sản xuất nên năng suất, chất lượng, hiệu quả kinh tế cây trồng được cải thiện theo hướng nâng cao giá trị gia tăng, thích ứng với biến đổi khí hậu và bền vững.

Kim Ngân