Kinh tế

"Liều thuốc" nào để cứu thị trường bất động sản bất động ? Kỳ cuối: Kỳ vọng vào nguồn vốn tín dụng

Nguyễn Lương 31/05/2023 11:56

Nhiều giải pháp đã, đang được Chính phủ, các địa phương triển khai để giải cứu thị trường bất động sản. Trong đó, “khơi thông” dòng vốn tín dụng được các nhà đầu tư kỳ vọng là giải pháp tốt nhất để giải quyết vấn đề này.

Cầm cự vượt qua khó khăn

Tại Đắk Nông, thị trường bất động sản đã ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống, kinh tế của doanh nghiệp, người dân. Trước thực tế này, nhiều nhà đầu tư tìm tất cả mọi cách để cầm cự qua thời điểm này.

Nhiều đơn vị tìm cách quảng bá hình ảnh của tỉnh, cũng như các sản phẩm bất động sản khác đến với khách hàng tại các thành phố lớn. Một số nhà đầu tư đang tìm mọi cách xoay trở để vượt qua khó khăn.

Công ty Bất động sản Valan (Gia Nghĩa) là một ví dụ. Thời điểm cuối năm 2022, đầu năm 2023, Công ty bị ảnh hưởng nặng nề về doanh thu. Tuy nhiên, Công ty vẫn cố gắng bảo đảm thu nhập và phúc lợi cho đội ngũ nhân viên.

z4369026055235_41bd96ec491b193855fb407f7ebebb7c(1).jpg
Nhiều nhà đầu tư tích cực giới thiệu sản phẩm của mình đến với khách hàng

Theo ông Vũ Mạnh Thắng, Tổng Giám đốc Công ty Bất động sản Valan, Công ty phải nỗ lực nhiều hơn để vượt qua khó khăn hiện nay.

Khó khăn cũng là cơ hội để nhân viên của Công ty làm mới mình bằng việc dành thời gian trau dồi kiến thức, chuyên môn, nghiệp vụ. Bản lĩnh của doanh nghiệp, đội ngũ nhân viên cũng từng bước được rèn luyện.

“Chúng tôi tập trung mở rộng các thị trường mới, sản phẩm mới, đối tác mới. Công ty tạo ra không gian rộng hơn để đội ngũ nhân viên cung cấp sản phẩm của mình đến với các nhà đầu tư, khách hàng ngoại tỉnh tại các thị trường tiềm năng”, ông Thắng chia sẻ.

Đối với nhiều nhà đầu tư riêng lẻ cũng đang tìm mọi cách để cầm cự khi có chủ trương mới. “Chúng tôi làm giá phù hợp để có thể thanh khoản được giá trị tài sản. Trong đó, tập trung phát triển nhiều hơn những sản phẩm bất động sản có giá phù hợp tại các dự án mới để thị trường lưu thông và thanh khoản tốt hơn”, ông Lê Thành Công, nhà đầu tư ở Gia Nghĩa chia sẻ.

img_7369(1).jpg
Nhiều cá nhân tìm mọi cách để thanh khoản các tài sản của mình, nhằm cầm cự qua giai đoạn khó khăn

Còn đối với anh Phan Minh Thạnh (Đắk Mil), trong khi đợi đất có người mua, anh làm thêm nhiều công việc khác để trả lãi ngân hàng.

“Nghề gì có tiền mà không vi phạm pháp luật tôi đều làm. Làm việc để có nguồn thu trả lãi ngân hàng mỗi tháng. Gia đình sẽ cố gồng hết sức, mong sao thời gian này qua nhanh”, anh Thạnh phân trần.

Giải pháp về nguồn vốn

Thị trường bất động sản rơi vào trầm lắng, nhiều chủ trương, chính sách đã, đang được Chính phủ, Nhà nước triển khai. Trong đó, giải pháp “cứu cánh” tốt nhất vào lúc này chính là nguồn vốn.

Ngày 11/3/2023, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 33/NQ-CP về một số giải pháp tháo gỡ, thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển an toàn, lành mạnh, bền vững.

Tiếp đó, ngày 14/3/2023, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã ban hành Quyết định số 314/QĐ-NHNN về mức lãi suất cho vay ngắn hạn đối với khách hàng vay, nhằm đáp ứng nhu cầu vốn phục vụ một số lĩnh vực, trong đó, có bất động sản.

img_3699-8.52.42-sa(2).jpg
Nhiều giải pháp về tín dụng đang được hệ thống ngân hàng triển khai để gỡ khó cho thị trường bất động sản

Mới đây nhất, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tiếp tục ký Công văn về thúc đẩy và tháo gỡ thị trường bất động sản. Theo đó, các nhà đầu tư gặp khó khăn được đề xuất giãn nợ gốc, lãi vay.

Các dự án, phương án vay vốn khả thi, khách hàng có năng lực tài chính, khả năng trả nợ đầy đủ, đúng hạn tiếp tục được cấp tín dụng. Các dự án bất động sản phục vụ tiêu dùng, đáp ứng nhu cầu thực tế của người dân được ưu tiên khi xét hồ sơ cho vay.

Ông Nguyễn Hồ Hữu, Phó Giám đốc Chi nhánh Ngân hàng Nhà nước tỉnh cho hay, ngay sau khi cấp trên có chủ trương, các ngân hàng trên địa bàn đã vào cuộc.

Một số đơn vị tiết giảm tối đa chi phí hoạt động để có dư địa, nhằm giảm lãi suất cho vay đối với lĩnh vực này. Các ngân hàng tiếp tục cấp tín dụng cho các dự án bất động sản đủ điều kiện pháp lý.

Việc chủ động rà soát, phân loại, đánh giá các dự án bất động sản đang cấp tín dụng cũng được ngân hàng đẩy mạnh. Trên cơ sở này, các tổ chức tín dụng nắm bắt vướng mắc, khó khăn, từ đó, có giải pháp xử lý.

Các ngân hàng xem xét cấp tín dụng đối với các chủ đầu tư, ngành thầu xây dựng, các đơn vị cung cấp vật tư, vật liệu xây dựng… Đây là giải pháp để tăng khả năng luân chuyển vốn, thanh khoản cho thị trường bất động sản.

z4368615964769_70192fcd94b7764445f7e0017a92fcf4.jpg
Đồ hoạ: Thùy Dương

Về phía các ngân hàng thương mại trên địa bàn đã vào cuộc thực hiện các chính sách như: gia hạn nợ, giãn nợ, giảm lãi… Tuy nhiên, nhiều tổ chức tín dụng thẳng thắn chia sẻ rằng, để bảo đảm phát triển, các đơn vị không dám quá mạo hiểm.

Ngân hàng soi xét kỹ, những trường hợp vay mục đích không rõ ràng, nguồn thu không ổn định sẽ từ chối. Đối với những trường hợp được vay, hạn mức vay sẽ được xem xét phù hợp, nhằm kiểm soát chất lượng tín dụng.

Cùng với sự vào cuộc của ngành ngân hàng, nhiều công văn chỉ đạo về việc thúc đẩy thị trường bất động sản trên địa bàn tỉnh được UBND tỉnh ban hành. Tỉnh tập trung chỉ đạo, tổ chức thực hiện giao đất thực hiện các dự án bất động sản để tăng nguồn cung cho thị trường.

Các sở, ngành liên quan tăng cường kiểm soát hoạt động các tổ chức, cá nhân hành nghề môi giới bất động sản. Đối với những hành vi mua bán trao tay, “thổi giá” gây nhiễu loạn thông tin thị trường sẽ được xử lý.

Trông đợi chính sách tín dụng mới

Từ góc nhìn của nhiều nhà đầu tư, sự vào cuộc của Chính phủ, địa phương bước đầu giúp thị trường bất động sản có niềm tin phát triển bền vững.

Tuy nhiên, theo nhiều nhà đầu tư, sự phát triển bền vững đó phụ thuộc rất nhiều vào chính sách có đi vào sát thực tiễn hay không.

Anh Lê Trọng Nghĩa, nhà đầu tư ở Đắk Mil cho hay, những động thái của Chính phủ, các cơ quan, ban, ngành, chính quyền địa phương ban hành rất đúng, rất trúng. Các giải pháp này đi vào thực tiễn sớm chừng nào, nhà đầu tư bất động sản được gỡ khó sớm chừng đó.

“Chúng tôi mong muốn chính sách sát với thực tiễn hơn, nhất là chính sách về tín dụng. Nguồn tiền hiện đang bị “chôn” trong đất. Chỉ có nguồn tiền mới giải quyết “nút thắt” này”, anh Nghĩa chia sẻ.

Kỳ vọng về các giải pháp đưa ra, anh Lê Quang Tiến, một nhà đầu tư bất động sản Gia Nghĩa khẳng định: “Vấn đề cần tháo gỡ lớn nhất hiện nay là tín dụng. Nhà đầu tư bất động sản cần được tiếp cận vốn với mức lãi suất hợp lý hơn”.

Liên quan đến giải pháp cứu cánh thị trường bất động sản, chuyên gia tài chính Nguyễn Trí Hiếu cho rằng, ngân hàng cần có xếp hạng tín nhiệm, quy định phân nhóm các phân khúc bất động sản.

z4368615965893_292b115f05ed4c30e67b92fd9ec4fff9.jpg
Đồ họa: Thùy Dương

“Phải có một kế hoạch xếp hạng tín nhiệm doanh nghiệp để có được nguồn vốn trung dài hạn lâu dài”, TS Nguyễn Trí Hiếu nhấn mạnh.

Thực tế, ngoài giải pháp về vốn, để thị trường bất động sản phát triển lành mạnh cần giải pháp đồng bộ hơn.

“Cần thiết sự tham gia của bộ, ngành, chính quyền địa phương để giải quyết vấn đề vướng mắc về thủ tục pháp lý như: luật đất đai, luật nhà ở, luật kinh doanh…”, ông Nguyễn Hồ Hữu, Phó Giám đốc Chi nhánh Ngân hành Nhà nước tỉnh nêu quan điểm.

Về phía bản thân các doanh nghiệp, nhà đầu tư nỗ lực đồng hành, hợp tác với các cơ quan Nhà nước trong giải quyết các vướng mắc.

Đây chính là chìa khóa để cả người dân, nhà đầu tư, tất cả thành phần tham gia vào thị trường bất động sản yên tâm. Có như vậy, thị trường bất động sản mới có sự phát triển bền vững hơn.

Nguyễn Lương