Khởi tố, bắt tạm giam Giám đốc, Phó Giám đốc đăng kiểm

Chính sách - Ngày đăng : 10:16, 31/05/2023

Lực lượng chức năng phát hiện tại Trung tâm đăng kiểm 81-05D có hành vi nhận hối lộ để nghiệm thu chất lượng an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường xe cơ giới trái quy định của pháp luật.

Khởi tố, bắt tạm giam Giám đốc, Phó Giám đốc đăng kiểm - Ảnh 1.

Cơ quan Công an thi hành Lệnh bắt tạm giam các đối tượng. (Ảnh: Công an tỉnh Gia Lai).

Giám đốc, Phó Giám đốc Trung tâm đăng kiểm 81-05D nhận tiền của nhiều cá nhân

Công an tỉnh Gia Lai cho biết, qua công tác nghiệp vụ, Phòng Cảnh sát kinh tế Công an tỉnh Gia Lai phát hiện tại Trung tâm Đăng kiểm 81-05D có hành vi nhận hối lộ để nghiệm thu chất lượng an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường xe cơ giới trái quy định của pháp luật.

Theo đó, ngày 22/5/2023, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Gia Lai (Phòng Cảnh sát kinh tế) đã ra Quyết định khởi tố vụ án hình sự về tội nhận hối lộ, xảy ra tại Trung tâm 81-05D thuộc Công ty TNHH Đăng kiểm Cao nguyên, địa chỉ: Lô số C50, Cụm Công nghiệp Diên Phú, thôn 3, xã Diên Phú, TP.Pleiku, tỉnh Gia Lai theo quy định tại Khoản 3, Điều 354 Bộ luật hình sự năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017. 

Đồng thời, ra Quyết định khởi tố bị can, Lệnh khám xét chỗ ở và nơi làm việc, Lệnh bắt bị can để tạm giam đối với bị can TRẦN MINH LƯỢNG; sinh năm 1970; nghề nghiệp Giám đốc Trung tâm Đăng kiểm xe cơ giới 81-05D thuộc Công ty TNHH Đăng kiểm Cao Nguyên; 

Ra quyết định khởi tố, lệnh khám xét chỗ ở và nơi làm việc, lệnh bắt bị can để tạm giam đối với LÊ ĐÌNH VƯỢNG, sinh năm 1982; nghề nghiệp Phó Giám đốc Trung tâm Đăng kiểm xe cơ giới 81-05D thuộc Công ty TNHH Đăng kiểm Cao Nguyên.

Ngày 30/5/2023, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Gia Lai (Phòng Cảnh sát kinh tế) cùng Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh Gia Lai tổ chức thi hành Quyết định khởi tố bị can, Lệnh khám xét chỗ ở và nơi làm việc, Lệnh bắt bị can để tạm giam đối với các bị can trên.

Kết quả điều tra đến nay xác định: Năm 2021, 2022 trong quá trình kiểm định xe cơ giới, các bị can Trần Minh Lượng và Lê Đình Vượng đã nhận tiền của nhiều cá nhân nhằm hợp thức hoá hồ sơ nghiệm thu chất lượng an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường xe cơ giới trái quy định của pháp luật. Hiện vụ án đang được tiếp tục điều tra theo quy định của pháp luật.

Sai phạm trong lĩnh vực đăng kiểm để lại hậu quả vô cùng lớn

Liên quan đến vụ án đăng kiểm, chiều 10/5, Ban Nội chính Trung ương đã thông báo kết quả cuộc họp Thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực (Ban Chỉ đạo).

Tại cuộc họp, trả lời câu hỏi của báo chí về việc phân hóa đối tượng trong xử lý sai phạm xảy ra trong lĩnh vực đăng kiểm, Phó trưởng Ban Nội chính Trung ương Nguyễn Văn Yên cho biết, sai phạm trong lĩnh vực này liên quan trực tiếp đến Cục Đăng kiểm Việt Nam là sai phạm có tổ chức, kéo dài nhiều năm, liên quan đến nhiều người, nhiều cấp độ khác nhau, giá trị tiêu cực tính bằng tiền không lớn nhưng hậu quả để lại cho xã hội vô cùng lớn.

“Một năm tai nạn giao thông làm mất đi từ 8 đến 10 nghìn người, trong đó có lỗi của đăng kiểm. Một mạng người chết đã là đặc biệt nghiêm trọng rồi, trong khi có nhiều người chết.

Vấn đề là xử lý thế nào để không ảnh hưởng đến hoạt động bình thường trong lưu thông phát triển kinh tế xã hội, không ảnh hưởng đến người dân.

Chính vì vậy, Ban Chỉ đạo đã giao các cơ quan chức năng ngồi bàn bạc với nhau để có giải pháp xử lý phù hợp nhất”, Phó trưởng Ban Nội chính Trung ương nhấn mạnh.

Đồng chí Nguyễn Văn Yên nêu rõ: Ban Chỉ đạo đã thống nhất phân hóa, phân loại đối tượng để xử lý. Trong đó, nguyên tắc là có tội phải xử lý, sai tới đâu xử lý tới đó. Người cần xử lý hình sự sẽ xử lý hình sự, người không cần thiết xử lý hình sự thì phân hoá xử lý bằng cách khác./.