Ông Biden gọi điện chúc mừng ông Erdogan đắc cử Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ

Dòng chảy thông tin - Ngày đăng : 13:04, 30/05/2023

Trong cuộc điện đàm mới nhất với Tổng thống Mỹ Joe Biden, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan đã nhắc lại mong muốn của Ankara mua máy bay chiến đấu F-16 của Mỹ.

Ong Biden goi dien chuc mung ong Erdogan dac cu Tong thong Tho Nhi Ky hinh anh 1Máy bay F-16 của Không lực Mỹ bay trình diễn tại căn cứ không quân Osan ở Pyeongtaek, Hàn Quốc. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Ngày 29/5, Tổng thống Mỹ Joe Biden cho biết trong cuộc điện đàm mới nhất, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan đã nhắc lại mong muốn của Ankara mua máy bay chiến đấu F-16 của Mỹ.

Cuộc trao đổi diễn ra khi Tổng thống Biden điện đàm để chúc mừng người đồng cấp Erdogan tái đắc cử Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ trong cuộc bầu cử vừa qua.

Tổng thống Biden bày tỏ Washington hy vọng Ankara sẽ không còn phản đối việc Thụy Điển gia nhập Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO). Lãnh đạo hai nước đã nhất trí sẽ thảo luận thêm về các vấn đề trên vào tuần tới.

Trong khi đó, Văn phòng Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ cho biết trong cuộc điện đàm, hai nhà lãnh đạo đã nhất trí tăng cường hợp tác trên tất cả các khía cạnh của mối quan hệ song phương, vốn được đánh giá ngày càng quan trọng khi đối mặt với những thách thức trong khu vực và toàn cầu.

Thổ Nhĩ Kỳ muốn mua 40 máy bay F-16 của Mỹ trị giá 20 tỷ USD và hiện đại hóa 80 chiếc đang hoạt động.

Tuy nhiên, đầu tháng Hai vừa qua, nhóm 29 thượng nghị sỹ đảng Dân chủ và Cộng hòa đã gửi thư đến Tổng thống Biden, trong đó khẳng định Quốc hội Mỹ không thể duyệt bán tiêm kích F-16 cho Thổ Nhĩ Kỳ nếu nước này chưa chấp thuận cho Thụy Điển và Phần Lan gia nhập NATO.

Đây là lần đầu tiên Quốc hội Mỹ công khai gắn thương vụ khí tài quân sự cho Ankara với nỗ lực gia nhập NATO của hai quốc gia Bắc Âu nói trên.

Để trở thành thành viên của khối quân sự này, Phần Lan và Thụy Điển phải được quốc hội của toàn bộ 30 quốc gia thành viên NATO hiện nay phê chuẩn đơn xin gia nhập.

Vào cuối tháng Ba vừa qua, Quốc hội Thổ Nhĩ Kỳ đã phê chuẩn việc Phần Lan gia nhập NATO, nhưng vẫn tiếp tục phản đối Thụy Điển, chủ yếu liên quan đến lực lượng người Kurd mà Ankara cho là "khủng bố" và đứng sau âm mưu đảo chính năm 2016./.

Phương Oanh (TTXVN/Vietnam+)

Phương Oanh (TTXVN/Vietnam+)