Libya: Giao tranh giữa các nhóm vũ trang nổ ra ở thủ đô Tripoli
Dòng chảy thông tin - Ngày đăng : 09:44, 30/05/2023
Binh sỹ thuộc quân đội Chính phủ Thống nhất Quốc gia Libya (GNU) gác gần khu vực sân bay quốc tế Tripoli, Libya, ngày 25/7/2022. (Ảnh: AFP/TTXVN)
Phóng viên TTXVN tại Bắc Phi dẫn các phương tiện truyền thông địa phương cho biết giao tranh giữa hai nhóm vũ trang đã diễn ra suốt đêm 28/5 đến rạng sáng 29/5 ở trung tâm thủ đô Tripoli của Libya, khiến một số người dân bị thương.
Các cuộc đụng độ diễn ra giữa hai nhóm liên kết với Chính phủ Thống nhất quốc gia (GNU), có trụ sở tại Tripoli, được Liên hợp quốc công nhận, gồm Lực lượng Al-Radaa và Lữ đoàn 444.
Các phương tiện bọc thép đã được triển khai vào chiều 28/5 tại Tripoli sau vụ bắt giữ 1 thành viên của Lữ đoàn 444, kể cả ở phố thương mại Jraba, phía Đông thành phố này và trong khu dân cư Ras Hassan ở trung tâm thành phố.
Sau vài giờ tạm lắng, tiếng súng hạng nặng và hạng nhẹ đã vang lên ở vùng ngoại ô phía Đông Tripoli, đặc biệt là ở Ain Zara, Fornaj và gần khuôn viên của Đại học Tripoli - nơi Ban giám hiệu trường đã buộc phải đóng cửa trong ngày 29/5 và đình chỉ các cuộc thi như một biện pháp an toàn.
Cơ quan hỗ trợ ổn định (ASS) - một nhóm vũ trang chịu trách nhiệm về an ninh, đã can thiệp để chấm dứt đụng độ và cố gắng hòa giải.
Libya rơi vào vòng xoáy khủng hoảng chính trị và an ninh kéo dài sau chính biến năm 2011.
Hiện quốc gia Bắc Phi này đang có 2 chính quyền cùng tồn tại song song gồm GNU do Thủ tướng Abdul Hamid Dbeibah đứng đầu, được Liên hợp quốc công nhận và chính quyền ở miền Đông được Tướng Khalifa Haftar hậu thuẫn.
Libya đã không thể tổ chức tổng tuyển cử như kế hoạch đã định vào tháng 12/2021 do các phe phái không thống nhất được luật bầu cử. Hồi đầu năm nay, ông Dbeibah cho biết chính phủ của ông sẵn sàng tổ chức tổng tuyển cử trong năm 2023.
Ngày 23/5, Quốc hội và Hội đồng Cấp cao Nhà nước Libya đã đạt được thỏa thuận về việc bắt đầu hoàn thiện luật bầu cử để tổ chức các cuộc bầu cử tổng thống và quốc hội, vốn bị hoãn hơn một lần trong 5 năm qua.
Được thành lập vào tháng 3/2023, Ủy ban Chung 6+6 gồm 12 thành viên, trong đó Quốc hội và Hội đồng Cấp cao Nhà nước Libya đều có 6 đại diện, có nhiệm vụ xây dựng luật để điều chỉnh các cuộc bầu cử trong nước.
Ngày 16/5, người phát ngôn của Quốc hội ở miền Đông Libya, ông Abdullah Belhaiq thông báo cơ quan lập pháp này đã bỏ phiếu đình chỉ tư cách Thủ tướng được bổ nhiệm của ông Fathi Bashagha và giao Bộ trưởng Tài chính Osama Hamada đảm nhận nhiệm vụ của ông Bashagha./.