Đắk Nông tạo động lực phát triển từ cải cách hành chính
Công tác cải cách hành chính (CCHC) trên địa bàn tỉnh Đắk Nông luôn được quan tâm, chú trọng. Tỉnh xác định, CCHC là động lực cơ bản để phát triển các mặt kinh tế - xã hội.
Nhiều kết quả ấn tượng
Tỉnh Đắk Nông luôn xác định công tác CCHC, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh là nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội phát triển.
Chính vì vậy, tỉnh quan tâm sâu sát công tác lãnh đạo, chỉ đạo triển khai CCHC. UBND tỉnh tập trung nâng cao hiệu lực, hiệu quả tổ chức thi hành pháp luật.
Đặc biệt, UBND tỉnh coi trọng công tác tham mưu cho HĐND tỉnh xây dựng, hoàn thiện pháp luật. Từ đó, đáp ứng yêu cầu quản lý Nhà nước phù hợp với tình hình phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Chỉ tính riêng trong năm 2022, HĐND tỉnh Đắk Nông đã ban hành 8 nghị quyết quy phạm pháp luật (QPPL); 46 quyết định QPPL; 100% văn bản QPPL.
Các văn bản pháp luật này đều bảo đảm đúng quy trình, thủ tục, thống nhất với văn bản Trung ương, phù hợp với tình hình thực tế tại địa phương.
Ngoài ra, HĐND tỉnh Đắk Nông còn thẩm định 76 dự thảo văn bản QPPL cấp tỉnh; góp ý, cho ý kiến gần 300 văn bản của Trung ương.
Lĩnh vực cải cách thể chế đã được Đắk Nông triển khai toàn diện trên nhiều lĩnh vực, góp phần tạo ra hành lang pháp lý trong quản lý, điều hành của các cấp, các ngành.
Với chủ đề “Nâng cao trách nhiệm, văn hóa ứng xử, đạo đức công vụ; xây dựng và phát triển chính quyền điện tử hướng tới chính quyền số”, đến cuối năm 2022, tỉnh đã thực hiện 100% các nhiệm vụ CCHC theo kế hoạch đề ra.
Năm 2022, Đắk Nông có 7 nhóm chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội vượt và 4 nhóm chỉ tiêu đạt kế hoạch đề ra. Trong đó, nhóm chỉ tiêu về giảm nghèo đạt 3,22%, vượt kế hoạch (trên 3%); tỷ lệ giảm nghèo đồng bào dân tộc thiểu số tại chỗ đạt 8,45%, vượt kế hoạch (trên 5%).
Chỉ số CCHC năm 2022 của tỉnh Đắk Nông đứng thứ 37/63 tỉnh, thành phố, tăng 4 bậc so với năm 2021. Trong đó, Chỉ số thành phần xây dựng và phát triển chính quyền điện tử, chính quyền số năm 2022 xếp thứ 9/63 tỉnh, thành phố.
Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh năm 2022 của Đắk Nông tăng 14 bậc sao với năm 2021, đứng thứ 38/63 tỉnh, thành phố. Chỉ số hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính Nhà nước tăng 16 bậc so với năm 2021 (từ đứng thứ 47 tăng lên thứ 31/63 tỉnh, thành phố).
Nỗ lực vượt bậc
Ông Đỗ Quý Tiến, Phó Vụ trưởng Vụ Cải cách hành chính (Bộ Nội vụ) cho biết, tỉnh Đắk Nông đạt 84.66/100 điểm Chỉ số CCHC, xếp thứ 37/63 tỉnh, thành phố; tăng 4 bậc so với năm 2021, nằm trong nhóm B là vô cùng ấn tượng. Trong đó, nhiều điểm thuộc chỉ số thành phần của tỉnh đã có sự cải thiện rất rõ rệt.
Ông Tiến đánh giá, năm 2022, mặc dù Bộ tiêu chí đánh giá mới của Bộ Nội vụ bổ sung những tiêu chí cao hơn, nhưng Chỉ số CCHC của tỉnh Đắk Nông vẫn tăng về thứ hạng.
Mặt khác, kết quả Chỉ số CCHC tăng thứ hạng trong 4 năm liên tiếp đã cho thấy, những nỗ lực CCHC của tỉnh đã mang lại kết quả khả quan, đóng góp quan trọng vào thành tựu kinh tế - xã hội đạt được của tỉnh…
Ông Trương Đức Trọng, chuyên gia Dự án PCI, VCCI đã có những phân tích, đánh giá về môi trường đầu tư kinh doanh của tỉnh Đắk Nông hiện nay.
Theo ông Trọng, năm 2022 đánh dấu sự thăng hạng vượt bậc của tỉnh Đắk Nông trong bảng xếp hạng PCI toàn quốc, với 64,87 điểm, đứng thứ 38/63 cả nước, tăng 2,95 điểm và 14 bậc so với 2021. Đây là thứ hạng cao nhất của Đắk Nông kể từ trước tới nay.
Khảo sát của VCCI cho thấy, 86% doanh nghiệp đồng ý với nhận định: “Thời gian thực hiện TTHC được rút ngắn hơn so với quy định; Chi phí, thời gian tuân thủ thủ tục hành chính được rút ngắn..."
Tuy nhiên, doanh nghiệp vẫn đối diện với nhiều khó khăn trong tìm kiếm khách hàng, tiếp cận vốn tín dụng, tìm kiếm đối tác kinh doanh, tìm kiếm nhân sự thích hợp…
Ông Trọng đưa ra kiến nghị: Tỉnh Đắk Nông cần duy trì hiệu quả việc hỗ trợ giải đáp, đối thoại, tháo gỡ vướng mắc cho doanh nghiệp. Tỉnh cần xây dựng các kế hoạch hành động, nhất quán trong những hoạt động cải cách chất lượng điều hành kinh tế.
Các giải pháp cải thiện chất lượng đào tạo nghề, nâng cao chất lượng giáo dục đào tạo cũng cần được đưa ra. Ngoài ra, địa phương cần xây dựng các chương trình cắt giảm các thủ tục như: thủ tục đăng ký kinh doanh có điều kiện, phòng cháy chữa cháy, thanh tra thuế, thanh tra xây dựng. Tỉnh cần tháo gỡ khó khăn về đất đai cho doanh nghiệp...
Đắk Nông cần thực hiện các chương trình hỗ trợ doanh nghiệp một cách thực chất và giúp các doanh nghiệp tiếp cận các chương trình hỗ trợ này.
"Việc đối thoại chuyên sâu theo ngành nghề, địa bàn phải được thực hiện định kỳ. Tỉnh cũng cần phản hồi câu hỏi của doanh nghiệp nhanh chóng hơn”, ông Trọng góp ý.
Phát huy vai trò người đứng đầu
Theo Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Hồ Văn Mười, công tác CCHC, tạo môi trường kinh doanh có thuận lợi hay không đều phụ thuộc rất lớn vào bộ máy chính quyền các cấp. CCHC tốt sẽ tạo động lực mạnh mẽ thu hút đầu tư, thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển.
Thời gian tới, UBND tỉnh sẽ tập trung một số nhiệm vụ và giải pháp nhằm cụ thể về CCHC. Trong công tác CCHC, người đứng đầu phải là đầu tàu từ chủ trương đến thực tế.
"Người đứng đầu không chỉ là các đồng chí lãnh đạo trong thường trực cấp tỉnh mà từ các đồng chí làm trưởng thôn, ấp; các đồng chí bí thư, chủ tịch các phường, xã...", Chủ tịch UBND tỉnh Hồ Văn Mười nhấn mạnh.
UBND tỉnh Đắk Nông vừa công bố Chỉ số các cách hành chính năm 2022 của các sở, ban, ngành và UBND các huyện, thành phố. Trong đó, Cục Thuế tỉnh; Bảo hiểm Xã hội tỉnh; Kho bạc nhà nước Đắk Nông thuộc diện xuất sắc. Có 15 đơn vị được xếp hạng tốt; 4 đơn vị xếp hạng khá. Đối với nhóm UBND các huyện, thành phố năm 2022 không có địa phương nào xuất sắc. Có 4 địa phương xếp hạng tốt gồm Krông Nô, Gia Nghĩa, Đắk R’lấp, Cư Jút; 4 địa phương xếp hạng khá gồm Đắk Mil, Tuy Đức, Đắk Glong và Đắk Song.
Cũng theo Chủ tịch UBND tỉnh, thời gian tới, tỉnh sẽ chú trong việc bố trí, phân công cán bộ, công chức, viên chức có năng lực, phẩm chất đạo đức tốt tại các vị trí quan trọng.
Việc phân công sẽ rõ ràng về nhiệm vụ cụ thể, rõ người, rõ việc, rõ trách nhiệm. Từ đó, tỉnh sẽ giải quyết kịp thời, hiệu quả công việc liên quan đến người dân, doanh nghiệp.
Bên cạnh đó, tỉnh chú trọng rà soát, đề xuất cấp có thẩm quyền bãi bỏ, bổ sung các quy định về điều kiện kinh doanh, thủ tục hành chính không còn phù hợp, trái với quy định của pháp luật.
Những vướng mắc còn chồng chéo, mâu thuẫn, gây cản trở cho hoạt động đầu tư, sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp cũng sẽ được tỉnh xử lý, loại bỏ...