Đoàn đại biểu Quốc hội - HĐND

ĐBQH Đắk Nông Phạm Thị Kiều: Cần quy định mức phụ cấp thường trực tại cơ sở y tế

Đức Diệu 29/05/2023 19:36

Thảo luận tại Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV, đại biểu Phạm Thị Kiều, Đoàn ĐBQH Đắk Nông góp ý sâu vào lĩnh vực y tế, y tế cơ sở.

toan-canh-ngay-29(1).jpg
Toàn cảnh phiên họp chiều 29/5

Tham gia thảo luận về dự thảo Nghị quyết của Quốc hội giám sát chuyên đề về Việc huy động, quản lý và sử dụng các nguồn lực phục vụ công tác phòng, chống dịch Covid-19; việc thực hiện chính sách pháp luật về y tế cơ sở, y tế dự phòng” tại kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV vào chiều 29/5, đại biểu Phạm Thị Kiều, Đoàn ĐBQH Đắk Nông đã đề xuất một số nhóm giải pháp về thể chế, cơ chế liên quan đến y tế cơ sở, y tế dự phòng.

Cụ thể, đại biểu Kiều cho rằng cơ quan các cấp cần có sự thay đổi cơ chế, chính sách, văn bản, không giao dự toán, giao tổng mức thanh toán kinh phí khám chữa bệnh, bảo hiểm y tế để cơ sở y tế có sự chủ động, linh hoạt khi thực hiện nhiệm vụ.

Có chính sách hỗ trợ đào tạo, ưu tiên cho các tỉnh Tây Nguyên để nâng cao trình độ chuyên môn cho đội ngũ y tế cơ sở, phục vụ nâng cao sức khỏe cho người dân tại địa phương, tránh tình trạng “ùn tắc” ở các bệnh viện thành phố lớn như hiện nay.

pham-thi-kieu-ngay-29(1).jpg
Đại biểu Phạm Thị Kiều, Đoàn ĐBQH Đắk Nông tham gia thảo luận tại Kỳ họp thứ 5, chiều 29/5

Trên cơ sở đề xuất, đại biểu Phạm Thị Kiều kiến nghị sớm xem xét, cho ý kiến về Luật sửa đổi, bổ sung Luật Bảo hiểm y tế.

Đối với Chính phủ, đại biểu Kiều kiến nghị xem xét điều chỉnh, bổ sung Nghị định số 56/2011/NĐ-CP ngày 04/7/2011 của Chính phủ quy định Chế độ phụ cấp ưu đãi theo nghề đối với công chức, viên chức công tác tại các cơ sở y tế công lập đối với viên chức hành chính, dân số, hợp đồng chuyên môn và hợp đồng lao động phổ thông theo Nghị định số 111/2021/NĐ-CP với mức hưởng tối thiểu là 40% và mức hưởng 100% theo Nghị định số 05/2023/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung Nghị định 56/2011/NĐ-CP để viên chức yên tâm công tác, thay đổi tăng định mức phụ cấp thường trực theo Quyết định số 73/2011/QĐ-TTg nhằm phù hợp với tình hình thực tiễn hiện nay.

Nghiên cứu điều chỉnh, bổ sung Nghị định số 146/2018/NĐ-CP hướng dẫn thực hiện Luật Bảo hiểm y tế, không giao tổng mức thanh toán trong hoạt động khám chữa bệnh cho các cơ sở y tế.

Cần ban hành văn bản quy định mức phụ cấp thường trực 24/24 tại các cơ sở y tế; xem xét cho cán bộ y tế được hưởng phụ cấp thâm niên như một số ngành, lĩnh vực khác; tăng chế độ phụ cấp cho y tế thôn bản, cộng tác viên dân số ở các thôn, bon, tổ dân phố để đảm bảo phù hợp với mức sống, vật giá hiện nay, khích lệ tinh thần làm việc, yên tâm công tác cũng như nghiên cứu cơ chế, chính sách về tiền lương dành riêng cho ngành y tế.

Đại biểu Phạm thị Kiều thông tin: Trước kỳ họp thứ 5, Đoàn ĐBQH Đắk Nông có đủ 6 đại biểu đã tiếp xúc cử tri chuyên đề ngành y tế và y tế cơ sở, y tế dự phòng, qua đó, kịp thời nắm bắt được tâm tư nguyện vọng của đội ngũ y bác sĩ tại địa phương. Qua nắm bắt nguyện vọng cử tri cũng như nghiên cứu dự thảo nghị quyết, việc đặt ra các mốc thời gian và việc báo cáo trực tiếp tại kỳ họp như trong kiến nghị của Đoàn giám sát là rất hợp lý; gắn trách nhiệm chính trị của Chính phủ và các cá nhân được giao nhiệm vụ, giải trình trực tiếp tại kỳ họp, tại các Ủy ban của Quốc hội là cách thức tốt để nâng hiệu quả hoạt động giám sát.

Bên cạnh các nội dung nêu trên, đại biểu Phạm Thị Kiều góp ý một số vấn đề cụ thể khác trong dự thảo Nghị quyết giám sát như:

Về việc bảo đảm tiền lương, phụ cấp, chế độ đãi ngộ với nhân viên y tế nói chung, nhân viên y tế cơ sở, y tế dự phòng nói riêng: Trong thời gian qua, vấn đề này cũng đã được các cấp, các ngành hết sức quan tâm, bước đầu đã được triển khai tại Nghị quyết số 69/2022/QH15 ngày 11/1/2022 của Quốc hội. Theo đó, từ ngày 01/7/2023 thực hiện tăng lương cơ sở cho cán bộ, công chức, viên chức (trong đó có nhân lực y tế nói chung) lên mức 1,8 triệu đồng/tháng; từ ngày 01/01/2023, thực hiện điều chỉnh tăng phụ cấp ưu đãi nghề đối với cán bộ y tế dự phòng và y tế cơ sở theo Kết luận số 25-KL/TW ngày 30/12/2021 của Bộ Chính trị. Vì vậy, trong dự thảo Nghị quyết cần ghi nhận những nỗ lực, kết quả mà chúng ta đã làm được và chỉ ra cụ thể những bất cập trong chế độ đãi ngộ với nhân viên y tế, tránh việc nhận định chung chung (tại điểm b, khoản 2, Điều 1 của dự thảo Nghị quyết nêu chung là: “Chế độ đãi ngộ cho cán bộ, nhân viên y tế còn nhiều bất cập”.

Tại khoản 12, Điều 2 của dự thảo Nghị quyết có nêu: “Khẩn trương xử lý dứt điểm các vụ việc liên quan đến Công ty cổ phần công nghệ Việt Á theo chủ trương của Bộ Chính trị về phân loại xử lý tổ chức, cá nhân vi phạm...”.

Bên cạnh vụ án này, đại biểu cho rằng trong thời gian vừa qua, chúng ta đã phát hiện và xử lý nhiều vụ án gây “rúng động” trong dư luận xã hội, điển hình như: Vụ án vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng xảy ra tại Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) thành phố Hà Nội hay như vụ án “Nhận hối lộ” trong việc xét duyệt cấp phép cho các công ty thực hiện chuyến bay đưa công dân Việt Nam từ nước ngoài về nước nhằm trục lợi cá nhân, xảy ra tại Cục Lãnh sự, Bộ Ngoại giao. Do đó, tôi đề nghị, không chỉ riêng vụ án tại Công ty cổ phần công nghệ Việt Á mà còn phải khẩn trương xử lý dứt điểm các vụ việc nêu trên, cũng như các vụ việc, vụ án liên quan đến công tác phòng, chống dịch Covid-19 trong thời gian qua.

Đức Diệu