Những điều cần biết về thi đánh giá năng lực tiếng Việt cho người nước ngoài

Chính sách - Ngày đăng : 09:57, 29/05/2023

Lượng thí sinh của kỳ thi đánh giá năng lực tiếng Việt dành cho người nước ngoài ngày càng tăng ổn định, cho thấy sự quan tâm đặc biệt của người nước ngoài đối với tiếng Việt nói chung cũng như cơ hội làm việc và học tập tại Việt Nam nói riêng.

Những điều cần biết về thi đánh giá năng lực tiếng Việt cho người nước ngoài - Ảnh 1.

Kỳ thi đánh giá năng lực tiếng Việt ngày càng thu hút người nước ngoài.

Hiện nay, người nước ngoài đến Việt Nam làm việc ngày một nhiều và họ có nhu cầu học tiếng Việt để có thể dễ dàng và thuận lợi hơn trong giao tiếp. Do đó, kỳ thi đánh giá năng lực tiếng Việt ngày càng thu hút người nước ngoài.

Chứng chỉ Năng lực tiếng Việt là một trong những điều kiện xét tuyển người nước ngoài vào học một số trường đại học tại Việt Nam.

Bên cạnh đó, chứng chỉ Năng lực tiếng Việt cũng chính là một trong những điều kiện để người nước ngoài ứng tuyển vào các tập đoàn, doanh nghiệp tại Việt Nam.

16 trường đại học (ĐH), cao đẳng được cấp phép tổ chức thi đánh giá năng lực tiếng Việt cho người nước ngoài 

TT
Tên đơn vị


Trường Đại học Quảng Nam, tỉnh Quảng Nam


Trường Cao đẳng Sư phạm Thừa Thiên - Huế


Trường Đại học ngoại ngữ, Đại học Huế


Trường Đại học Cửu Long, tỉnh Vĩnh Long


Trường Đại học Khoa học, Đại học Thái Nguyên


Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội


Trường Đại học Sư phạm Hà Nội


Trường Hữu Nghị 80


Trường Đại học Sư phạm, Đại học Thái Nguyên


Trường Đại học Sư phạm, Đại học Đà Nẵng


Trường Hữu Nghị T78


Trường Đại học Ngoại ngữ, Đại học Đà Nẵng


Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia TP HCM


Trường Cao đẳng Sư phạm Nghệ An


Trường Đại học Hạ Long


Trường Cao đẳng Sơn La

Đơn vị được tổ chức thi đánh giá năng lực tiếng Việt bao gồm: Các cơ sở giáo dục đại học có đào tạo ngành Văn học, Sư phạm Ngữ văn, Tiếng Việt và Văn hóa Việt Nam. 

Các đơn vị được cơ quan nhà nước có thẩm quyền giao nhiệm vụ đào tạo, bồi dưỡng tiếng Việt cho người nước ngoài. 

Các đơn vị này cần bảo đảm các điều kiện theo quy định về đội ngũ, cơ sở vật chất, ngân hàng câu hỏi.

Nắm rõ cấu trúc đề thi Tiếng Việt dành cho người nước ngoài

Cấu trúc đề thi Tiếng Việt dành cho người nước ngoài gồm 4 phần:

- Phần nghe: Mức độ tăng dần từ cơ bản đến nâng cao

- Phần đọc: Đọc và hiểu nội dung văn bản sau đó chọn câu trả lời đúng

- Phần viết: Chọn các từ ngữ phù hợp để điền vào đoạn văn, viết một đoạn văn ngắn

- Phần nói: Trả lời các câu hỏi về giao tiếp, xử lý tình huống

Chứng chỉ tiếng Việt được cấp cho người dự thi đạt yêu cầu tương ứng từ bậc 1 đến bậc 6

Quy chế thi đánh giá năng lực tiếng Việt theo Khung năng lực tiếng Việt dùng cho người nước ngoài được Bộ GD&ĐT ban hành năm 2021. 

Theo quy định của Quy chế, chứng chỉ tiếng Việt được cấp cho người dự thi đạt yêu cầu tương ứng từ bậc 1 đến bậc 6 của Khung năng lực tiếng Việt dùng cho người nước ngoài.

Khung năng lực tiếng Việt dành cho người nước ngoài gồm 6 bậc:

- Bậc 1: Hiểu và sử dụng được các dạng câu quen thuộc. Biết giao tiếp cơ bản như chào hỏi, giới thiệu bản thân… có thể nghe và hiểu những câu cơ bản khi người đối thoại nói chậm.

- Bậc 2: Đạt được các yêu cầu bậc 1, mô tả được những vấn đề cơ bản xảy ra xung quanh như đi mua hàng, hỏi đường, việc làm,…

- Bậc 3: Đạt được yêu cầu bậc 2. Hiểu được ý chính của các bài phát biểu về các chủ đề như trường học, giải trí, công việc, bệnh viện… xử lý được 80% các tình huống xảy ra bằng tiếng Việt. Có thể kể chuyện và trình bày được những mong muốn, kinh nghiệm một cách cơ bản.

- Bậc 4: Đạt được yêu cầu bậc 3. Hiểu được ý chính của các văn bản phức tạp với các chủ đề khác nhau, đặc biệt là các lĩnh vực chuyên môn của bản thân. Giao tiếp trôi chảy, tự nhiên như người Việt. Viết văn bản rõ ràng, chi tiết với nhiều chủ đề. Giải thích và nêu lý do, ưu – nhược điểm của các vấn đề.

- Bậc 5: Đạt được yêu cầu bậc 4. Có khả năng đọc hiểu các văn bản dài. Phản xạ ngôn ngữ khi giao tiếp nhanh, không gặp khó khăn khi tìm từ để diễn đạt. Sử dụng hiệu quả ngôn ngữ để phục vụ cho các mối quan hệ xã hội, học thuật và chuyên môn. Có khả năng tổ chức văn bản sử dụng tốt từ ngữ nối câu và các công cụ liên kết trong văn bản.

- Bậc 6: Đạt được yêu cầu bậc 5. Nói và viết một cách rõ ràng, rành mạch. Có khả năng tóm tắt lại nội dung thông tin, sắp xếp và trình bày lại 1 cách logic. Phân biệt được những khác biệt về ngữ nghĩa các câu.

Toàn văn Thông tư 27/2021/TT-BGDĐT ban hành Quy chế thi đánh giá năng lực tiếng Việt theo Khung năng lương tiếng Việt dùng cho người nước ngoài.