Pháp luật

Cần quyết tâm chính trị mới cho nghề giữ rừng (kỳ 3): Ngày càng thêm những lo toan

Lê Phước 28/05/2023 18:17

Lực lượng quản lý, bảo vệ rừng (QLBVR) ngày càng giảm, trong khi áp lực phá rừng không ngừng tăng lên. Những “chủ rừng”, người giữ rừng đang thất thế ngay trên sân nhà.

gian-nan-chuan.jpg

Các đối tượng tìm cách chống đối, uy hiếp

Ban Quản lý rừng phòng hộ (BQLRPH) Gia Nghĩa được giao quản lý gần 11.200 ha rừng và đất rừng, thuộc địa giới hành chính huyện Đắk Glong và TP. Gia Nghĩa.

Rừng của đơn vị nằm rải rác, manh mún với đất xâm canh của người dân, nên rất khó quản lý. Gần đây, tình trạng phá rừng, cháy rừng trên lâm phần đơn vị liên tục diễn ra.

Theo ông Vũ Văn Trọng, Giám đốc BQLRPH Gia Nghĩa, khi phát hiện phá rừng hoặc cháy rừng, đơn vị nhanh chóng triển khai lực lượng vào hiện trường. Nhưng trên đường đi, lực lượng QLBVR gặp phải rất nhiều bẫy đinh do lâm tặc đặt.

“Họ đóng đinh vào thanh gỗ, găm ngược đầu nhọn lên trên rồi cắm giữa đường. Có đoạn thì họ cầm cả nắm đinh rải dọc đường tuần tra. Xe máy chạy qua là dính ngay. Lốp xẹp thì không đi tuần tra được nữa”, ông Trọng cho hay.

Bẫy đinh cũng xuất hiện nhiều trên lâm phần của Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Quảng Sơn. Gần đây, lực lượng QLBVR của Công ty thường xuyên dính phải bẫy đinh làm hỏng xe máy tuần tra và bị thương.

Các bẫy đinh được mài sắc nhọn, chôn ở các tuyến đường tuần tra và lối mòn trong rừng. Khi lực lượng QLBVR qua lại, người và phương tiện sẽ dính bẫy này.

Ngoài bẫy đinh, lực lượng QLBVR của Công ty còn đối mặt với cảnh bị phá hoại tài sản. Vào cuối tháng 4/2023 vừa qua, một số đối tượng đã rạch bạt, đốt 2 chốt tuần tra lưu động của đơn vị.

Ông Đinh Văn Nam, Giám đốc Công ty cho biết, các đối tượng sẵn sàng gây thương tích nhân viên QLBVR và hủy hoại tài sản của Công ty. Các vụ việc có xu hướng diễn biến phức tạp. Các đối tượng ngày càng manh động và liều lĩnh hơn.

Ngoài những sức ép hữu hình, lực lượng QLBVR còn đối mặt với những đòn tâm lý. Khi phát hiện và xử lý nghiêm các vụ việc phá rừng, lấn chiếm đất rừng, QLBVR thường bị các đối tượng đe dọa trực tiếp hoặc uy hiếp gián tiếp khác.

Theo anh H, một nhân viên QLBVR của Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Quảng Sơn, các đối tượng tìm mọi cách để phá rừng, chiếm đất. Khi lực lượng QLBVR “làm căng”, các đối tượng tìm cách chống đối, uy hiếp.

“Thấy mình đi tuần tra thì họ chửi bới, dọa dẫm. Họ còn nhắn tin khủng bố tinh thần mình và gia đình. Mình không sợ nhưng thực sự cũng không khỏi lo lắng cho người thân”, anh H chia sẻ.

Trong năm 2022, Đắk Nông đứng thứ 4 cả nước về số vụ vi phạm pháp luật trong lĩnh vực QLBVR. Chỉ trong mấy tháng đầu năm, Đắk Nông xảy ra 75 vụ vi phạm lâm luật. Phần lớn các vụ vi phạm là nhằm lấn, chiếm đất lâm nghiệp.

Những nỗi niềm không dễ giãi bày

Lâm phần của Công ty TNHH MTV Nam Tây Nguyên (Công ty Nam Tây Nguyên) có nhiều “điểm nóng” về tình trạng lấn, chiếm đất rừng. Tập thể đơn vị bày tỏ quyết tâm quản lý chặt diện tích rừng và đất lâm nghiệp hiện có và trở thành “điểm sáng” của Đắk Nông.

Nhưng để có được kết quả tích cực ấy, lực lượng QLBVR của đơn vị đối mặt với không ít tủi hờn. Cách đây 1 năm, anh P.T.Q (nguyên Phó Trạm QLBVR số 4) cùng anh em tuần tra, kiểm tra trên lâm phần và phát hiện các đối tượng có hành vi vi phạm.

a2-tieu-khu-1-.jpg
Phá rừng để chiếm đất diễn biến phức tạp tại lâm phần của Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Nam Tây Nguyên

Thấy lực lượng QLBVR, các đối tượng không phối hợp, chống đối. Nhóm QLBVR muốn đưa đối tượng về trụ sở chính quyền địa phương giải quyết nhưng không được. Giữa 2 bên xảy ra xung đột. Anh Q và 1 đối tượng giằng co khiến cả 2 cùng bị thương.

Sự việc được báo lên chính quyền địa phương. Sau ít ngày điều tra, lấy lời khai, sự việc được giải quyết. Anh Q và đối tượng vi phạm cùng bị xử phạt hành chính vì hành vi “Gây rối trật tự công cộng”.

a1-thinh-2-.jpg
Cơ quan chức năng làm việc với một đối tượng phá rừng tại trụ sở UBND xã Quảng Trực (Tuy Đức)

Anh Q tỏ ra bức xúc vì không được cơ quan chức năng bảo vệ trong lúc làm nhiệm vụ. Những nỗ lực ngày đêm canh giữ rừng của anh và đồng nghiệp không được ghi nhận. Dù được công ty và anh em đồng nghiệp động viên, anh Q quyết định nghỉ việc sau 15 năm gắn bó.

Thời gian qua, giữa lực lượng QLBVR của Công ty nói riêng, các “chủ rừng” tại Đắk Nông nói chung đã xảy ra nhiều vụ mâu thuẫn, xung đột. Nhiều vụ việc được lập hồ sơ, báo cáo lên cấp có thẩm quyền. Nhưng rất nhiều vụ việc chưa được giải quyết đến kết quả cuối cùng.

Trong 5 năm gần nhất, Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Nam Tây Nguyên phát hiện gần 500 vụ việc vi phạm lâm luật. Nhưng chỉ có gần 1/3 số vụ việc giải quyết đến kết quả cuối cùng.

Theo Giám đốc Công ty Nam Tây Nguyên Nguyễn Ngọc Bình, khi phát hiện vi phạm trong lâm phần, lực lượng QLBVR có chức năng lập biên bản kiểm tra ban đầu, bảo vệ hiện trường, tang vật vi phạm.

Nhưng việc này không phải là dễ bởi các đối tượng vi phạm luôn tìm cách chống đối, rời hiện trường. Trong khi đó, công cụ hỗ trợ của lực lượng QLBVR còn đơn sơ. Việc giữ người có nguy cơ xảy ra xung đột hoặc đối mặt với các rủi ro về pháp lý.

Clip các đối tượng phá rừng "như phim" tại lâm phần của Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Nam Tây Nguyên

Nhiều vụ việc, các đối tượng vi phạm có vũ khí, sẵn sàng tấn công để xâm hại sức khỏe, tính mạng lực lượng QLBVR. Trong khi đó, QLBVR bị thương hoặc chết trong lúc làm nhiệm vụ thì không được hưởng các chế độ, chính sách như các ngành nghề đặc thù khác.

Nguồn lực cho giữ rừng không cân xứng

Tại Đắk Nông, các BQLRPH, ban quản lý rừng đặc dụng, công ty lâm nghiệp quản lý 200.000 ha rừng và đất rừng. Các “chủ rừng” này hiện có 314 QLBVR chuyên trách.

Trung bình, mỗi QLBVR ở Đắk Nông được giao quản lý, bảo vệ trên 600 ha rừng và đất lâm nghiệp. Mỗi kiểm lâm đang đảm nhiệm quản lý địa bàn hơn 2.000 ha rừng.

img_2896.jpg
Một vụ phá rừng nhằm chiếm đất tại lâm phần Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Quảng Sơn

Theo Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Đắk Nông Lê Quang Dần, cả lực lượng QLBVR và kiểm lâm tại tỉnh đang thiếu hụt. Hai lực lượng này có môi trường làm việc khó khăn, nguy hiểm, nhưng thu nhập lại rất khiêm tốn, chưa bảo đảm được đời sống. Hàng trăm người (chủ yếu là QLBVR) không chịu nổi áp lực đã xin nghỉ việc hoặc chuyển công tác.

Hiện nay, hoạt động các đơn vị “chủ rừng” lâm vào cảnh khó khăn. Phần lớn kinh phí duy trì hoạt động QLBVR từ nguồn hỗ trợ của Nhà nước (300.000 đồng/ha rừng/năm) theo Nghị định 156 năm 2018 quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Lâm nghiệp.

Các “chủ rừng” có lưu vực thủy điện thì được hưởng thêm nguồn chi trả dịch vụ môi trường rừng. Riêng các “chủ rừng” không có lưu vực thủy điện thì được tỉnh hỗ trợ thêm 150.000 đồng/ha rừng/năm (theo Nghị quyết 60 năm 2019 của HĐND tỉnh Đắk Nông).

img_2876.jpg
Người dân lấn chiếm đất lâm nghiệp và canh tác trên lâm phần của Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Quảng Sơn

“Với kinh phí hỗ trợ như hiện tại, các “chủ rừng” làm nghề QLBVR gặp rất nhiều khó khăn. Bởi ngoài diện tích rừng được hưởng hỗ trợ, các đơn vị này phải quản lý rất nhiều diện tích đất lâm nghiệp đã và đang có nguy cơ bị lấn chiếm”, ông Dần chia sẻ.

Lãnh đạo một công ty lâm nghiệp cho biết, có từng đó kinh phí QLBVR, nếu tuyển thêm người thì phải cân đối cho phù hợp. Nhưng tuyển nhân lực hiện rất khó, vì không mấy ai thích nghề này. Nhân lực thiếu và yếu nên “chủ rừng” đang dần thất thế trong cuộc chiến giữ rừng.

Từ năm 2010 đến đầu năm 2023, toàn quốc xảy ra 534 vụ chống người thi hành công vụ (chống đối lực lượng kiểm lâm, QLBVR). Các vụ việc làm 12 người chết, 452 người bị thương.

Nguồn: Bộ NN-PTNT

Lê Phước