TỔNG THUẬT: Tọa đàm 'Ổn định kinh tế vĩ mô và phát triển thị trường trái phiếu doanh nghiệp'
Chính sách - Ngày đăng : 17:31, 28/05/2023
Năm 2022 và những tháng đầu năm 2023, chúng ta đã cơ bản đạt được mục tiêu tổng quát đã đề ra: Giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng, bảo đảm các cân đối lớn, bảo đảm an sinh xã hội, củng cố quốc phòng, an ninh, an toàn, an dân, tăng cường đối ngoại và hội nhập. Trong điều kiện rất khó khăn, GDP quý I vẫn duy trì đà tăng trưởng. Những kết quả đạt được là rất đáng trân trọng trong bối cảnh trong và ngoài nước khó khăn, thách thức chưa từng có trong nhiều năm và khó khăn, thách thức nhiều hơn cơ hội và thuận lợi, nhiều vấn đề chưa từng có tiền lệ.
Dưới sự lãnh đạo của Đảng, sự đồng hành, giám sát của Quốc hội, với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự ủng hộ của người dân và doanh nghiệp, các chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ là xuyên suốt, đồng bộ, quyết liệt, kịp thời, phù hợp, thực chất, kiên định mục tiêu, nguyên tắc nhưng hết sức linh hoạt, bám sát thực tiễn, các diễn biến trong nước và thế giới, tạo những chuyển biến thực chất, cân đong đo đếm được trên các lĩnh vực được dư luận quan tâm thời gian qua, tạo chuyển biến bước đầu trong nhiều vấn đề tồn đọng, kéo dài nhiều năm; củng cố, tăng cường niềm tin xã hội, niềm tin thị trường bằng những giải pháp, chính sách, hành động cụ thể, hiệu quả để tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc cho người dân, doanh nghiệp.
Mặc dù tình hình còn không ít khó khăn, nhưng nhiều chính sách, giải pháp điều hành đang phát huy tác động tích cực. Bước sang tháng 4 và tháng 5, tình hình có nhiều khởi sắc, nhiều lĩnh vực chuyển biến tích cực, khởi sắc, như vốn FDI đăng ký mới trong tháng 5 đã bật tăng mạnh, Chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp (IIP) bước đầu có tín hiệu tốt trong tháng 4… Các tổ chức quốc tế uy tín tiếp tục đánh giá và dự báo tích cực về triển vọng kinh tế Việt Nam trong năm 2023 và thời gian tới.
Việc phát triển thị trường trái phiếu doanh nghiệp nhận được nhiều sự quan tâm trong thời gian qua, bởi thị trường này nắm giữ nguồn vốn rất lớn cho nền kinh tế. Mỗi biến động, dù là nhỏ của thị trường, cũng có tác động không nhỏ tới nền kinh tế và phát triển bền vững thị trường này cũng là kênh huy động vốn từ nhân dân cho nền kinh tế ngoài các kênh truyền thống, là việc quan trọng cần làm.
Nửa cuối năm 2022, thị trường trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ chứng kiến "cú sốc" tâm lý lan rộng khi nhà đầu tư thường xuyên thấy nhiều vụ việc bị các cơ quan chức năng xử lý. Niềm tin suy giảm kết hợp với thanh khoản dòng tiền trả nợ trái phiếu của nhiều doanh nghiệp gặp khó khăn đã khiến thị trường này gia tăng rủi ro.
Để hỗ trợ thị trường và doanh nghiệp vượt qua giai đoạn khó khăn, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và các cơ quan quản lý đã có nhiều quyết định quan trọng để ổn định thị trường, đưa thị trường hoạt động đúng khuôn khổ pháp luật, góp sức cho nền kinh tế và quan trọng là khơi dậy niềm tin của người dân với thị trường này để nó phát triển bền vững. Không chỉ hỗ trợ doanh nghiệp mà mục tiêu quan trọng hơn là giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, thúc đẩy tăng trưởng trong bối cảnh rất cần nguồn lực để phục hồi sau đại dịch. Mặc dù chưa phát triển như mong muốn nhưng thị trường cũng đã có những tín hiệu tích cực. Chặng đường phía trước còn dài, còn nhiều khó khăn, vướng mắc, thử thách phải vượt qua, đòi hỏi chúng ta phải nỗ lực hơn, quyết liệt hơn trong triển khai các biện pháp "phá băng" cho thị trường.
Để có thêm góc nhìn về vấn đề này, Cổng Thông tin điện tử Chính phủ tổ chức Tọa đàm trực tuyến với chủ đề "Ổn định kinh tế vĩ mô và Phát triển thị trường trái phiếu doanh nghiệp".
Tham dự toạ đàm có các vị khách mời:
1. Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương
2. Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Đức Chi
3. GS.TS. Hoàng Văn Cường, đại biểu Quốc hội, Phó Hiệu trưởng ĐH Kinh tế Quốc dân
4. PGS.TS. Vũ Minh Khương, Giảng viên Trường Chính sách công Lý Quang Diệu (trả lời trực tuyến từ Singapore)
TS. Nguyễn Sĩ Dũng, nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, điều phối nội dung Tọa đàm. Tọa đàm được TỔNG THUẬT trực tiếp trên Cổng TTĐT Chính phủ và các nền tảng của Cổng TTĐT Chính phủ.