Khi nào học sinh bị xếp loại hạnh kiểm trung bình?
Giáo dục - Đào tạo - Ngày đăng : 06:16, 28/05/2023
Hiện các trường THCS và THPT đang áp dụng 2 thông tư của Bộ GD-ĐT để căn cứ vào đó đánh giá, xếp loại học sinh.
Theo Thông tư số 58 của Bộ GD-ĐT năm 2011, hạnh kiểm học sinh được đánh giá, xếp loại: tốt, khá, trung bình, yếu. Còn theo Thông tư số 22 của Bộ GD-ĐT năm 2021, việc đánh giá xếp loại hạnh kiểm học sinh THCS, THPT được thay thế bằng đánh giá kết quả rèn luyện với 1 trong 4 mức: tốt, khá, đạt và chưa đạt.
Đánh giá, xếp loại hạnh kiểm theo Thông tư số 58
Căn cứ theo Điều 4 của Quy chế đánh giá, xếp loại học sinh THCS và THPT (ban hành kèm theo Thông tư 58), học sinh THCS và THPT được đánh giá, xếp loại hạnh kiểm dựa vào thái độ, hành vi đạo đức, ứng xử với mọi người, kết quả tham gia lao động, hoạt động tập thể…theo bốn loại: tốt, khá, trung bình và yếu.
Cụ thể Điều 4 về tiêu chuẩn xếp loại hạnh kiểm như sau:
1. Loại tốt:
a) Thực hiện nghiêm túc nội quy nhà trường; chấp hành tốt luật pháp, quy định về trật tự, an toàn xã hội, an toàn giao thông; tích cực tham gia đấu tranh với các hành động tiêu cực, phòng chống tội phạm, tệ nạn xã hội;
b) Luôn kính trọng thầy giáo, cô giáo, người lớn tuổi; thương yêu và giúp đỡ các em nhỏ tuổi; có ý thức xây dựng tập thể, đoàn kết, được các bạn tin yêu;
c) Tích cực rèn luyện phẩm chất đạo đức, có lối sống lành mạnh, giản dị, khiêm tốn; chăm lo giúp đỡ gia đình;
d) Hoàn thành đầy đủ nhiệm vụ học tập, có ý thức vươn lên, trung thực trong cuộc sống, trong học tập;
đ) Tích cực rèn luyện thân thể, giữ gìn vệ sinh và bảo vệ môi trường;
e) Tham gia đầy đủ các hoạt động giáo dục, các hoạt động do nhà trường tổ chức; tích cực tham gia các hoạt động của Đội Thiếu niên tiền phong Hồ Chí Minh, Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh;
g) Có thái độ và hành vi đúng đắn trong việc rèn luyện đạo đức, lối sống theo nội dung môn giáo dục công dân.
2. Loại khá:
Thực hiện được những quy định tại Khoản 1 Điều này nhưng chưa đạt đến mức độ của loại tốt; còn có thiếu sót nhưng kịp thời sửa chữa sau khi thầy giáo, cô giáo và các bạn góp ý.
3. Loại trung bình:
Có một số khuyết điểm trong việc thực hiện các quy định tại Khoản 1 Điều này nhưng mức độ chưa nghiêm trọng; sau khi được nhắc nhở, giáo dục đã tiếp thu, sửa chữa nhưng tiến bộ còn chậm.
4. Loại yếu:
Chưa đạt tiêu chuẩn xếp loại trung bình hoặc có một trong các khuyết điểm sau đây:
a) Có sai phạm với tính chất nghiêm trọng hoặc lặp lại nhiều lần trong việc thực hiện quy định tại Khoản 1 Điều này, được giáo dục nhưng chưa sửa chữa;
b) Vô lễ, xúc phạm nhân phẩm, danh dự, xâm phạm thân thể của giáo viên, nhân viên nhà trường; xúc phạm danh dự, nhân phẩm của bạn hoặc của người khác;
c) Gian lận trong học tập, kiểm tra, thi;
d) Đánh nhau, gây rối trật tự, trị an trong nhà trường hoặc ngoài xã hội; vi phạm an toàn giao thông; gây thiệt hại tài sản công, tài sản của người khác.
Không còn xếp loại hạnh kiểm học sinh theo Thông tư 2021
Tại Thông tư số 22 của Bộ GD-ĐT năm 2021, việc đánh giá xếp loại hạnh kiểm học sinh THCS, THPT được thay thế bằng đánh giá kết quả rèn luyện. Theo đó, giáo viên sẽ đánh giá kết quả rèn luyện căn cứ vào phẩm chất, năng lực chung, sự tiến bộ, ưu điểm, hạn chế trong quá trình rèn luyện và học tập môn học của học sinh.
Kết quả rèn luyện của học sinh trong từng kỳ học và cả năm được đánh giá theo 1 trong 4 mức: tốt, khá, đạt và chưa đạt.
Lộ trình áp dụng Thông tư 22 thế nào?
Có một điểm phụ huynh học sinh cần lưu ý Thông tư 22 (thông tư không xếp loại hạnh kiểm học sinh) này có hiệu lực từ ngày 5.9.2021 và thay thế Thông tư số 58 năm 2011 với lộ trình áp dụng như sau:
- Từ năm 2021-2022 đối với lớp 6.
- Từ năm 2022-2023 đối với lớp 7 và 10
- Từ năm 2023-2024 đối với lớp 8 và lớp 11
- Từ năm 2024-2025 đối với lớp 9 và 12
Như vậy, trong năm học này (2022-2023), học sinh lớp 11, 12 vẫn được xếp loại hạnh kiểm theo Thông tư số 58 nên vẫn có trường hợp học sinh bị xếp loại hạnh kiểm trung bình.
"Cực chẳng đã mới xếp loại học sinh hạnh kiểm trung bình"
Câu chuyện phụ huynh ở Đắk Nông đánh cô giáo vì con học trường THPT bị xếp loại hạnh kiểm trung bình gây bức xúc trong dư luận.
Trao đổi với phóng viên Báo Thanh Niên sáng 27/5, hiệu trưởng một trường THCS và THPT tại TP.HCM cho biết trong năm học vừa qua, nhà trường áp dụng cả Thông tư số 22 và 58. "Đa số học sinh được xếp loại hạnh kiểm tốt, khá cũng như kết quả rèn luyện đạt mức tốt và mức khá. Chỉ một số ít em là xếp loại hạnh kiểm trung bình hoặc kết quả rèn luyện mức đạt", hiệu trưởng cho biết.
Theo hiệu trưởng, trong trường hợp đánh giá xếp loại hạnh kiểm trung bình, giáo viên phải họp và nhà trường cũng cân nhắc rất nhiều, căn cứ kỹ lưỡng trong hướng dẫn, các thông tư của Bộ GD-ĐT mới đi đến kết quả xếp loại này.
"Đa số học sinh bị xếp loại hạnh kiểm trung bình đã vi phạm kỷ luật, phạm lỗi nhiều lần, có nhắc nhở nhưng chưa thay đổi hoặc vi phạm kỷ luật ở cuối học kỳ 2, không còn nhiều thời gian trong năm học để ghi nhận quá trình khắc phục, thay đổi… Và phần lớn lại rơi vào trường hợp học sinh có cha mẹ bỏ bê con cái, phụ huynh cũng cư xử thiếu chuẩn mực, giáo dục từ phía gia đình chưa tốt", hiệu trưởng này cho hay.
Thông tư số 22 của Bộ GD-ĐT năm 2021 hướng dẫn đánh giá kết quả rèn luyện của học sinh như thế nào?
Điều 8. Đánh giá kết quả rèn luyện của học sinh
1. Căn cứ và tổ chức đánh giá kết quả rèn luyện của học sinh
a) Đánh giá kết quả rèn luyện của học sinh căn cứ vào yêu cầu cần đạt về phẩm chất chủ yếu và năng lực chung theo các mức độ phù hợp với môn học, cấp học quy định trong chương trình tổng thể và yêu cầu cần đạt về năng lực đặc thù quy định trong chương trình môn học chương trình Giáo dục phổ thông (GDPT).
b) Giáo viên môn học căn cứ quy định tại điểm a khoản này nhận xét, đánh giá kết quả rèn luyện, sự tiến bộ, ưu điểm nổi bật, hạn chế chủ yếu của học sinh trong quá trình rèn luyện và học tập môn học.
c) Giáo viên chủ nhiệm căn cứ quy định tại điểm a khoản này theo dõi quá trình rèn luyện và học tập của học sinh; tham khảo nhận xét, đánh giá của giáo viên môn học, thông tin phản hồi của cha mẹ học sinh, các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan trong quá trình giáo dục học sinh; hướng dẫn học sinh tự nhận xét; trên cơ sở đó nhận xét, đánh giá kết quả rèn luyện của học sinh theo các mức quy định tại khoản 2 Điều này.
2. Kết quả rèn luyện của học sinh trong từng học kỳ và cả năm học
Kết quả rèn luyện của học sinh trong từng học kỳ và cả năm học được đánh giá theo 1 trong 4 mức: tốt, khá, đạt, chưa đạt.
a) Kết quả rèn luyện của học sinh trong từng học kỳ
- Mức tốt: Đáp ứng tốt yêu cầu cần đạt về phẩm chất được quy định trong chương trình GDPT và có nhiều biểu hiện nổi bật.
- Mức khá: Đáp ứng yêu cầu cần đạt về phẩm chất được quy định trong chương trình GDPT và có biểu hiện nổi bật nhưng chưa đạt được mức tốt.
- Mức đạt: Đáp ứng yêu cầu cần đạt về phẩm chất được quy định trong chương trình GDPT.
- Mức chưa đạt: Chưa đáp ứng được yêu cầu cần đạt về phẩm chất được quy định trong chương trình GDPT.
b) Kết quả rèn luyện của học sinh cả năm học
- Mức tốt: học kỳ 2 được đánh giá mức tốt, học kỳ 1 được đánh giá từ mức khá trở lên.
- Mức khá: học kỳ 2 được đánh giá mức khá, học kỳ 1 được đánh giá từ mức đạt trở lên; học kỳ 2 được đánh giá mức đạt, học kỳ 1 được đánh giá mức tốt; học kỳ 2 được đánh giá mức tốt, học kỳ 1 được đánh giá mức đạt hoặc chưa đạt.
- Mức đạt: học kỳ 2 được đánh giá mức đạt, học kỳ 1 được đánh giá mức khá, đạt hoặc chưa đạt; học kỳ 2 được đánh giá mức khá, học kỳ 1 được đánh giá mức chưa đạt.
- Mức chưa đạt: Các trường hợp còn lại.