TOÀN VĂN: Dự thảo Thông tư quy định Chuẩn cơ sở giáo dục đại học

Chính sách - Ngày đăng : 17:38, 27/05/2023

Cổng TTĐT Chính phủ giới thiệu toàn văn dự thảo Thông tư quy định Chuẩn cơ sở giáo dục đại học của Bộ Giáo dục và Đào tạo.

THÔNG TƯ

Quy định Chuẩn cơ sở giáo dục đại học

 Điều 1. Phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng

1. Thông tư này quy định Chuẩn cơ sở giáo dục đại học (sau đây gọi tắt là Chuẩn) bao gồm: ban hành, áp dụng, đánh giá và báo cáo thực hiện Chuẩn.

2. Thông tư này áp dụng đối với các cơ sở giáo dục đại học, cơ sở giáo dục khác được phép đào tạo các trình độ của giáo dục đại học (sau đây gọi chung là cơ sở đào tạo) và các tổ chức, cá nhân có liên quan.

Điều 2. Giải thích từ ngữ

Trong Thông tư này, các từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:

1. Chiến lược là một bản kế hoạch phát triển của một cơ sở đào tạo nhằm thực hiện tốt sứ mạng của mình trong một giai đoạn trung hạn hoặc dài hạn, trong đó thể hiện các lựa chọn ưu tiên về mục tiêu, hành động và nguồn lực để giành lợi thế cạnh tranh bền vững.

2. Chuẩn cơ sở giáo dục đại học là bộ tiêu chuẩn quy định các yêu cầu tối thiểu về điều kiện bảo đảm chất lượng hoặc kết quả hoạt động mà một cơ sở đào tạo phải đáp ứng nhằm bảo đảm quyền lợi và giảm thiểu rủi ro đối với các bên có lợi ích liên quan.

3. Tiêu chuẩn bao gồm những yêu cầu tối thiểu trong một lĩnh vực mà cơ sở đào tạo phải đáp ứng, được đánh giá theo các tiêu chí và chỉ số tương ứng.

4. Sinh viên bao gồm sinh viên đại học, học viên các chương trình đào tạo thạc sĩ (và trình độ tương đương) và nghiên cứu sinh các chương trình đào tạo tiến sĩ (và trình độ tương đương) đang học tập, nghiên cứu tại cơ sở đào tạo.

5. Giảng viên toàn thời gian bao gồm giảng viên cơ hữu và giảng viên ký hợp đồng lao động xác định thời hạn đủ 12 tháng trong năm với chế độ làm việc toàn thời gian tại cơ sở đào tạo, trong thời gian đó không ký hợp đồng lao động với đơn vị sử dụng lao động khác.

6. Diện tích đất là tổng diện tích đất cơ sở đào tạo được cấp quyền sử dụng hoặc thuê lâu dài tại địa phương phục vụ mục đích giáo dục, đào tạo.

7. Diện tích sàn xây dựng phục vụ đào tạo và nghiên cứu là tổng diện tích sàn xây dựng của các hạng mục công trình thuộc quyền sở hữu của cơ sở đào tạo phục vụ các hoạt động quản lý hành chính, đào tạo và nghiên cứu, bao gồm: khu vực hành chính, giảng đường, phòng học các loại, thư viện, trung tâm học liệu, phòng thí nghiệm, phòng thực hành, thực tập, nhà tập đa năng, phòng làm việc của giảng viên và học viên sau đại học, không tính những diện tích công trình dịch vụ sinh hoạt (nhà ăn, ký túc xá) hoặc dịch vụ kinh doanh, cho thuê.

8. Trường chuyên ngành đặc thù là những trường đại học, học viện đào tạo chuyên sâu các ngành thuộc lĩnh vực nghệ thuật, nhóm ngành ngôn ngữ, văn học và văn hóa nước ngoài, nhóm ngành thể dục, thể thao và các ngành đào tạo giáo viên tương ứng với quy mô đào tạo các ngành này chiếm hơn 80% tổng quy mô của cả cơ sở đào tạo.

9. HEMIS là hệ thống thông tin quản lý giáo dục đại học của Bộ Giáo dục và Đào tạo, trong đó có cơ sở dữ liệu quốc gia về giáo dục đại học.

10. Đạt chuẩn là việc một cơ sở đào tạo hoặc phân hiệu của một cơ sở giáo dục đại học đáp ứng đầy đủ các tiêu chuẩn, tiêu chí của Chuẩn theo kết quả đánh giá hằng năm.

11. Không đạt chuẩn là việc một cơ sở đào tạo hoặc phân hiệu của một cơ sở giáo dục đại học không đáp ứng đầy đủ các tiêu chuẩn, tiêu chí của Chuẩn theo kết quả đánh giá của năm báo cáo.

Điều 3. Mục đích sử dụng Chuẩn

Chuẩn cơ sở giáo dục đại học được sử dụng làm cơ sở:

1. Thực hiện quy hoạch, sắp xếp mạng lưới cơ sở giáo dục đại học và đầu tư phát triển hệ thống giáo dục đại học theo quy định của pháp luật.

2. Xem xét, thẩm định và giám sát các điều kiện cho phép hoạt động đào tạo, đình chỉ hoạt động đào tạo đối với các cơ sở đào tạo và phân hiệu của các cơ sở giáo dục đại học theo quy định của Chính phủ.

3. Xác định các điều kiện bảo đảm chất lượng và các biện pháp cải tiến chất lượng giáo dục của cơ sở đào tạo.

4. Thực hiện trách nhiệm giải trình, công khai, minh bạch thông tin của cơ sở đào tạo đối với người học, xã hội và cơ quan quản lý nhà nước theo quy định của Chính phủ.

5. Xem xét, kiểm tra, giám sát các điều kiện, tiêu chí về mở ngành, duy trì hoạt động ngành đào tạo, xác định chỉ tiêu tuyển sinh và tổ chức tuyển sinh đối với cơ sở đào tạo.

Điều 4. Ban hành và áp dụng Chuẩn cơ sở giáo dục đại học

1. Ban hành kèm theo Thông tư này Chuẩn cơ sở giáo dục đại học gồm 6 tiêu chuẩn và 26 tiêu chí tại Phụ lục I; Hướng dẫn xác định các chỉ số của Chuẩn tại Phụ lục II.

2. Căn cứ tình hình thực tiễn, Bộ Giáo dục và Đào tạo định kỳ tổ chức rà soát, cập nhật, điều chỉnh Chuẩn cơ sở giáo dục đại học để đáp ứng yêu cầu phát triển hệ thống giáo dục đại học trong từng giai đoạn.

3. Chuẩn được áp dụng với đầy đủ tiêu chuẩn, tiêu chí liên quan tới từng mục đích sử dụng, trừ các trường hợp sau được áp dụng một phần:

a) Đối với các cơ sở mới thành lập, chưa thực hiện tuyển sinh: Áp dụng các tiêu chuẩn 1, 2 và 3, trừ các tiêu chí 1.4, 2.4, 2.5 và 3.6, trong đó số liệu về quy mô tuyển sinh và đào tạo là dự kiến;

b) Đối với các cơ sở đào tạo thuộc Bộ Quốc phòng, Bộ Công an và các cơ sở đào tạo không phải là cơ sở giáo dục đại học: Không áp dụng Tiêu chí 1.1 của Tiêu chuẩn 1;

c) Đối với phân hiệu của một cơ sở giáo dục đại học: Chỉ áp dụng các tiêu chuẩn 2 và 3.

  Điều 5. Đánh giá và báo cáo thực hiện Chuẩn

1. Hằng năm, cơ sở đào tạo tiến hành đánh giá theo các tiêu chuẩn, tiêu chí và lập báo cáo thực hiện Chuẩn cho năm trước liền kề (năm báo cáo) theo mẫu tại Phụ lục III, hoàn thành gửi Bộ Giáo dục và Đào tạo trước ngày 30/04. Báo cáo thực hiện Chuẩn phải được lập riêng cho phân hiệu không nằm trong tỉnh, thành phố giáp ranh với tỉnh, thành phố nơi đặt trụ sở chính. Thời điểm lấy số liệu thống kê là ngày 31/12 của năm báo cáo.

2. Căn cứ yêu cầu quản lý, Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức đánh giá độc lập hoặc thẩm định báo cáo thực hiện Chuẩn đối với một số cơ sở đào tạo, yêu cầu cơ sở đào tạo giải trình đối với những nội dung chưa đầy đủ, chưa chính xác. Cơ sở đào tạo có trách nhiệm chỉnh sửa, gửi lại Bộ Giáo dục và Đào tạo báo cáo chỉnh sửa.

3. Trước ngày 30/6 hằng năm:

a) Cơ sở đào tạo công bố báo cáo thực hiện Chuẩn trên trang thông tin điện tử và đưa các kết quả đánh giá các tiêu chuẩn, tiêu chí vào báo cáo thường niên của của cơ sở đào tạo, đồng thời cập nhật thông tin trên HEMIS.

b) Cơ sở đào tạo không đạt chuẩn hoặc cơ sở đào tạo có phân hiệu không đạt chuẩn phải xây dựng kế hoạch khắc phục có xác nhận của cơ quan quản lý trực tiếp và báo cáo về Bộ Giáo dục và Đào tạo.

4. Việc áp dụng các biện pháp xử lý đối với cơ sở đào tạo không đạt chuẩn, phân hiệu không đạt chuẩn thực hiện theo quy định của pháp luật liên quan.

5. Hiệu trưởng, giám đốc cơ sở đào tạo chịu trách nhiệm về tính đầy đủ, chính xác và nhất quán của thông tin, số liệu thống kê, về thời hạn hoàn thành và chất lượng báo cáo đánh giá thực hiện Chuẩn.

Điều 6. Điều khoản thi hành

1. Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày      tháng     năm 2023.

2. Bãi bỏ Thông tư số 24/2015/TT-BGDĐT ngày 23  tháng 9 năm 2015 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành Thông tư quy định quy định chuẩn quốc gia đối với cơ sở giáo dục đại học.

3. Chánh Văn phòng, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học, thủ trưởng các đơn vị có liên quan thuộc Bộ Giáo dục và Đào tạo; hiệu trưởng, giám đốc cơ sở đào tạo, người đứng đầu các tổ chức và cá nhân liên quan khác chịu trách nhiệm thi hành Thông tư này./.

PHỤ LỤC I: CHUẨN CƠ SỞ GIÁO DỤC ĐẠI HỌC

Tiêu chuẩn 1: Tổ chức và quản trị

Cơ sở đào tạo có tổ chức bộ máy ổn định, hệ thống quản trị hiệu quả, minh bạch.

Tiêu chí 1.1.Các vị trí lãnh đạo chủ chốt (chủ tịch hội đồng trường/hội đồng đại học và hiệu trưởng/giám đốc) được kiện toàn kịp thời, tổng thời gian trống các vị trí không quá 12 tháng.

Tiêu chí 1.2. Hệ thống văn bản quy chế, quy định nội bộ đã được ban hành đầy đủ theo quy định của Luật Giáo dục Đại học.

Tiêu chí 1.3. Chiến lược phát triển của nhà trường được ban hành, triển khai và giám sát qua các chỉ số chính, trong đó ít nhất 3/4 số chỉ số được cải thiện hằng năm.

Tiêu chí 1.4. Hệ thống thông tin quản lý có đầy đủ dữ liệu về người học, giảng viên và cơ sở vật chất phục vụ đào tạo, đồng thời cập nhật đầy đủ dữ liệu trên hệ thống HEMIS.

Tiêu chuẩn 2: Giảng viên

Cơ sở đào tạo có đội ngũ giảng viên đáp ứng yêu cầu về số lượng, trình độ và năng lực, gắn bó với nhà trường để bảo đảm chất lượng giảng dạy và nghiên cứu.

Tiêu chí 2.1. Tỉ lệ sinh viên quy chuẩn theo trình độ, lĩnh vực và hình thức đào tạo trên giảng viên toàn thời gian không vượt quá 40.

Tiêu chí 2.2. Tỉ lệ giảng viên cơ hữu trong độ tuổi lao động, tính trên số giảng viên toàn thời gian, không thấp hơn 80%.

Tiêu chí 2.3. Tỉ lệ giảng viên có trình độ tiến sĩ, tính trên số giảng viên toàn thời gian:

a) Đạt trên 20% và từ năm 2025 đạt trên 25% đối với cơ sở đào tạo không đào tạo tiến sĩ; trên 10% riêng đối với các trường chuyên ngành đặc thù;

b) Đạt trên 40% và từ năm 2025 đạt trên 50% đối với cơ sở đào tạo có đào tạo tiến sĩ; trên 20% riêng đối với các trường chuyên sâu nghệ thuật hoặc thể dục, thể thao có đào tạo tiến sĩ.

Tiêu chí 2.4. Tỉ lệ giảng viên toàn thời gian có trình độ tiến sĩ thôi việc, chuyển công tác trong một năm, tính trên tổng số giảng viên toàn thời gian, không quá 5%.

Tiêu chí 2.5. Tỉ lệ sinh viên hài lòng với giảng viên về chất lượng và hiệu quả giảng dạy đạt trên 70%.

Tiêu chuẩn 3: Điều kiện dạy và học

Cơ sở đào tạo có hạ tầng khuôn viên, cơ sở vật chất, chương trình đào tạo, hệ thống thông tin và học liệu đáp ứng yêu cầu bảo đảm chất lượng dạy và học.

Tiêu chí 3.1. Diện tích đất trên một sinh viên chính quy, quy chuẩn theo trình độ, lĩnh vực đào tạo và vị trí khuôn viên, không nhỏ hơn 25 mét vuông đối với cơ sở đào tạo và phân hiệu (nếu có).

Tiêu chí 3.2. Diện tích sàn xây dựng trực tiếp phục vụ đào tạo và nghiên cứu trên một sinh viên chính quy, quy chuẩn theo trình độ và lĩnh vực đào tạo, không nhỏ hơn 5 mét vuông.

Tiêu chí 3.3. Tất cả chương trình đào tạo, trừ các chương trình đào tạo do cơ sở đào tạo nước ngoài cấp bằng, được rà soát, cập nhật và đánh giá đạt chuẩn chương trình đào tạo.

Tiêu chí 3.4. Số đầu sách giáo trình, tài liệu học tập bắt buộc tính bình quân trên một ngành đào tạo ở các trình độ đào tạo không nhỏ hơn 50; số bản sách giáo trình, tài liệu học tập bắt buộc tính bình quân trên một sinh viên, quy chuẩn theo trình độ đào tạo, không nhỏ hơn 5.

Tiêu chí 3.5. Số máy tính cá nhân phục vụ học tập tính trên một ngàn sinh viên không nhỏ hơn 50, tốc độ đường truyền Internet trên một ngàn sinh viên đạt tối thiểu 100Mbps.

Tiêu chí 3.6. Tỉ lệ sinh viên hài lòng về điều kiện dạy và học của cơ sở đào tạo đạt trên 70%.

Tiêu chuẩn 4: Tài chính

Cơ sở đào tạo duy trì được cân đối tài chính và hiệu quả hoạt động để phát triển bền vững, giảm thiểu rủi ro cho người học và các bên có lợi ích liên quan.

Tiêu chí 4.1. Hệ số dự trữ cơ bản, được xác định bằng giá trị tài sản ròng chi tiêu được chia cho tổng chi hoạt động trong năm và nợ đầu tư dài hạn, không thấp hơn 20%.

Tiêu chí 4.2. Biên độ hoạt động, được xác định bằng tỉ lệ chênh lệch thu chi trên tổng thu, tính trung bình của 3 năm gần nhất và áp dụng đối với cơ sở đào tạo đã hoạt động từ 10 năm trở lên, nằm trong phạm vi từ 0% đến 25%.

Tiêu chí 4.3. Hệ số biến động tài sản ròng, tính trung bình của 3 năm gần nhất và áp dụng đối với cơ sở đào tạo đã hoạt động từ 10 năm trở lên, không thấp hơn 2%.

Tiêu chí 4.4. Chỉ số tăng trưởng bền vững, được xác định từ tăng trưởng tổng thu và tăng trưởng nguồn thu ngoài học phí, tính trung bình của 3 năm gần nhất, không thấp hơn 2%.

Tiêu chuẩn 5: Tuyển sinh và đào tạo

Cơ sở đào tạo phải chứng tỏ uy tín, chất lượng và hiệu quả đào tạo qua sự lựa chọn, sự tiến bộ và thành công của người học

Tiêu chí 5.1. Số nhập học mới đạt trên 50% so với chỉ tiêu theo kế hoạch tuyển sinh, đồng thời hệ số biến động nhập học trung bình của 3 năm gần nhất không thấp hơn -10%.

Tiêu chí 5.2. Tỉ lệ thôi học, được xác định bằng tỉ lệ sinh viên thôi học tại trường hằng năm mà chưa tốt nghiệp, không quá 10% đối với toàn cơ sở đào tạo và 15% đối với sinh viên sau năm thứ nhất.

Tiêu chí 5.3. Tỉ lệ tốt nghiệp, được xác định bằng tỉ lệ sinh viên tốt nghiệp trong khung thời gian không vượt quá 1,5 thời gian theo kế hoạch học tập chuẩn, không thấp hơn 70% trong đó tỉ lệ tốt nghiệp đúng hạn không thấp hơn 50%.

Tiêu chí 5.4. Tỉ lệ có việc làm, được xác định bằng tỉ lệ sinh viên tốt nghiệp đại học có việc làm, tự tạo việc làm phù hợp với trình độ đào tạo hoặc học tiếp trình độ cao hơn trong thời gian 12 tháng (18 tháng đối với ngành Y khoa), không thấp hơn 70%.

Tiêu chí 5.5. Tỉ lệ sinh viên tốt nghiệp hài lòng với tổng thể quá trình học tập và trải nghiệm tại trường, đạt trên 70%.

Tiêu chuẩn 6: Nghiên cứu và đổi mới sáng tạo

Cơ sở đào tạo phải chứng tỏ năng lực nghiên cứu và đổi mới sáng tạo, thể hiện qua nguồn thu khoa học - công nghệ và khả năng công bố khoa học.

Tiêu chí 6.1. Tỉ trọng thu từ hoạt động khoa học - công nghệ trên tổng thu, tính trung bình trong 3 năm gần nhất, đạt tối thiểu 5%, đối với cơ sở đào tạo có đào tạo tiến sĩ phải đạt tối thiểu 10%.

Tiêu chí  6.2. Số lượng công bố khoa học tính trung bình trên một giảng viên toàn thời gian đạt tối thiểu 0,3 bài/năm, đối với cơ sở đào tạo có đào tạo tiến sĩ (không phải trường chuyên ngành đặc thù) chỉ tính các bài có trong danh mục Web of Science (WoS) hoặc Scopus.