Chính trị

'Có không ít cán bộ đang học tập vì bằng cấp, để chuẩn hóa chức danh'

Đình Huy 27/05/2023 07:19

Tại diễn đàn "Tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh - Những giá trị trong xây dựng đội ngũ cán bộ công chức trẻ giai đoạn hiện nay", TS Nguyễn Thu Huyền cho rằng, cần phê bình, sửa chữa những cán bộ đang học tập vì bằng cấp, để chuẩn hóa chức danh.

Sáng 25/5, tại Hà Nội, Đoàn TNCS Hồ Chí Minh Khối Các cơ quan T.Ư tổ chức diễn đàn "Tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh - Những giá trị trong xây dựng đội ngũ cán bộ công chức trẻ giai đoạn hiện nay" nhân dịp kỷ niệm 133 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh.

dh68431-16849961159821881967786.jpg
75 thanh niên tiên tiến báo công dâng Bác sáng 25.5

Tham dự diễn đàn có lãnh đạo Đảng ủy Khối Các cơ quan T.Ư và 75 đại biểu là những đoàn viên, thanh niên xuất sắc ở các cơ quan tham mưu của Đảng, Chính phủ, Quốc hội, các cơ quan nghiên cứu khoa học, báo chí, các đoàn thể ở T.Ư.

Tại diễn đàn, ông Nguyễn Quang Trường, Phó Bí thư Đảng ủy Khối Các cơ quan T.Ư, chia sẻ Chủ tịch Hồ Chí Minh là lãnh tụ thiên tài của Đảng, Nhà nước và Nhân dân ta, người thầy vĩ đại của cách mạng, anh hùng giải phóng dân tộc, nhà văn hóa kiệt xuất của Việt Nam.

dh68450-16849961160331106906410.jpg
Toàn cảnh diễn đàn

"Người từng căn dặn: bồi dưỡng thế hệ cách mạng cho đời sau là việc làm cần thiết và "cần phải chăm lo giáo dục đạo đức cách mạng cho thanh niên, đào tạo họ trở thành những người kế thừa xây dựng chủ nghĩa xã hội vừa hồng vừa chuyên. Những lời dạy của Người đến nay vẫn còn nguyên giá trị. Những mong muốn của Người vẫn luôn là động lực phấn đấu và hành động của mỗi chúng ta", ông Trường nhấn mạnh.

Cũng tại diễn đàn, PGS TS Nguyễn Viết Thảo, giảng viên cao cấp, nguyên Phó giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, nhắc lại những câu nói, những quan điểm mang tính căn cơ, chiến lược về công tác chăm lo cho cán bộ trẻ mà Chủ tịch Hồ Chí Minh đã để lại cho toàn Đảng, toàn dân trước lúc đi xa.

dh68466-1684996116037753461492.jpg
PGS - TS Nguyễn Viết Thảo, giảng viên cao cấp, nguyên Phó giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh

PGS - TS Nguyễn Viết Thảo cho biết, Bác đặc biệt chú trọng đến thế hệ trẻ, cán bộ trẻ, tuổi trẻ cả nước. Bác viết trong di chúc: "Đào tạo, bồi dưỡng thế hệ cách mạng cho đời sau là một việc làm rất quan trọng và cần thiết". Thế hệ cách mạng cho đời sau chính là đội ngũ đoàn viên thanh niên, những người còn trẻ hiện nay.

"Đối với tuổi trẻ nói chung, Bác căn dặn, mong muốn nhiều điều. Bác khuyên tuổi trẻ không ngừng học tập. Chính vì vậy, để hoàn thành tốt nhiệm vụ, chúng ta cần rèn giũa, rèn luyện, dấn thân trong từng hoàn cảnh, học tập suốt đời để không ngừng nâng cao tri thức, nhận thức, trí tuệ của mình", PSG - TS Nguyễn Viết Thảo nhấn mạnh.

Theo PSG - TS Nguyễn Viết Thảo, ngoài việc phấn đấu, rèn luyện, Chủ tịch Hồ Chí Minh khuyên thế hệ trẻ cần phải biết hy sinh. Cán bộ trẻ phải đặt ra câu hỏi "mình đã làm gì cho Tổ quốc, cách mạng" chứ đừng đặt câu hỏi "Tổ quốc, cách mạng đã dành được gì cho mình".

Tại diễn đàn, TS Nguyễn Thu Huyền, giảng viên Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, đã trình bày ý kiến về chủ đề "học tập" của cán bộ trong tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.

Theo TS Nguyễn Thu Huyền, từ lời căn dặn của Chủ tịch Hồ Chí Minh, mục đích trước hết của việc học là "học để làm việc", có nghĩa là học tập để nâng cao trình độ, có khả năng, kỹ năng giải quyết vấn đề trong thực tiễn. Mục đích của việc học tập không phải để vượt qua các kỳ thi hay kỳ kiểm tra hay đơn giản là để lấy bằng cấp.

dh68499-1684996116083434901293.jpg
TS Nguyễn Thu Huyền

"Đối với các cán bộ giảng dạy, bản thân tôi luôn đề cao tinh thần học tập kỷ luật, trung thực, học thật, làm thật và có tinh thần cầu tiến bộ. Công việc học tập cũng là công việc đầu tiên và suốt đời của người cán bộ làm công tác giảng dạy", TS Nguyễn Thu Huyền nói.

Nữ giảng viên Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh chia sẻ, mục đích thứ hai của việc học tập là "học để làm người" bởi không phải cứ sinh ra là chúng ta nghiễm nhiên làm người với một ý nghĩa đầy đủ nhất. Chúng ta cần học rất nhiều, đơn giản nhất là kỹ năng, nhu cầu tự thân của con người như ăn, ngủ, nói... Và "học để làm người" là mục đích cao cả nhất và mục đích khó nhất mà mỗi người phải đạt được.

Mục đích thứ ba là "học để làm cán bộ", nhìn vào đây có thể thấy để làm cán bộ, chúng ta phải biết làm việc, biết làm người. Biết làm việc thể hiện phải có trình độ, chuyên môn, biết làm người thì phải có phẩm chất, đạo đức.

"Vì vậy, chúng tôi luôn xác định việc học tập vừa là quyền lợi, vừa là nghĩa vụ bắt buộc và cũng phải trở thành nề nếp, quy chế, chế độ và thành nhu cầu tự thân. Thực tiễn hiện nay cho thấy có không ít cán bộ đang học tập vì bằng cấp, học tập để tiêu chuẩn hóa chức danh. Tất cả điều này đều trái với mục đích của Chủ tịch Hồ Chí Minh, cần phê bình và sửa chữa", TS Nguyễn Thu Huyền nhấn mạnh.

Đình Huy