Mùa hè của trẻ em dân tộc thiểu số
Khi tiếng ve râm ran gọi hè cũng là lúc các em học sinh tạm chia tay thầy cô, bạn bè, mái trường mến yêu để nghỉ ngơi, vui chơi sau những tháng ngày miệt mài đèn sách. Nhưng với trẻ em vùng nông thôn, nhất là trẻ em đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS), đây là thời gian các em làm thêm việc nhà, lên nương rẫy phụ giúp gia đình…
Hè bên gia đình, trên nương rẫy...
Ở các vùng nông thôn, thu nhập của người dân chủ yếu dựa vào sản xuất nông nghiệp, nên việc các em được đến trường học chữ đã là sự nỗ lực, cố gắng của gia đình. Dù còn bé, nhưng quen sống với hoàn cảnh thực tại nên các em đã biết trông em, nấu cơm, lấy nước, chăn trâu, bò... Lớn hơn chút nữa, các em lại lên nương, cầm cuốc, gieo hạt làm rẫy nên việc phụ giúp gia đình trở nên quen thuộc với trẻ em DTTS.
Mới chớm hè, chúng tôi có dịp đến thôn 15, xã Đắk D'rông (Cư Jút), một thôn có đông đồng bào DTTS sinh sống. Tại đây không khó để gặp cảnh các em phụ bố mẹ trông em, quét nhà, rửa chén bát hoặc tụ tập, quân quầy bên nhà văn hóa thôn để bắn bi, đá bóng, chơi đánh quay...
Dắt cặp dê bên vệ đường, em Sùng Thị Mai, dân tộc Mông (13 tuổi), tay đưa chiếc liềm thoăn thoát cắt cành mít, cành cây gòng, mồ hôi chảy nhễ nhại. Gạt những giọt mồ hôi ngày hè nắng nóng, Mai nói: “Bố mẹ em đi làm công thuê nên em ở nhà đi chăn dê, lấy lá cho dê ăn. Không chỉ nghỉ hè mà kể cả lúc đi học em vẫn thường phụ giúp gia đình cắt cỏ hoặc ở nhà trông em để bố mẹ kiếm ít tiền dành dụm, trang trải cho năm học tiếp theo”.
Cũng giống như Mai, ngày hè của em Hoàng Thị Lan, dân tộc Nùng là những ngày theo bố mẹ lên rẫy tra hạt, làm cỏ hoa màu vụ hè thu. Nhà có 4 anh chị em đều đang ở tuổi chơi nhưng cả 4 chị em Lan đều không có bất cứ đồ chơi hay quyển sách, truyện nào. “Mỗi lần xem ti vi thấy các bạn cùng trang lứa được bố mẹ cho đi du lịch, được học các lớp năng khiếu hè, tập bơi ở những công viên với làn nước trong mát, em chỉ ước được như các bạn ấy", Lan tâm sự.
Dọc đường từ xã Đắk D'rông đi qua các thôn 7, 9, 10, xã Cư K'nia về trung tâm huyện, nơi sinh sống của hơn 90% đồng bào dân tộc Mông, điều kiện kinh tế khó khăn, chúng tôi chứng kiến nhiều em nhỏ ngồi một mình ở sạp chợ phiên hoặc quây quần, quấn quýt các ông, các bà. Ghé vào một sạp xoài, trò chuyện cùng em Sùng A Dơ (14 tuổi), được biết hiện nay đang là mùa xoài, vào kỳ nghỉ hè mẹ em thường nhập xoài cho em ngồi bán để tránh chơi nắng hay ra ao, suối tắm. Sau mỗi buổi bán xoài, em còn phải về nhà phụ bố mẹ nấu cơm, lặt rau để gia đình kịp bữa ăn.
Không riêng gì ở Cư Jút, tại các huyện như Đắk Glong, Tuy Đức, Krông Nô, Đắk Song... có rất nhiều em học sinh DTTS như M'nông, Ê đê, Tày, Nùng, Dao... phải phụ giúp gia đình trong dịp hè. Thấy người lạ đến hỏi chuyện, các em không được dạn như trẻ ở khu vực đô thị mà nhìn nhau cười tủm tỉm, lí nhí vài tiếng mẹ đẻ rồi chạy, nấp vào những ngôi nhà gần đó.
Bên cạnh đó, ngoài giúp gia đình việc nhà, những lúc rảnh rỗi, nhiều em đồng bào dân tộc M'nông tranh thủ học các bà, các ông đan gùi, dệt thổ cẩm để giữ gìn nghề truyền thống của dân tộc mình.
Vất vả, lấm lem bùn đất nhưng mùa hè của trẻ ở các vùng DTTS lại có những thú vị riêng với những điều chân thật nhất từ cuộc sống đời thường.
Thiếu sân chơi lành mạnh
Với trẻ em thành thị, mỗi khi mùa hè đến, các em được gia đình tạo điều kiện tham gia các lớp năng khiếu, các câu lạc bộ hay được đi tham quan du lịch… Nhưng các em DTTS còn thiếu những sân chơi bổ ích, lành mạnh.
Một thực tế cho thấy, trẻ em vùng cao trong thời gian hè thiếu khá nhiều sân chơi. Nguyên nhân là do nhiều địa phương còn gặp nhiều khó khăn về sân bãi, cơ sở vật chất và kinh phí. Vì vậy, khi các em học sinh trở về thôn, buôn, bon để nghỉ hè thì sân chơi đối với các em thật xa lạ.
Tại xã Đắk R'măng (Đắk Glong), nhiều học sinh các trường bán trú khi trở về địa phương và gia đình nghỉ hè, ngoài việc phụ giúp bố mẹ thì phần lớn các em không có sân chơi thể thao hay giải trí nào khác. Ở đây, nhiều trẻ em chân đất chơi với nhau ở những bụi chuối, leo trèo ở chuồng trâu hoặc ngồi nghịch đất gần nhà. Nhiều em còn chơi những trò chơi tự phát không an toàn, có nguy cơ tai nạn thương tích.
Tắm suối, ao, hồ cũng là một thú vui của trẻ em vùng nông thôn mỗi dịp hè về. Mặc dù không có điều kiện đến với các lớp dạy bơi như trẻ em thành thị, nhưng do bản năng, nhiều em đều biết bơi từ rất sớm. Các em tập bơi với những vật dụng như cây chuối, các thanh lồ ô, thùng nước… Bọn trẻ cứ thế bám vào và đạp nước, mãi như vậy rồi cũng tự biết bơi.
Tuy vậy, vẫn còn những mối nguy cơ đuối nước luôn rình rập với các em. Một phần là do không có sự quan tâm, giám sát của người lớn, cùng với đó là do các em chưa có đủ nhận thức, chỉ hành động theo sở thích, chưa có đủ kỹ năng để xử lý tình huống khi gặp tai nạn dẫn đến những hệ lụy đáng tiếc.
Em Y Thanh (12 tuổi), xã Đức Xuyên (Krông Nô) cho biết: “Chiều nào, em và các bạn trong xóm cũng chơi đá cầu, nhảy dây hoặc đi tắm sông. Bọn em cũng muốn có nhiều khu vui chơi giống như các bạn ở vùng trung tâm, thành thị có nhiều đồ chơi, nhiều trò chơi để em và các bạn trong thôn cùng chơi. Ở huyện cũng có khu vui chơi, nhưng rất xa nhà, nên lâu lâu em mới có cơ hội được bố mẹ chở đến đó”.
Cần sự chung tay góp sức
Thực tế cho thấy những năm qua, mặc dù các cấp, ngành, tổ chức, đoàn thể có nhiều nỗ lực, cố gắng để tạo thêm sân chơi cho trẻ em trong dịp hè, nhất là tại vùng DTTS. Tuy nhiên, việc thực hiện công tác chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em vẫn còn nhiều hạn chế.
Sự đầu tư các thiết chế văn hóa, vui chơi giải trí cho trẻ em chưa đầy đủ và đồng bộ. Công tác phòng, chống bạo lực và xâm hại trẻ em chưa kịp thời và hiệu quả. Việc chăm sóc trẻ em vùng sâu, vùng xa, trẻ em DTTS còn chưa thực sự tốt. Do vậy, việc tạo dựng những sân chơi bổ ích, an toàn, lành mạnh trong dịp hè là điều rất cần thiết, góp phần tạo điều kiện cho mọi trẻ em có cơ hội được bảo vệ, chăm sóc, giáo dục toàn diện.
Theo nhiều bậc phụ huynh, để giải “cơn khát” sân chơi cho trẻ em nông thôn, DTTS vào dịp hè, ngoài sự hỗ trợ của các cấp, ngành, đoàn thể cần phải có sự vào cuộc của toàn xã hội.
Ngoài ra, trong dịp hè, chính quyền các cấp, tổ chức đoàn thể, ngành chức năng cần tập trung đẩy mạnh công tác chăm sóc, giáo dục thiếu niên, nhi đồng. Cùng với tổ chức lồng ghép các phong trào chiến dịch "Thanh niên tình nguyện hè", các địa phương phối hợp với ngành chức năng xây dựng, sửa chữa các điểm vui chơi, sân chơi cộng đồng cho thiếu nhi trên địa bàn vùng sâu, vùng DTTS.
Với gần 3 tháng nghỉ hè, có lẽ số ít các em DTTS được chơi ở những sân chơi lành mạnh, bổ ích, đa phần các em phải lên nương rẫy, phụ giúp bố mẹ việc nhà hoặc tự tìm cho mình những trò chơi không an toàn, có nguy cơ tai nạn thương tích. Hy vọng rằng, trong thời gian tới, các cấp, ngành, tổ chức đoàn thể và gia đình sẽ quan tâm, tạo điều kiện để các em có một kỳ nghỉ hè bổ ích, lành mạnh để các em chuẩn bị tinh thần bước vào năm học mới với khí thế phấn khởi, gặt hái được nhiều thành tích.