Giá cà phê có thể chinh phục kỷ lục mới 70.000 đồng/kg, nhiều doanh nghiệp phải đứng ngoài cuộc
Nông nghiệp - Nông thôn - Ngày đăng : 19:11, 25/05/2023
Cuộc chơi nằm trong tay những ông lớn nhiều tiền
Như đã phản ánh trong bài viết 'Giá cà phê đạt kỷ lục 64.000 đồng/kg là điều không doanh nghiệp xuất khẩu nào có thể tưởng tượng nổi' , từ đầu năm đến nay giá cà phê robusta nội địa và thế giới liên tục thiết lập những kỷ lục mới nhờ nhu cầu tăng cao trong khi nguồn cung đang dần cạn kiệt.
Tuy nhiên, trên thực tế không phải tất cả thành phần tham gia thị trường cà phê đều đang được hưởng lợi từ đà tăng giá này.
Chia sẻ với người viết, ông Thái Như Hiệp, Chủ tịch HĐTV, Giám đốc Công ty TNHH Vĩnh Hiệp, đồng thời là Phó Chủ tịch Hiệp hội Cà phê - Cacao Việt Nam (VICOFA) cho biết theo thông lệ các công ty xuất khẩu cà phê bắt đầu mua hàng dự trữ từ cuối năm ngoái và bán dần trong năm.
Tuy nhiên, niên vụ 2022 - 2023 (bắt đầu từ 1/10/2022 đến 31/9/2023), nhiều doanh nghiệp xuất khẩu cà phê trong nước không thể mua hàng vì “đói vốn” khi ngân hàng siết chặt tín dụng và lãi suất quá cao.
Do đó, nhiều doanh nghiệp xuất khẩu cà phê nội địa đành đứng ngoài, dành sân chơi cho các ông lớn có thể mạnh về vốn, đặc biệt là các doanh nghiệp FDI.
“Các doanh nghiệp FDI và các quỹ bắt đầu gom hàng từ cuối năm ngoái do đó lượng hàng trong người dân cạn rất nhanh. Các doanh nghiệp xuất khẩu trong nước cũng biết điều đó nhưng bị siết tín dụng nên không đủ tiền mua cà phê. Thông thường, chúng tôi bắt đầu mua lượng hàng rất lớn từ tháng 10 năm trước đến tháng 2 năm sau để bán rải rác trong nhiên vụ. Tuy nhiên, năm nay hàng trong các hộ dân hết rất sớm”, ông Hiệp nói.
Theo ông, thời điểm giá về đỉnh cũ là 52.000 đồng/kg hồi đầu năm, người dân đã đồng loạt bán ra rất nhiều. Do đó, hiện tại, dù giá cà phê có lúc đạt được 64.000 đồng/kg nhưng lượng hàng tồn kho còn lại không nhiều. Lượng tồn kho của người dân trong niện vụ 2022 - 2023 hiện còn khoảng 100.000 tấn. Cộng thêm 100.000 tấn tồn kho của niên vụ 2021 - 2022 gối sang thì lượng hàng còn lại chỉ còn khoảng 200.000 tấn.
“Nhiều doanh nghiệp vốn mạnh đã tranh thủ gom hàng từ cuối năm ngoái. Thời điểm giá cà phê lên khoảng 52.000 đồng/kg, người dân bán rất mạnh, bán bao nhiêu, họ mua bấy nhiêu. Bây giờ giá đã đẩy lên 64.000 và tôi nghĩ giá có thể đẩy lên 70.000 đồng/kg”, ông Hiệp nói.
Theo số liệu của Tổng Cục Hải quan, lượng hàng xuất khẩu cà phê của các doanh nghiệp FDI trong liên tục tăng trưởng qua các tháng trong niên vụ 2022 - 2023, đặt biệt tập trung vào tháng 2 và 3.
Tỷ trọng lượng xuất khẩu cà phê của các doanh nghiệp FDI trong 4 tháng đầu năm nay cũng được nâng lên 30%, tăng 2 điểm phần trăm so với cùng kỳ năm ngoái.
“Lượng hàng bây giờ nằm nhiều nhất trong công ty nước ngoài và những ông lớn có vốn mạnh. Mua cà phê thời điểm này khó hơn mua vàng, mệnh ai người ấy mua, bán giá nào mua giá đó. Mức giá hiện quá bất hợp lý, không phản ánh giá trị thực nữa”, ông Hiệp nhận định.
Mặc dù giá nội địa tăng mạnh nhưng giá cà phê xuất khẩu không tăng tương xứng.
Theo đó, tính từ đầu năm đến nay, giá cà phê nội địa tăng khoảng 40% tuy nhiên giá xuất khẩu tính đến tháng 4 đạt 2.437 USD/tấn, tăng 12% so với tháng 1.
Điều này khiến nhiều người tỏ ra lo ngại kịch bản doanh nghiệp xuất khẩu phải mua giá cao nhưng bán giá thấp như năm ngoái sẽ tái diễn.
Tuy nhiên, một số doanh nghiệp cho biết bối cảnh năm nay khác với năm ngoái.
Theo đó, trong năm ngoái, nhiều doanh nghiệp đã ký hợp đồng giao xa, đến thời điểm giao hàng khoảng quý III/2022, giá cà phê biến động mạnh vì lượng tồn kho trong các hộ dân không còn nhiều. Do đó, doanh nghiệp buộc phải mua với giá cao, đỉnh điểm là tháng 8/2022 khi lần đầu tiên chạm mốc 52.000 đồng/kg, để có hàng giao cho đối tác để tránh bị phạt hợp đồng.
Còn năm nay, doanh nghiệp ngay từ đầu vụ đã khó mua hàng do đó việc ký hợp đồng giao xa cũng hạn chế.
“Hiện tại không có chuyện mua cao bán thấp vì doanh nghiệp đang không có tiền, không dám nhập hàng để bán”, ông Hiệp cho biết.
Doanh nghiệp cà phê niêm yết làm ăn ra sao?
Tính đến hết tháng 4/2023, các doanh nghiệp đang giao dịch, niêm yết trên sàn đã công bố kết quả doanh thu quý I/2023. Trong đó, một số doanh nghiệp ghi nhận kết quả kinh doanh không khả quan.
Điển hình như CTCP Cà phê Phước An (Mã: CPA) ghi nhận doanh thu thuần quý I/2023 tăng 162% lên 7,7 tỷ đồng. Kinh doanh dưới giá vốn khiến công ty ghi nhận lợi nhuận gộp âm 450 triệu đồng, trong khi cùng kỳ lãi 745 triệu. Trừ đi các chi phí, công ty lỗ sau thuế 3,5 tỷ đồng, cùng kỳ lỗ 670 triệu đồng. Tính đến cuối quý I, công ty lỗ lũy kế hơn 166 tỷ đồng. Khoản lỗ này đã ăn mòn vốn chủ sở hữu của công ty còn 70 tỷ đồng.
Theo giải trình của công ty, doanh thu quý I tăng mạnh so với cùng kỳ nhưng giá vốn bán hàng phát sinh lại tăng 73% dẫn đến lợi nhuận gộp bán hàng giảm 265%. Ngoài ra, chi phí tài chính và chi phí quản lý doanh nghiệp trong quý tăng mạnh lần lượt 43% và 64%. Do đó, công ty ghi nhận lỗ trong quý I
Tại ngày 31/3, tổng tài sản của công ty giảm 6% so với đầu năm về 129 tỷ đồng, chủ yếu do hàng tồn kho còn 19 tỷ đồng. Lượng tiền nắm giữ của Cà phê Phước An chỉ còn chưa tới 500 triệu đồng so với mức 8,5 tỷ đồng đầu năm. Trong khi đó công ty đang đi vay 46 tỷ đồng, chiếm 78% tổng nợ phải trả.
Với trường hợp của CTCP Cà phê Gia Lai (Mã: FGL), doanh thu trong quý I chỉ đạt 22 triệu đồng so với mức 4,3 tỷ đồng cùng kỳ, giảm hơn 99%. Theo thuyết minh, doanh thu đến hoàn toàn từ hợp tác kinh doanh, không đến từ việc buôn bán cà phê. Trừ các chi phí, công ty lỗ sau thuế 2,7 tỷ đồng, Tính đến cuối tháng 3, doanh nghiệp này lỗ lũy kế hơn 77 tỷ đồng, khiến vốn chủ sở hữu chỉ còn chưa tới 70 tỷ.
Trong khi đó, một số công ty khác có quy mô tài sản và tiền mặt lớn hơn ghi nhận kết quả kinh doanh tăng trưởng mạnh.
Theo đó, quý I/2023, doanh thu thuần của Vinacafe Biên Hòa (Mã: VCF) đạt 439 tỷ đồng, tăng 3% so với cùng kỳ năm ngoái.
Công ty cho biết, doanh thu từ hoạt động tài chính tăng 118% lên 13,5 tỷ do tối ưu hóa dòng tiền và không còn phát sinh khoản trích lập dự phòng vào công ty con (83 tỷ). Kết quả, công ty lãi sau thuế 73 tỷ đồng, gấp 2,8 lần quý I/2022.
Cuối quý I/2023, tổng tài sản của Vinacafe Biên Hòa ở mức 2.083 tỷ đồng, gần như không đổi so với đầu năm. Tiền, tương đưng tiền và tiền gửi ngân hàng ở mức 320 tỷ đồng. Ba tháng đầu năm, công ty nhận về hơn 16 tỷ đồng lãi tiền gửi ngân hàng.
Hay với trường hợp của CTCP Cà phê Thắng Lợi (Mã: CFV) khi quý I ghi nhận doanh thu tăng 24% so với cùng kỳ lên 115 tỷ đồng, chủ yếu là do đẩy mạnh sản lượng xuất khẩu và giá bán tăng. Công ty lãi gộp 5 tỷ đồng. Nhờ tiết giảm các chi phí, công ty lãi sau thuế gần 1,4 tỷ đồng, tăng 351% so với cùng kỳ.
Khi nào giá cà phê sẽ điều chỉnh?
Đó là câu hỏi mà những người tham gia thị trường đặt ra lúc này. Trao đổi với chúng tôi ông Dương Khánh Toàn, Giám đốc Phát triển Kinh doanh Quốc tế, Xuất Nhập khẩu của CTCP Cà phê Mê Trang nhận định hiện tại hàng đang nằm trong kho của các ông lớn và chắc chắn họ sẽ phải đảo vụ.
Giá sẽ vẫn trên đà tăng cho đến khi bắt đầu có những dự báo sẽ sản lượng của vụ mới (bắt đầu từ tháng 10/2023). Lúc đó, những người tham gia thị trường sẽ theo dõi sản lượng của những quốc gia sản xuất lớn như Brazil, Việt Nam, Ethiopia…Bản thân sản lượng cà phê Việt Nam hiện cũng đang bị ảnh hưởng bởi yếu tố thời tiết.
“Hạt robusta có thể giữ ở trong kho lâu hơn arabica nhưng các thương nhân, doanh nghiệp chắc chắn phải đảo vụ, đẩy hàng tồn đi để mua cà phê vụ mới vì dung lượng kho chứa có hạn. Khi đó, giá cà phê sẽ phải giảm do chịu áp lực chốt lời. Còn hiện tại, chúng ta cần xem xét xem giá sẽ đẩy lên mức nào”, ông Toàn nói.
Tổ chức Cà phê Quốc tế (ICO) mới đây dự báo sản lượng cà phê toàn cầu trong niên vụ 2022-2023 vào khoảng 171,3 triệu bao trong khi tiêu thụ ở mức 178,5 triệu bao, điều này dẫn đến thị trường có thể thâm hụt 7,3 triệu bao trong niên vụ hiện tại. Trong đó, sản lượng robusta dự kiến giảm 2,1% xuống còn 72,7 triệu bao.
Không chỉ Việt Nam, sản lượng cà phê của Indonesia – một trong những nước sản xuất cà phê robusta hàng đầu khác được dự báo thấp hơn 20%-30% so với năm trước.
Số liệu của ICO cho thấy, xuất khẩu cà phê toàn cầu trong 6 tháng đầu niên vụ 2022-2023 ( 20/10/22 đến 20/3/2023) đã giảm 6,4%, tương đương 4,2 triệu bao so với cùng kỳ niên vụ trước xuống còn 62,3 triệu bao.