Kinh tế

Đắk Nông đề xuất Chính phủ tháo gỡ vướng mắc quy hoạch bô xít

Phan Tuấn 25/05/2023 18:01

Quy hoạch khoáng sản bô xít đang bao trùm gần 1/3 diện tích tự nhiên toàn tỉnh Đắk Nông. Vì vậy, việc triển khai xây dựng các công trình, dự án, thu hút đầu tư... gặp nhiều khó khăn, vướng mắc, UBND tỉnh Đắk Nông đã đề nghị đề nghị bộ ngành Trung ương và Chính phủ xem xét, tháo gỡ.

tuyen-duong-quoc-lo-.jpg
Hiện có gần 1/3 diện tích tự nhiên ở tỉnh Đắk Nông bao gồm đường giao thông Quốc lộ, trường học, cơ quan Nhà nước... bị chồng lấn, vướng quy hoạch khai khoáng bô xít. Ảnh: Phan Tuấn

Ảnh hưởng đến cạnh tranh, thu hút đầu tư

Toàn bộ địa hình tỉnh Đắk Nông chủ yếu là đồi núi dốc, do đó, việc đầu tư xây dựng các tuyến đường giao thông, các công trình xây dựng ở địa hình đồi núi cao có nguồn đất dôi dư, còn các dự án ở vùng trũng cần nguồn đất san lấp.

Điều đáng nói, nguồn đất làm vật liệu san lấp tại các khu vực quy hoạch mỏ bô xít đều có chứa quặng bô xít hoặc nằm xen kẽ trong các tầng đất có chứa quặng bô xít. Vì vậy, muốn làm vật liệu xây dựng, Đắk Nông phải xin ý kiến Bộ Tài nguyên và Môi trường trước khi cấp giấy phép khai thác đất san lấp hoặc xác nhận bản đăng ký khu vực khai thác đất san lấp.

Theo Ban Cán sự UBND tỉnh Đắk Nông, hiện nay, trên địa bàn tỉnh Đắk Nông, diện tích phân bổ quặng bô xít lớn, chiếm khoảng 1/3 diện tích toàn tỉnh. Do đó, UBND tỉnh Đắk Nông phải lấy ý kiến của các bộ, ngành Trung ương trước khi xem xét, quyết định chủ trương đầu tư các dự án khác có liên quan.

"Việc này sẽ làm ảnh hưởng đến khả năng cạnh tranh, thu hút đầu tư của tỉnh, chậm tiến độ triển khai các dự án đầu tư công… nằm trong khu vực đã có điều tra, đánh giá, thăm dò bô xít" - thông tin từ Ban Cán sự Đảng UBND tỉnh cho biết.

Đắk Nông đề xuất Chính phủ tháo gỡ khó khăn

Theo Ban Cán sự Đảng UBND tỉnh Đắk Nông, hiện nay, địa phương đã kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Bộ Tài nguyên và Môi trường xem xét, ủy quyền cho UBND tỉnh Đắk Nông chấp thuận chủ trương đầu tư các dự án nằm trên khu vực có chứa khoáng sản bô xít.

Việc này nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp thực hiện dự án, cũng như giảm sức ép cho Bộ Tài nguyên và Môi trường khi phải thẩm định và có ý kiến đối với các dự án trên địa bàn tỉnh Đắk Nông.

Đối với phần diện tích có khoáng sản trong phạm vi xây dựng dự án, UBND tỉnh Đắk Nông sẽ chỉ đạo các đơn vị liên quan thu gom và quản lý, bảo vệ, không làm thất thoát tài nguyên, khoáng sản.

Ngoài ra, tỉnh Đắk Nông cũng đề nghị Bộ Tài nguyên và Môi trường cung cấp bản đồ phân bố khu vực chứa thân quặng bô xít đã được phê duyệt trữ lượng trên địa bàn tỉnh Đắk Nông. Từ đó, UBND tỉnh Đắk Nông làm cơ sở rà soát các dự án phát triển kinh tế - xã hội chồng lấn với khu vực có chứa thân quặng.

Theo Ban Cán sự Đảng UBND tỉnh Đắk Nông, việc xây dựng các công trình hạ tầng kỹ thuật như: Đường giao thông, điện, trường học, bệnh viện và đặc biệt là tuyến cao tốc Chơn Thành - Gia Nghĩa... có ý nghĩa quan trọng đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

Thế nên, UBND tỉnh Đắk Nông cũng đề xuất Bộ Tài nguyên và Môi trường xây dựng cơ chế đặc thù cho phép UBND tỉnh cấp xác nhận bản đăng ký khu vực, khối lượng, công suất khai thác đất có lẫn với bô xít làm vật liệu san lấp; cấp giấy phép khai thác đất có lẫn bô xít làm vật liệu san lấp trong khu vực có dự án đầu tư xây dựng công trình.

Mặt khác, UBND tỉnh Đắk Nông cũng đề nghị Bộ Tài nguyên – Môi trường hướng dẫn cho tỉnh Đắk Nông về công tác thăm dò, khai thác các mỏ đất làm vật liệu san lấp; mỏ đá làm vật liệu xây dựng thông thường nằm trong quy hoạch thăm dò, khai thác bô xít.

"Với nhiều vướng mắc liên quan tỉnh Đắk Nông mong muốn các bộ ngành, Trung ương sớm tháo gỡ vướng mắc theo hướng vừa bảo đảm quy hoạch bô xít, vừa đáp ứng được nhu cầu cuộc sống người dân và yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn" - đồng chí Lê Trọng Yên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Nông cho biết.

Phan Tuấn