Saudi Arabia, Mỹ cáo buộc các bên vi phạm thỏa thuận ngừng bắn Sudan

Dòng chảy thông tin - Ngày đăng : 13:26, 25/05/2023

Mặc dù giao tranh ở thủ đô Khartoum có vẻ ít dữ dội hơn so với những ngày gần đây, các quan sát viên đã nhận được các báo cáo về việc cả hai bên đều vi phạm lệnh ngừng bắn.

Saudi Arabia, My cao buoc cac ben vi pham thoa thuan ngung ban Sudan hinh anh 1Người dân sơ tán tránh xung đột tại Khartoum, Sudan ngày 14/5/2023. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Theo phóng viên TTXVN tại Trung Đông - Bắc Phi, ngày 24/5, Saudi Arabia và Mỹ đã cáo buộc các phe phái đối địch tại Sudan vi phạm thỏa thuận ngừng bắn, vừa được ký kết hôm 20/5 tại thành phố Jeddah (Saudi Arabia), đồng thời kêu gọi quân đội Sudan và nhóm bán quân sự Các Lực lượng Hỗ trợ nhanh (RSF) tuân thủ các cam kết của mình.

Tuyên bố của Bộ Ngoại giao Saudi Arabia nêu rõ nước này và Mỹ cảnh báo việc không bên nào tại Sudan “tuân thủ cam kết không tìm kiếm lợi thế quân sự trước khi thỏa thuận ngừng bắn có hiệu lực và trong khoảng thời gian 48 giờ sau khi thỏa thuận này bắt đầu được thực thi.”

Mặc dù giao tranh ở thủ đô Khartoum có vẻ ít dữ dội hơn so với những ngày gần đây, các quan sát viên đã nhận được các báo cáo về việc cả hai bên “đều vi phạm lệnh ngừng bắn, trong đó có các cuộc tấn công ở Khartoum và El-Obeid, các cuộc không kích và tấn công bằng pháo binh” ở một số nơi khác.

Các nhân chứng cho biết ngày 24/5, đụng độ giữa Lực lượng Vũ trang Sudan (SAF) và RSF đã nổ ra ở thủ đô Khartoum, đe đọa phá vỡ thỏa thuận ngừng bắn mong manh, được thực thi để tạo điều kiện cho hoạt động phân phối viện trợ và thúc đẩy một thỏa thuận ngừng bắn lâu dài hơn.

Theo các nhân chứng, có thể nhìn thấy các cột khói đen bốc lên từ phía Tây trung tâm Khartoum bốc lên và có bắn pháo gần khu doanh trại quân đội ở phía Nam Khartoum. 

Thỏa thuận ngừng bắn, kéo dài 7 ngày, được các bên ký kết ngày 20/5 và bắt đầu có hiệu lực vào 21h45' ngày 22/5 giờ địa phương (2h45' ngày 23/5 theo giờ Hà Nội), sau các cuộc đàm phán tại Jeddah do Saudi Arabia và Mỹ làm trung gian. 

Trong khi đó, cùng ngày, đại diện của Ủy ban Điều phối và Theo dõi tình hình Sudan đã tham gia các cuộc “thảo luận mang tính xây dựng” tại Jeddah về cung cấp viện trợ nhân đạo tại Sudan và lắng nghe ‎ý kiến của lãnh đạo hai phe đối địch về các cáo buộc vi phạm lệnh ngừng bắn.

Ủy ban trên là cơ chế giám sát từ xa thỏa thuận ngừng bắn tại Sudan, do Mỹ hậu thuẫn với 12 quan sát viên, gồm đại diện của Mỹ, Saudi Arabia và các bên đối địch. 

Trước đó một ngày, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken cảnh báo các phe phái đối địch tại Sudan “phải tuân thủ lệnh ngừng bắn mới nhất, nếu không sẽ phải đối mặt với các biện pháp trừng phạt.”

Theo ông, nếu lệnh ngừng bắn bị vi phạm, Mỹ sẽ “buộc những người vi phạm phải chịu trách nhiệm thông qua các biện pháp trừng phạt và các biện pháp khác.”

Cũng trong ngày 24/5, Ngoại trưởng Ai Cập Sameh Shoukry đã tới Geneva (Thụy Sĩ) để tham vấn một số tổ chức quốc tế về hợp tác song phương và các vấn đề khu vực, trong đó có các cuộc khủng hoảng Sudan và Syria.

Theo tuyên bố của Bộ Ngoại giao Ai Cập, ông Shoukry dự kiến sẽ gặp Phó Tổng Thư ký Liên hợp quốc phụ trách điều phối các vấn đề nhân đạo và cứu trợ khẩn cấp Martin Griffith, Cao ủy Liên hợp quốc về người tị nạn (UNHCR) Filippo Grandi và Tổng Giám đốc mới của Tổ chức Di cư Quốc tế (IOM) Amy Pope.

Các cuộc thảo luận dự kiến đề cập đến các biện pháp nhằm tăng cường hợp tác giữa Ai Cập và Liên hợp quốc trong các vấn đề cấp bách của khu vực và quốc tế.

Nội dung các buổi làm việc của Ngoại trưởng Shoukry cũng đề cập tới hậu quả của cuộc khủng hoảng ở Sudan, cũng như các phương tiện cung cấp hỗ trợ nhân đạo khẩn cấp cho người dân của quốc gia Đông Phi này.

Ngoài ra, ông cũng sẽ gặp đặc phái viên Liên hợp quốc tại Syria, ông Geir Pedersen, để phối hợp giải quyết cuộc khủng hoảng Syria.

Tuyên bố của Bộ Ngoại giao Ai Cập nhấn mạnh thêm các cuộc thảo luận này nhằm thúc đẩy các nỗ lực quốc tế để chấm dứt cuộc khủng hoảng và giảm bớt sự đau khổ của người dân Syria.

Thỏa thuận ngừng bắn nhân đạo được ký kết tại thành phố Jeddah của Saudi Arabia, kêu gọi phân phát hỗ trợ nhân đạo, khôi phục các dịch vụ chính yếu và rút các lực lượng vũ trang khỏi các cơ sở y tế và các hệ thống tiện ích công cộng trọng yếu.

Trong bối cảnh nhiều thỏa thuận ngừng bắn trước đó đã bị vi phạm, thỏa thuận lần này sẽ được củng cố bởi một cơ chế giám sát có sự tham gia của Mỹ, Saudi Arabia và cộng đồng quốc tế.

Giao tranh đã khiến dự trữ lương thực, tiền và các nhu yếu phẩm khác nhanh chóng cạn kiệt. Các vụ cướp phá xảy ra tại các ngân hàng, đại sứ quán, cơ quan hỗ trợ và cả các nhà thờ.

Các tổ chức cứu trợ cho biết không thể cung cấp hỗ trợ tại Khartoum, do không có sự đảm bảo an ninh và sự di chuyển an toàn cho nhân viên.

Đây là thỏa thuận dài hạn thứ hai về ngừng bắn nhân đạo mà SAF và RSF đạt được kể từ khi xung đột nổ ra.

Thỏa thuận đầu tiên, lẽ ra phải được duy trì trong 10 ngày, song nhanh chóng bị đổ vỡ./.

Nguyễn Tùng (TTXVN/Vietnam+)

Nguyễn Tùng (TTXVN/Vietnam+)