Truyện cổ M'nông: Kể chuyện đàn đá linh
Ngày xưa, có một bon sống ở ven bờ suối Dak Glung Dak Jơl, họ sống đã biết bao đời. Vào ngày hội, ngày mùa, ngày cúng tế ông bà, dân làng cảm ơn thần đất trời, thần rừng, thần núi đã cho họ cuộc sống ấm no hạnh phúc. Họ vui ngày hội bằng tiếng chiêng, họ vẫn luôn nhớ đến một giàn chiêng đá (goong lu) có ý nghĩa tâm linh được nhắc đến từ đời này sang đời khác.
Chuyện kể rằng:
Một hôm, hai bố con nhà nọ rủ nhau đi quăng chài bắt cá dọc bờ suối Dak Glung. Họ đi từ sáng tới trưa mới đến nơi, họ quăng chài đã nhiều lần nhiều lượt nhưng vẫn chưa bắt được một con cá nào để nấu bữa trưa. Nhiều lần kéo lên, chài đều mắc trúng đá. Đói quá, người con nói với người cha:
- Thôi, đói bụng rồi, mình ăn cơm với rau dớn cũng được, để đến khi chiều ta lại quăng tiếp. Bây giờ, cha đi chặt ống nứa để thụt lá môn rừng ăn tạm, còn con đi xem phía trên đầu nguồn có cá bơi lội thế nào để chiều nay ta tiếp tục quăng tiếp.
Người con xách chải lưới đi ngược dòng suối thì thấy dưới một gốc đa to nước chảy xiết, thấy rất nhiều cá bơi lội. Người con hớn hở, tích cực quăng chài, quăng trúng trên lưng cá đang bơi nhưng lúc kéo lên thì lại toàn là đá. Bực mình quá nên người con mới văng tục, chửi thề tên sông, tên suối. Vừa mệt, vừa đói, người con ngồi nghỉ. Tình cờ, người con cầm một viên đá nhỏ gõ lên mấy cục đá mà mình đã kéo lên từ lòng suối. Khi gõ lên thanh đá thấy có tiếng kêu rất hay, nên người con mang hòn đá trở lại chỗ người cha và nói rằng:
- Cha ơi cha, con thấy cá nhiều nhưng quăng chài rồi kéo lên thì chỉ toàn đá thôi, và khi con gõ vào thanh đá, nó có tiếng kêu rất hay giống y như tiếng chiêng, tiếng cồng mà dân làng mình hay dùng hàng ngày đó cha ạ.
Người cha lặng thinh không nói câu nào, giục con ăn cơm rồi đi quăng chài tiếp để kiếm được cá mang về. Đến chiều, họ vẫn tay không, chẳng được một con cá nào. Người con nói với người cha:
Cha ơi, cha con mình mang về một hai cục đá này thử đi. Con thích nghe tiếng kêu của nó. Cha mang không nổi thì để mình con gùi cũng được, để cha hái rau dọc đường, cha chỉ gùi mỗi cái chài trên lưng thôi.
Người cha nghe con nói liền nổi cáu:
- Mày thích thì mày mang, tao không có sức mà mang đá với đất về đâu.
Trên đường về, người cha vẫn đi trước hái rau, chặt đọt bẻ măng, còn người con cố ráng gùi hai thanh đá nặng đến nỗi vã cả mồ hôi, phải bước nhanh mới kịp theo cha về tới nhà.
Về nhà, chàng trai liền bị người cha, mẹ, anh em mắng là điên, là khùng mới gùi đá nặng về tận nhà. Bị chửi mắng, người con buồn rầu gùi đá ra bến nước ven làng ngồi gõ lóc cóc, leng keng. Suốt đêm hôm đó, người con nhịn cả ăn uống.
Từ đó, mỗi khi người con đi đâu về cũng ghé chỗ đống đá mà gõ, trai trong làng ai cũng nói chàng trai là ngu, là điên, con gái cũng chê là khùng, không ai đến chào hỏi.
Một hôm, có ông vua Prum cưỡi một đàn voi đi đổi hàng, khi đi qua làng, ông ta nghe thấy tiếng trầm bổng vang lên bên bờ suối, bèn ghé lại nghe và xem. Người Prum hỏi:
- Ngươi lấy mấy thứ này ở đâu vậy, còn nhiều không chỉ cho ta với.
Chàng trai trả lời:
- Không có ở đâu cả, thứ này của người xưa để lại dùng để đánh cúng Thần Trời, Thần Đất, cúng mùa màng và ông bà tổ tiên thôi.
Người Prum lại hỏi:
- Nó quý đến thế à, ông bán cho tôi. Tôi đổi cho ông hết số voi, số muối và vải, ngươi có lấy không?
Chàng trai nghĩ một lúc rồi trả lời chững chạc:
- Không thể được ! Nếu tôi đem bán và đổi cho ông thì tôi phạm tội với ông bà tổ tiên, không có cái gì để cúng cho Thần Đất, Thần Trời. Các thần không cho mùa màng bội thu thì dân làng lấy đâu mà có trâu bò để đổi lấy muối và cồng chiêng của ông?
Người Prum kia đành chịu nghe anh, dù lòng cũng muốn mua và đổi vì thấy của lạ, đành kéo nhau đi các làng bán vải, đổi muối.
Người con cũng lo âu và bứt rứt bụng dạ vì đã nói dối với thần linh nên về nhà anh ta nói dối bố mẹ rằng:
- Lúc nãy con gặp người Prum bên bến nước, vua Prum nói rằng mấy thứ này người Prum quý lắm. Họ dùng để đánh lúc cúng thần linh, ông bà tổ tiên, cúng Thần Đất, Thần Trời, trời đất cho mưa cho nắng, cho mùa màng tốt tươi và nhiều của cải nữa cha ạ.
Nghe người con nói có lý nên người cha cũng nửa tin nửa ngờ, đem việc bàn với cả bon xem có thật hay không và nên làm như thế nào.
Vào một dịp cúng lúa mới, cả làng làm cây nêu cột ché rượu, làm con gà, con heo chuẩn bị cúng. Họ đem bộ đàn đá ra và đánh theo bài chiêng; đọc lời cúng. Thế là thần linh đón nghe thấy hay và là lạ, không như mọi khi nên thần không từ chối các lời khẩn cầu, các vị thần nghe dân làng xin gì cũng cho nấy. Cầu mưa thần cho mưa, cầu nắng thần cho nắng, cầu có trâu bò thần cho trâu bò và thần cho tiếng chiêng đá vang cả núi rừng. Thần gọi làng trên, bon dưới cùng đến nghe. Thần gọi chim muông từ xa bay về, thần gọi trâu bò lạc đàn cùng về đông đủ. Thần rủ luôn cả thần gần, thần xa đến dự mừng lúa mới. Họ vui vẻ bảy ngày, bảy đêm.
Từ đó, cả làng đều mừng vì đến mùa lúa nhà nào cũng có lúa đầy kho, trâu bò đầy chuồng, nắng thuận, mưa hòa. Cả làng ai ai cũng vui vẻ. Họ cúng lúa hàng năm, họ lại đánh đàn đá. Họ càng đánh càng hay, càng vui, ai nấy đều nói lời cảm ơn. Cứ hàng năm, đến mùa lúa là bon Prum mang nhiều muối nhiều vải, nhiều ché chiêng, trâu bò đến đổi lấy lúa, lấy khoai. Họ cầu cho nhau sự an lành.
Và từ đó, mỗi lần cúng lúa, cúng thần linh, cúng bến nước... người M’nông vùng Dak Glung và Dak Jol vẫn thường đọc lời cúng khấn và đệm bằng đàn đá. Người M’nông luôn coi trọng đàn đá và gìn giữ nó cho đến ngày nay.