Đoàn đại biểu Quốc hội - HĐND

ĐBQH Đắk Nông Dương Khắc Mai: Rà soát, chỉnh sửa một số nội dung trong dự án Luật Phòng thủ dân sự

Đức Diệu 24/05/2023 22:47

Tiếp tục chương trình làm việc, chiều 24/5, Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV dành phần lớn thời gian để thảo luận ở hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự án Luật Phòng thủ dân sự.

chu-tri-buoi-lam-viec-buoi-chieu(1).jpg
Thường vụ Quốc hội chủ trì phiên họp chiều 24/5

Tham gia thảo luận về dự án Luật này, đại biểu Dương Khắc Mai, Phó Trường đoàn chuyên trách, Đoàn ĐBQH Đắk Nông kiến nghị cơ quan soạn thảo nên rà soát, bổ sung, chỉnh sửa một số nội dung liên quan đến phạm vi điều chỉnh, khái niệm, đối tượng thực thi…

Tránh chồng chéo, trùng lắp

Đại biểu Dương Khắc Mai đề nghị cơ quan soạn thảo nghiên cứu, rà soát kỹ lưỡng một số vấn đề liên quan đến đối tượng điều chỉnh, phạm vi điều chỉnh, các định nghĩa, quỹ, cơ quan quản lý Nhà nước, các cơ quan phối hợp công tác,… nhằm có sự thống nhất trong hệ thống pháp luật, tránh chồng chéo, trùng lắp giữa Luật Phòng thủ dân sự, Luật Phòng, chống thiên tai các luật khác có liên quan.

Tại khoản 4, Điều 2 (Giải thích từ ngữ) định nghĩa về Đối tượng dễ bị tổn thương “Đối tượng dễ bị tổn thương là nhóm người có đặc điểm và hoàn cảnh khiến họ có khả năng phải chịu nhiều tác động bất lợi hơn từ sự cố, thảm họa so với những nhóm người khác trong cộng đồng. Đối tượng dễ bị tổn thương bao gồm trẻ em, người cao tuổi, phụ nữ đang mang thai hoặc đang nuôi con dưới 12 tháng tuổi, người khuyết tật, người bị bệnh hiểm nghèo, người nghèo, người mất năng lực hành vi dân sự, người dân tộc thiểu số sinh sống ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn và các đối tượng khác theo quy định của pháp luật”.

dai-bieu-mai(1).jpg
Đại biểu Dương Khắc Mai, Phó Trường đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH Đắk Nông thảo luận về dự án Luật Phòng thủ dân sự

Theo đó, định nghĩa này đang có phạm vi rộng hơn so với định nghĩa về Đối tượng dễ bị tổn thương đã được quy định tại khoản 4 Điều 3 Luật Phòng, chống thiên tai năm 2013. Đề nghị cơ quan soạn thảo rà soát, thống nhất định nghĩa để tránh tình trạng mâu thuẫn, chồng chéo giữa các văn bản pháp luật khi áp dụng.

Tại khoản 1, Điều 18 (Các biện pháp được áp dụng khi có nguy cơ xảy ra sự cố, thảm họa), đề nghị bổ sung cụm từ “vật tư y tế” và điều chỉnh lại như sau Hướng dẫn, sơ tán người, tài sản đến khu vực an toàn;bảo đảm trang bị, phương tiện bảo vệ cá nhân, lương thực, thực phẩm, vật tư y tế, thuốc chữa bệnh,nước uống vànhu yếu phẩm thiết yếu khác cho người tại khu vực sơ tán”.

Tại điểm d, khoản 1, Điều 27 (Biện pháp phòng thủ dân sự được áp dụng trong điều kiện chiến tranh), đề nghị bổ sung cụm từ “vật tư y tế” và điều chỉnh lại như sau “Dự trữ lương thực, thực phẩm, vật tư y tế, thuốc chữa bệnh và nước uống”.

Điểm c, khoản 1, Điều 37 (Quyền và nghĩa vụ của cá nhân), đề nghị bổ sung cụm từ “tài sản”và điều chỉnh lại như sauĐược bồi thường, hoàn trả vật tư, phương tiện, tài sản theo quy định của pháp luật vềtrưng mua, trưng dụng tài sản”.

Điểm đ, khoản, 2 Điều 37, đề nghị bổ sung cụm từ “hóa chất, vật tư y tế, thuốc chữa bệnh” và điều chỉnh lại như sau “…chấp hành quyết định huy động nhân lực, vật tư, phương tiện, trang thiết bị, hóa chất, vật tư y tế, thuốc chữa bệnh, nhu yếu phẩm để phục vụ hoạt động ứng phó khẩn cấp của cơ quan có thẩm quyền”.

Quy định cụ thể hơn về Quỹ phòng thủ dân sự

Thảo luận về Điều 41 (Quỹ phòng thủ dân sự), đại biểu Dương Khắc Mai thống nhất chọn phương án 1 trong dự án Luật. Bởi tên của dự án Luật cũng như khoản 4 Điều 3 (Nguyên tắc hoạt động phòng thủ dân sự) quy định: “Phòng thủ dân sự phải chuẩn bị từ sớm, từ xa đã nói lên sự cần thiết phải chuẩn bị trước các nguồn lực... trong đó nguồn lực tài chính là rất quan trọng để ứng phó kịp thời với những thảm hoạ có thể xẩy ra...Tuy nhiên việc quy định “Quỹ phòng thủ dân sự được sử dụng để hỗ trợ hoạt động phòng thủ dân sự và ưu tiên hỗ trợ cho các hoạt động…”, đại biểu nhận thấy phạm vi “hỗ trợ hoạt động phòng thủ dân sự” rất rộng và có thể trùng với phạm vi hỗ trợ của Quỹ phòng, chống thiên tai, Quỹ bảo vệ môi trường, Quỹ hỗ trợ, phòng chống dịch và các Quỹ hỗ trợ khác. Do đó, để tránh xung đột, chồng chéo trong nhiệm vụ chi giữa các Quỹ, đề nghị cơ quan soạn thảo cần quy định cụ thể hơn về phạm vi sử dụng Quỹ phòng thủ dân sự.

Quy định rõ về trách nhiệm thực thi

Tại khoản 3, Điều 46 quy định: Trách nhiệm của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn là “Chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương liên quan xây dựng kế hoạch cấp quốc gia ứng phó sự cố vỡ đê, hồ, đập; sự cố cháy rừng; bão, áp thấp, lũ lụt, lũ ống, lũ quét, sạt, lở đất đá và các loại hình thiên tai khác”.

Đề nghị điều chỉnh nội dung quy định mang tính bao hàm, khái quát hơn, tăng tính dự báo của luật, cụ thể: “Phối hợp với các bộ, ngành trung ương, địa phương xây dựng kế hoạch và thực hiện việc bảo đảm an ninh nông nghiệp; lâm nghiệp; ngư nghiệp; diêm nghiệp và phát triển nông thôn đáp ứng yêu cầu phòng thủ dân sự”.

toan-canh(1).jpg
Toàn cảnh phiên thảo luận chiều 24/5

Đối với trách nhiệm của chính quyền địa phương quy định tại điểm c, khoản 2, Điều 53:“Chỉ đạo và tổ chức thực hiện nghị quyết của Hội đồng nhân dân cùng cấp về bảo đảm ngân sách cho hoạt động phòng thủ dân sự ở địa phương”. Quy định này có nội hàm trùng với điểm a, khoản 2, Điều này “Ban hành văn bản để tổ chức thực hiện nhiệm vụ phòng thủ dân sự theo quy định của pháp luật, nghị quyết của Hội đồng nhân dân cùng cấp và các nhiệm vụ do cấp có thẩm quyền giao về phòng thủ dân sự ở địa phương”. Đề nghị xem xét, gộp 2 điểm này lại thành 1 nội dung và quy định cụ thể để cơ quan địa phương căn cứ triển khai thực hiện.

Ngoài ra, đại biểu Dương Khắc Mai cũng đề nghị, đối với Quy định chuyển tiếp (Điều 57), Hiện nay, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn là cơ quan thường trực của Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng, chống thiên tai và có cơ quan chuyên trách trực thuộc Bộ để tham mưu, giúp việc cho Ban chỉ đạo Quốc gia về phòng, chống thiên tai. Trong khi đó, Bộ Quốc phòng là cơ quan thường trực của Ban Chỉ đạo Phòng thủ dân sự Quốc gia và Ủy ban Quốc gia Ứng phó sự cố, thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn.

Việc hợp nhất sẽ tác động rất lớn đến trách nhiệm, công tác chuyên môn của các Bộ, ngành. Do đó, nếu hợp nhất như trong dự thảo Luật Phòng thủ dân sự, đề nghị xem xét, phân công rõ trách nhiệm từng lĩnh vực cụ thể để đảm bảo chức năng, nhiệm vụ đã được quy định của các bộ, ngành.

Đức Diệu