Hàn Quốc hoãn phóng tên lửa đẩy vũ trụ Nuri do lỗi kỹ thuật

Dòng chảy thông tin - Ngày đăng : 16:45, 24/05/2023

Phát biểu tại cuộc họp báo diễn ra chiều 24/5, Thứ trưởng MSIT Oh Tae-seog cho biết Ủy ban Quản lý Vụ phóng đã quyết định hoãn phóng tên lửa đẩy Nuri do một trục trặc kỹ thuật được phát hiện.
Han Quoc hoan phong ten lua day vu tru Nuri do loi ky thuat hinh anh 1Tên lửa đẩy Nuri được phóng từ Trung tâm vũ trụ Naro ở Goheung, Hàn Quốc ngày 21/6/2022. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Chiều 24/5, Bộ Khoa học, Công nghệ Thông tin và Truyền thông Hàn Quốc (MSIT) cùng Viện nghiên cứu Hàng không Vũ trụ Hàn Quốc (KARI) đã tuyên bố tạm hoãn vụ phóng tên lửa đẩy vũ trụ Nuri lần thứ 3 sau khi phát hiện trục trặc kỹ thuật vào lúc 15h30 cùng ngày (giờ địa phương).

Vụ phóng tên lửa đẩy Nuri lần thứ 2 (năm 2022) cũng đã từng bị hoãn 2 lần do gió thổi mạnh và lỗi cảm biến.

Theo phóng viên TTXVN tại Seoul, phát biểu tại cuộc họp báo diễn ra chiều cùng ngày, Thứ trưởng MSIT Oh Tae-seog cho biết Ủy ban Quản lý Vụ phóng đã quyết định hoãn phóng tên lửa đẩy Nuri do một trục trặc kỹ thuật được phát hiện trong khâu chuẩn bị cuối cùng.

Ông nói: “Trong khi điều khiển van khí heli, các kỹ sư hàng không vũ trụ đã phát hiện ra sự cố liên lạc giữa máy tính điều khiển phóng và máy tính điều khiển cơ sở bệ phóng. Mặc dù van vẫn ổn nhưng hệ thống có thể gặp vấn đề khi nó được vận hành tự động.”

Ủy ban trên sẽ quyết định tiến hành vụ phóng vào cùng thời điểm dự kiến 18h24 ngày 25/5 tới nếu lỗi kỹ thuật được xử lý trong sáng cùng ngày. 

Tên lửa đẩy Nuri hiện vẫn được giữ theo phương thẳng đứng để các chuyên gia phân tích nguyên nhân cũng như giải quyết trục trặc.

Tên lửa có chiều dài 47,2 m, tương đương một tòa chung cư 15 tầng, đường kính lên tới 3,5 m và nặng 17,5 tấn. Khác với lần phóng thứ nhất và thứ hai trước đó chỉ mang theo vệ tinh mô phỏng, tên lửa đẩy Nuri trong lần phóng thứ 3 này dự kiến sẽ mang theo 8 vệ tinh thực nghiệm có thể thực hiện nhiệm vụ thực tế.

Năm 2022, tên lửa đẩy Nuri đã hoàn thành sứ mệnh đưa vệ tinh giả vào quỹ đạo mục tiêu theo đúng kế hoạch và giúp Hàn Quốc trở thành quốc gia thứ 7 trên thế giới phát triển được phương tiện phóng vào không gian có thể mang vệ tinh nặng hơn 1 tấn, sau Nga, Mỹ, Pháp, Trung Quốc, Nhật Bản và Ấn Độ.

Dự án Nuri trị giá 2.000 tỷ won (1,52 tỷ USD) bắt đầu được thực hiện từ năm 2010 và tiếp tục kéo dài cho đến năm 2027 với 3 lần phóng tên lửa bổ sung./.

Anh Nguyên (TTXVN/Vietnam+)