Quy hoạch bô xít Đắk Nông chồng lấn, nhiều công trình quan trọng chưa thể triển khai
Toàn tỉnh Đắk Nông có 1.062 công trình, dự án phúc lợi xã hội đã được bố trí vốn nhưng không thể triển khai thi công vì chồng lấn với quy hoạch khai thác bô xít chưa biết bao giờ mới thực hiện. Việc này đang gây ra vô số cản trở, kìm hãm địa phương phát triển kinh tế - xã hội.
Hàng loạt công trình phúc lợi ngừng thi công
Hiện nay, toàn tỉnh Đắk Nông có 189.040 ha nằm trên địa bàn 5 huyện, thành phố vướng quy hoạch khai thác bô xít.
Điều đáng nói, quy hoạch khai thác khoáng sản bô xít đã bao trùm lên các khu dân cư ở thành phố, huyện, xã, công trình trường học, trụ sở cơ quan Nhà nước, đường Quốc lộ, tỉnh lộ... đã hiện hữu trước đó.
Trong vấn đề phát triển hạ tầng cơ sở, hiện toàn tỉnh Đắk Nông đang có 1.062 công trình, dự án đang phải tạm dừng thi công, xây dựng vì vướng quy hoạch khai thác mỏ bô xít chưa biết khi nào mới thực hiện.
Tại huyện Đắk Song có nhiều tuyến đường đã bị hư hỏng, xuống cấp trầm trọng. Mặc dù đã được các cấp ngành phân bổ hàng trăm tỉ đồng để tiến hành đầu tư, nâng cấp nhưng huyện Đắk Song chưa thể thực hiện vì vướng quy hoạch khai thác bô xít.
Điển hình phải kể đến tuyến đường liên xã Đắk N’Drung - Nâm N'Jang. Hàng ngày, trên tuyến đường này luôn có hàng ngàn lượt xe ôtô, mô tô... qua lại. Tuy nhiên, hơn 2 năm nay, tuyến đường xuất hiện vô số "ổ trâu", "ổ voi", "ổ gà"... gây cản trở người dân đi lại.
“Mùa khô thì bụi bay mịt mù, mùa mưa thì xuất hiện chi chít các "ao nước" lớn nhỏ trên mặt đường. Chúng tôi đã tận mắt chứng kiến rất nhiều vụ tai nạn giao thông, học sinh phải lội bì bõm đi qua những hố nước để đi học” - ông Phạm Văn Hanh, một hộ dân ở xã Đắk N'Drung than phiền.
Tương tự, tuyến đường Đạo Nghĩa - Quảng Khê có chiều dài gần 50km với quy mô đầu tư 1.150 tỉ đồng. Việc đầu tư tuyến đường đóng vai trò trò vô cùng quan trọng trong việc phát triển kinh tế - xã hội và tạo thuận lợi cho việc khai thác vận chuyển bô xít sau này. Tuy nhiên, việc thi công tuyến đường lại đang "dậm chân tại chỗ".
"Đường Đạo nghĩa - Quảng Khê là tuyến đường mở mới nhưng đang vướng quy hoạch khai thác bô xít. Thế nên, hiện nay, chủ đầu tư đã tạm dừng hoàn toàn việc đào đắp tác động đến nền đất. Với việc đang tạm ngưng thi công này thì không biết bao giờ dự án mới có thể hoàn thành, đưa vào sử dụng" - Lương Hữu Phú - Tư vấn giám sát trưởng dự án cho hay.
Tại huyện Đắk Glong, việc giải ngân vốn đầu tư công thực hiện các công trình thuộc 3 chương trình mục tiêu Quốc gia năm 2022 - 2023 đang đạt thấp, chỉ giải ngân được hơn 10/530 tỉ đồng (đạt tỷ lệ gần 2%).
Nguyên nhân chính được chính quyền địa phương nơi đây xác nhận là do vướng mắc về cơ chế, chính sách, trong đó có quy hoạch bô xít.
Không còn không gian phát triển
Theo đánh giá của các ngành chức năng, địa phương ở tỉnh Đắk Nông thì việc đầu tư, nâng cấp các tuyến đường giao thông, các công trình thuộc chương trình mục tiêu quốc gia sẽ tạo ra sự liên kết giữa các địa phương, vùng miền trong tỉnh, huyện, xã...
Đối với những dự án đầu tư công này đã được các cấp ngành nghiên cứu rất kỹ, hàng trăm năm sau, người dân vẫn có thể sử dụng vào mục đích phát triển kinh tế - xã hội. Trong khi đó, ở chiều ngược lại, quy hoạch khai thác bô xít hiện chưa có nhà đầu tư và chưa biết đến bao giờ mới thực hiện.
Điều đáng nói, việc xây dựng các công trình phúc lợi, mở đường chỉ sử dụng một phần đất đai rất nhỏ và được ví như "sợi chỉ" bởi không làm ảnh hưởng quá lớn đến việc khai thác quặng bô xít.
Thậm chí, các dự án nâng cấp, mở đường giao thông hiện nay còn góp phần tạo thuận lợi trong việc thu gom, vận chuyển quặng cho chủ đầu tư khi thực hiện việc khai thác quặng bô xít sau này.
Theo Ban Cán sự UBND tỉnh Đắk Nông, các dự án nâng cấp, cải tạo giao thông hầu hết được xây dựng trên nền đường hiện hữu và mở rộng. Thế nên, phạm vi tác động đến khoáng sản bô xít nhỏ so với các công trình xây dựng mới.
Không những vậy, chu kỳ, tuổi thọ công trình có thời hạn tương đối ngắn, khoảng 20 năm, ngắn hơn so với thời hạn của các dự án khai thác bô xít, thường 30 năm. Do đó, có thể tiến hành khai thác bô xít trên khu vực dự án khi tuổi thọ công trình đã chấm dứt, mức độ tác động đến tài nguyên bô xít tại các dự án này là rất hạn chế.
"Toàn tỉnh Đắk Nông hiện có rất nhiều diện tích vướng phải quy hoạch bô xít và phát triển rừng. Thế nên, tỉnh không còn không gian phát triển kinh tế - xã hội" - đồng chí Ngô Thanh Danh, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Đắk Nông chia sẻ.