Kinh tế

HTX Nông nghiệp Buôn Choáh và bước chuyển mình mạnh mẽ

Thanh Nga 24/05/2023 06:08

HTX Nông nghiệp Buôn Choáh (Krông Nô) vừa được Trung ương Hội Nông dân Việt Nam vinh danh là một trong 63 HTX tiêu biểu toàn quốc năm 2023. Đầy là tầm vóc mới của HTX trong sản xuất, kinh doanh lúa gạo.

Vinh dự này của HTX là kết quả của sự tuyên truyền, vận động của các cấp hội nông dân, Liên minh HTX tỉnh, chính quyền địa phương và sự nỗ lực, phấn đấu của thành viên.

Năm 2014, bà Trần Thị Thanh Vân, một nông dân sản xuất lúa giỏi ở thôn Thanh Sơn, xã Buôn Choáh, đã vận động 12 hộ tham gia thành lập Tổ sản xuất lúa chất lượng cao.

Các hộ dân trong Tổ sản xuất này đã áp dụng canh tác lúa theo tiêu chuẩn VietGAP. Tổ sản xuất nhờ đó từng bước nâng cao hiệu quả, giá trị lúa gạo ở Buôn Choáh.

Năm 2018, HTX Nông nghiệp Buôn Choáh thành lập trên cơ sở Tổ sản xuất lúa chất lượng cao. HTX mở rộng quy mô sản xuất, chế biến lúa gạo đặc sản, khai thác lợi thế của địa phương.

Bà Trần Thị Thanh Vân, Trưởng Ban quản lý sản xuất VietGAP của HTX cho biết, ban đầu, diện tích lúa VietGAP chỉ có hơn 20 ha, nhưng đến nay đã hơn 440 ha.

Những năm qua, HTX trồng các giống lúa có chất lượng gạo được xếp hạng ngon thế giới như ST24, ST25. HTX hướng dẫn nông dân áp dụng kỹ thuật ủ phân vi sinh bằng cách kết hợp phân chuồng, phế phẩm nông nghiệp như vỏ trấu, rơm rạ… bón cho cây lúa.

Nông dân trong xã thấy cách làm của HTX hay, nên ngày càng có nhiều hộ xin tham gia vào HTX. Hiện nay, HTX đã liên kết với 304 hộ, xã viên sản xuất lúa.

Sản phẩm của bà con đều được bao tiêu đầu ra, với giá cao hơn thị trường. Nhờ phát triển sản xuất lúa chất lượng cao, đời sống của nông dân được nâng cao.

img_0324-2-.jpg
HTX hiện có hơn 440 ha lúa VietGAP

Anh Triệu Văn Trường, thôn Thanh Sơn cho biết, gia đình có 2 ha đất trồng lúa. Từ khi vào HTX, gia đình được hướng dẫn trồng lúa theo tiêu chuẩn VietGAP.

Anh luôn lựa chọn giống tốt để canh tác, nên hiệu quả kinh tế cao hơn hẳn trước đây. Mỗi năm, sau khi trừ chi phí, gia đình anh lời khoảng 70 triệu đồng/ha lúa.

Ông Bùi Đình Kiên, Giám đốc HTX Nông nghiệp Buôn Choáh cho biết, HTX rất chú trọng liên kết với các doanh nghiệp, hộ nông dân sản xuất, chế biến, tiêu thụ lúa gạo.

Thời gian qua, HTX đầu tư máy móc, thiết bị phục vụ sản xuất và chế biến. HTX có 4 đại lý cung cấp gạo Buôn Choáh ở tỉnh Đắk Nông, Đắk Lắk.

Nhiều người tiêu dùng tại các tỉnh, thành phố như: Đà Nẵng, Hồ Chí Minh, Bình Phước, Nha trang, Vũng Tàu, Phú Thọ… đang sử dụng sản phẩm gạo của Buôn Choáh.

Cùng với phát triển kinh tế cho nông dân, HTX đã góp phần thúc đẩy phát triển nông thôn mới. Vào thời điểm mùa vụ, HTX tạo việc làm cho hàng trăm lao động có thu nhập từ 8- 10 triệu đồng/tháng. Hàng năm, HTX giúp đỡ từ 3-5 hộ thoát nghèo.

Năm 2023, HTX phấn đấu liên kết thêm khoảng 150 thành viên, nâng tổng số thành viên lên 500 người. HTX hướng đến sản xuất lúa hữu cơ, xây dựng thương hiệu lúa gạo Buôn Choáh để hướng tới xuất khẩu.

Ông Bùi Hoa Thám, Phó Chủ tịch Liên minh HTX tỉnh đánh giá, HTX đã tập hợp đông đảo nông dân tham gia vào kinh tế tập thể. Hoạt động đúng hướng của HTX đem lại lợi ích cho thành viên. 

"Với việc được công nhận là tiêu biểu toàn quốc năm 2023, HTX Nông nghiệp Buôn Choáh đã thể hiện được tầm vóc của mình. Đây là điểm nhấn của kinh tế tập thể ở Đắk Nông", ông Thám đánh giá"

Thanh Nga