Cộng hòa Séc mong muốn thành lập Trung tâm Văn hóa tại Hà Nội
Dòng chảy thông tin - Ngày đăng : 20:07, 23/05/2023
Quang cảnh buổi tiếp. (Ảnh: Phương Hoa/TTXVN)
Chiều 23/5, tại Hà Nội, Chủ tịch Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam, Đại sứ Nguyễn Phương Nga đã tiếp Đoàn đại biểu Hạ viện Cộng hòa Séc do Phó Chủ tịch Hạ viện Jan Batosek dẫn đầu, nhân chuyến thăm chính thức Việt Nam.
Tại buổi tiếp, bà Nguyễn Phương Nga khẳng định quan hệ hữu nghị, hợp tác truyền thống giữa Việt Nam và Cộng hòa Séc được bắt đầu hơn 70 năm qua; được Chính phủ, nhân dân hai nước gìn giữ, vun đắp và phát triển trên sự hiểu biết sâu sắc lẫn nhau, sự tôn trọng và tin cậy cao, sự ủng hộ dành cho nhau trong cả những lúc khó khăn và thuận lợi.
Bà Nguyễn Phương Nga bày tỏ vui mừng trước sự phát triển tốt đẹp của quan hệ Việt Nam-Séc thời gian qua; bày tỏ sự trân trọng và biết ơn sự ủng hộ, giúp đỡ quý báu mà Chính phủ, nhân dân Séc đã dành cho Việt Nam trong cuộc đấu tranh giành độc lập dân tộc, thống nhất đất nước trước đây và công cuộc xây dựng, phát triển đất nước hiện nay.
“Quan hệ giữa Việt Nam-Séc không chỉ là quan hệ giữa hai Chính phủ mà còn là quan hệ giữa nhân dân hai nước. Rất nhiều cán bộ, lưu học sinh Việt Nam tại Séc hiện nay đã trở thành những nhà quản lý, đóng góp rất lớn cho sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước,” bà Nguyễn Phương Nga khẳng định.
Bà Nguyễn Phương Nga cũng bày tỏ cảm ơn Chính phủ Séc đã tạo điều kiện thuận lợi cho cộng đồng người Việt Nam hòa nhập và sinh sống ổn định tại Séc; được công nhận là dân tộc thứ 14 trong cộng đồng các dân tộc Séc.
Bà Nguyễn Phương Nga tin tưởng cộng đồng người Việt Nam với hơn 100.000 người tại Séc, không chỉ mang đến những sắc thái văn hóa đa dạng, phong phú, đóng góp vào sự phát triển kinh tế-xã hội của nước sở tại mà còn là cầu nối thúc đẩy hợp tác kinh tế, giao lưu văn hóa, tăng cường du lịch; góp phần phát triển quan hệ hữu nghị, hợp tác giữa hai nước trên mọi lĩnh vực.
Bà Nguyễn Phương Nga cho rằng trong sự phát triển của quan hệ hai nước, giao lưu nhân dân, sự gắn kết giữa các hội hữu nghị hai nước có vai trò lớn.
Là cơ quan, tổ chức thực hiện các hoạt động đối ngoại nhân dân, Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam và Hội hữu nghị Việt Nam-Séc đã tổ chức nhiều hoạt động hữu nghị, hợp tác, giao lưu nhân dân như: gặp mặt giao lưu hữu nghị nhân dịp các ngày lễ trọng đại của hai nước; đón tiếp các đoàn cấp cao của Cộng hòa Séc; trao đổi đoàn giữa hai bên; giao lưu hữu nghị và thi đấu thể thao; giao lưu giới thiệu tác phẩm văn học, thơ ca, văn nghệ; gặp mặt thường niên các khóa cựu lưu học sinh, nghiên cứu sinh, thực tập sinh; dạy tiếng Séc…
Bà Nguyễn Phương Nga khẳng định thời gian tới, Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam và Hội Hữu nghị Việt Nam-Séc cam kết sẽ tiếp tục hợp tác với Đại sứ quán và các đối tác tại Cộng hòa Séc để hỗ trợ kết nối, tạo điều kiện cho doanh nghiệp hai nước mở rộng hợp tác đầu tư-kinh doanh, kinh tế-thương mại và tiếp tục thúc đẩy giao lưu nhân dân.
Phó Chủ tịch Hạ viện Cộng hòa Séc Jan Batosek khẳng định mối quan hệ hữu nghị truyền thống lâu đời giữa hai nước đã trở nên tin cậy, gắn bó, hiểu biết lẫn nhau từ nhiều năm nay.
Các đại biểu chụp ảnh chung. (Ảnh: Phương Hoa/TTXVN)
Séc luôn coi Việt Nam là đối tác hàng đầu ở khu vực châu Á. Việc cộng đồng người Việt Nam tại Cộng hòa Séc được công nhận là dân tộc thiểu số, thể hiện sự tin cậy chính trị mạnh mẽ giữa hai nước.
Phó Chủ tịch Hạ viện Cộng hòa Séc Jan Batosek nhấn mạnh cộng đồng người Việt Nam tại Séc chính là cầu nối để mối quan hệ hai nước ngày càng phát triển. Gợi ý một số giải pháp thúc đẩy giao ưu nhân dân, Phó Chủ tịch Hạ viện Cộng hòa Séc Jan Batosek cho rằng Chính phủ hai nước nên nghiên cứu thiết lập đường bay thẳng giữa hai quốc gia, có chính sách miễn thị thực ngắn hạn với công dân Séc muốn sang Việt Nam du lịch…
Ông cho biết thêm thời gian tới, Séc mong muốn thành lập Trung tâm Văn hóa Séc tại Hà Nội với hoạt động chính là giảng dạy tiếng Séc, qua đó tăng cường kết nối về văn hóa giữa nhân dân hai nước.
Đối với việc tăng cường hợp tác trong lĩnh vực nông nghiệp, Séc mong muốn phía Việt Nam sớm cấp cho Séc giấy phép nhập khẩu thịt bò, thịt lợn sang Việt Nam./.