Khắc phục bất cập khi xét tặng danh hiệu “Nghệ nhân nhân dân”, “Nghệ nhân ưu tú”
Chính sách - Ngày đăng : 17:29, 23/05/2023
Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cho biết, Nghị định số 62/2014/NĐ-CP quy định về xét tặng danh hiệu "Nghệ nhân nhân dân", "Nghệ nhân ưu tú" trong lĩnh vực di sản văn hoá phi vật thể đã mang lại hiệu quả trong quản lý nhà nước về xét tặng danh hiệu "Nghệ nhân nhân dân", "Nghệ nhân ưu tú" trong lĩnh vực di sản văn hoá phi vật thể.
Sau khi Nghị định của Chính phủ được ban hành, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã tổ chức được 3 đợt xét tặng danh hiệu "Nghệ nhân nhân dân", "Nghệ nhân ưu tú" trong lĩnh vực di sản văn hoá phi vật thể, kết quả cụ thể: Có 131 "nghệ nhân ưu tú" được phong tặng danh hiệu "Nghệ nhân nhân dân" và 1.750 nghệ nhân được phong tặng danh hiệu "Nghệ nhân ưu tú" (cụ thể: Năm 2016 có 617 "Nghệ nhân ưu tú"; năm 2019 có 66 "Nghệ nhân nhân dân" và 570 "Nghệ nhân ưu tú"; năm 2022 có 65 "Nghệ nhân nhân dân" và 563 "Nghệ nhân ưu tú").
Việc xét tặng danh hiệu "Nghệ nhân nhân dân" "Nghệ nhân ưu tú" trong lĩnh vực văn hóa phi vật thể đã góp phần động viên các nghệ nhân tiếp tục nghiên cứu, sưu tầm, gìn giữ và quan trọng hơn là truyền dạy cho thế hệ trẻ những giá trị di sản văn hoá phi vật thể mà họ đang nắm giữ, góp phần quan trọng vào sự nghiệp gìn giữ và phát huy giá trị văn hoá truyền thống, bản sắc văn hoá của dân tộc; đồng thời nâng cao nhận thức của toàn xã hội đối với công tác bảo vệ di sản văn hoá phi vật thể nói riêng, di sản văn hoá nói chung.
Một số bất cập cần khắc phục
Theo Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, quá trình xét tặng danh hiệu "Nghệ nhân nhân dân", "Nghệ nhân ưu tú" trong lĩnh vực di sản văn hóa phi vật thể cho thấy còn một số bất cập như:
Đối tượng nghệ nhân nghề thủ công truyền thống có thể nộp hồ sơ đề nghị xét tặng danh hiệu ở cả lĩnh vực lĩnh vực di sản văn hóa phi vật thể do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch chủ trì công tác xét tặng (xét theo loại hình tri thức dân gian) hoặc đề nghị xét tặng danh hiệu ở lĩnh vực thủ công mỹ nghệ do Bộ Công thương chủ trì công tác xét tặng. Điều này dẫn đến việc cùng danh hiệu vinh dự Nhà nước "Nghệ nhân nhân dân", "Nghệ nhân ưu tú" đang có sự bất cập, chồng chéo, trùng lặp về đối tượng xét tặng mặc dù tiêu chí để xét danh hiệu của 2 lĩnh vực này có những điểm khác biệt.
Bên cạnh đó, căn cứ xác định mốc thời gian hoạt động trong nghề, số lượng học trò đào tạo được, giải thưởng do cơ quan nào khen tặng chưa được quy định rõ ràng.
Nghị định 62/2014/NĐ-CP cũng chưa quy định "thời gian hoạt động liên quan đến việc bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể" là thời gian được tính như thế nào dẫn đến khó xác định được và việc xác định cũng không thống nhất tiêu chuẩn về thời gian để xét tặng.
Trong trình tự làm việc của Hội đồng cấp tỉnh chưa đề cập đến trách nhiệm hoàn thiện hồ sơ đề nghị xét tặng danh hiệu "Nghệ nhân nhân dân", "Nghệ nhân ưu tú" trong lĩnh vực di sản văn hóa phi vật thể phải đạt từ 75% ý kiến đồng ý của cộng đồng dân c . Ngoài ra, một số Hội đồng cấp tỉnh chưa ưu tiên mời các cá nhân có chuyên môn cao liên quan đến lĩnh vực chuyên ngành; thiếu các nhà nghiên cứu về loại hình di sản văn hoá phi vật thể tham gia Hội đồng.
Nghị định số 62/2014/NĐ-CP quy định "Trong một kỳ xét tặng, thành viên Hội đồng cấp tỉnh không đồng thời là thành viên Hội đồng chuyên ngành cấp Bộ, Hội đồng cấp Nhà nước" là chưa phù hợp vì thực tế qua 3 đợt xét tặng vừa qua, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã rất khó khăn để mời thành viên tham gia Hội đồng chuyên ngành cấp Bộ và Hội đồng cấp Nhà nước, hầu hết các chuyên gia có uy tín nghề nghiệp tại các khu vực, vùng miền đã tham gia Hội đồng cấp tỉnh. Việc các chuyên gia có thể tham gia nhiều cấp Hội đồng là do uy tín nghề nghiệp cá nhân của từng người. Những thảo luận, đánh giá của họ tại Hội đồng có thể sẽ giúp các thành viên khác trong Hội đồng có cái nhìn toàn diện, khách quan hơn khi xem xét hồ sơ.
Theo Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, việc xây dựng hồ sơ đòi hỏi phải có minh chứng như: băng, đĩa hình, ảnh mô tả tri thức và kỹ năng đang nắm giữ, hoặc các giấy tờ liên quan tới giải thưởng … các nghệ nhân có nhưng rất ít và nếu có thì làm thất lạc. Trong quá trình xây dựng hồ sơ không đủ tính thuyết phục do còn thiếu nhiều minh chứng nên hồ sơ bị loại dù thực tế bản thân có nhiều đóng góp cho việc trao truyền di sản văn hóa phi vật thể (nhiều hồ sơ kê khai rất sơ sài, nội dung chung chung, khó phân biệt được sự đóng góp của từng nghệ nhân trong cùng một thôn, xã hoặc câu lạc bộ).
Ngoài ra, Bản tóm tắt thành tích của Hội đồng cấp tỉnh chưa thể hiện rõ tri thức và kỹ năng mà nghệ nhân đang nắm giữ cũng như quá trình thực hành di sản của nghệ nhân (thiếu các mốc thời gian cụ thể trong quá trình thực hành, thời gian bắt đầu truyền dạy học trò).
Từ những lý do nêu trên, để triển khai thi hành hiệu quả Luật Thi đua, khen thưởng năm 2022 và bảo đảm quy trình, thủ tục xét tặng danh hiệu "Nghệ nhân nhân dân", "Nghệ nhân ưu tú" trong lĩnh vực di sản văn hoá phi vật thể, theo Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, việc xây dựng Nghị định thay thế Nghị định số 62/2014/NĐ-CP là cần thiết.
5 chương, 19 điều
Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã dự thảo Nghị định quy định về xét tặng danh hiệu "Nghệ nhân nhân dân", "Nghệ nhân ưu tú" trong lĩnh vực di sản văn hóa phi vật thể gồm 5 chương, 19 điều.
Bên cạnh những quy định chung, dự thảo đã nêu rõ những quy định cụ thể về: Tiêu chuẩn xét tặng danh hiệu "Nghệ nhân nhân dân", "Nghệ nhân ưu tú" trong lĩnh vực di sản văn hóa phi vật thể; Hội đồng xét tặng danh hiệu "Nghệ nhân nhân dân", "Nghệ nhân ưu tú" trong lĩnh vực di sản văn hóa phi vật thể; hồ sơ, quy trình và thủ tục đề nghị xét tặng danh hiệu "Nghệ nhân nhân dân", "Nghệ nhân ưu tú" trong lĩnh vực di sản văn hóa phi vật thể…
Mời bạn đọc xem toàn văn dự thảo và góp ý tại đây.