Dòng chảy thông tin

Việt Nam - quốc gia có sự đa dạng sinh học cao

Hoài Anh 23/05/2023 04:51

Việt Nam được ghi nhận là một trong những quốc gia có tính đa dạng sinh học cao trên thế giới.

Chú trọng bảo tồn đa dạng sinh học

Công tác bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học được Đảng và Nhà nước Việt Nam coi trọng, là một trong những giải pháp để phát triển bền vững đất nước.

Nhận thức được sự cần thiết phải bảo tồn đa dạng sinh học (ĐDSH), từ những năm 1960 của thế kỷ trước, Ðảng và Nhà nước Việt Nam đã có những chính sách bảo vệ các khu rừng nguyên sinh (rừng cấm).

Quyết tâm và cam kết bảo tồn ÐDSH của Nhà nước được chú trọng hơn sau khi Việt Nam trở thành thành viên của các công ước CBD (năm 1992) và CITES (năm 1994), với một hệ thống các vườn quốc gia và khu bảo tồn đã được quy hoạch và thành lập trên toàn quốc.

97a2(1).jpg
Việt Nam đã có nhiều chính sách bảo vệ các khu rừng nguyên sinh

Tính đến nay, Việt Nam có hơn 180 khu bảo tồn, với hệ thống các khu bảo tồn đã được thiết lập, nước ta đã được quốc tế công nhận hơn 20 khu có các danh hiệu quốc tế về giá trị ÐDSH, bao gồm các khu Ramsar, khu dự trữ sinh quyển thế giới, khu di sản ASEAN và khu di sản thiên nhiên thế giới.

Ðáng chú ý, năm 2008, Quốc hội Việt Nam đã thông qua Luật ÐDSH được đánh giá là rất tiến bộ, có tầm nhìn, hệ thống và tiếp cận đầy đủ các cam kết và chuẩn mực quốc tế về bảo tồn ÐDSH. Ðây là khung luật đầu tiên của Việt Nam quy định về bảo tồn và phát triển bền vững ÐDSH, quyền và nghĩa vụ của tổ chức, hộ gia đình, cá nhân trong bảo tồn và phát triển bền vững ÐDSH…

e2c4aa(1).jpg
Hoạt động du lịch gần gũi thiên nhiên góp phần bảo tồn ĐDSH

Theo nhận định của chuyên gia quốc tế, Việt Nam đã thực hiện tốt công tác đánh giá môi trường chiến lược và đánh giá tác động môi trường để kiểm soát các tác động từ hoạt động phát triển kinh tế xã hội tới ÐDSH. Các quy hoạch, kế hoạch, dự án có tiềm năng gây ảnh hưởng đến các hệ sinh thái, các loài sinh vật, khu bảo tồn thiên nhiên đều được chú trọng đánh giá tác động ÐDSH để phòng ngừa và thực hiện các biện pháp và phương án giảm nhẹ tác động xấu tới môi trường và ÐDSH.

anh-1-vqg-7931.jpg

Việt Nam được đánh giá là 1 trong 16 quốc gia có sự đa dạng sinh học cao, đặc biệt là đa dạng về loài.

Mặc dù Việt Nam đã đạt được một số kết quả trong công tác bảo tồn ÐDSH nhưng cũng như nhiều quốc gia khác, chúng ta đang đứng trước không ít thách thức khi ÐDSH bị suy giảm với tốc độ cao.

Theo số liệu thống kê về hiện trạng các loài động vật nguy cấp, quý hiếm cho thấy, nhiều loài đang ở mức báo động, đứng trước nguy cơ bị tuyệt chủng cao do nguyên nhân chính là việc khai thác quá mức và mất môi trường sống.

Trong đó có nhiều loài đặc hữu như: voọc mũi hếch, ước tính chỉ còn khoảng 190 cá thể; voọc mông trắng chỉ phân bố ở Vườn quốc gia Cúc Phương, Khu bảo tồn thiên nhiên Văn Long (Ninh Bình) và hiện chỉ còn khoảng 100 cá thể.

Ðáng chú ý, tê giác Java Việt Nam, một trong hai quần thể tê giác duy nhất còn sót lại trên trái đất đã được xác nhận bị tuyệt chủng tại Việt Nam vào năm 2010.

Ngăn đà suy giảm đa dạng sinh học

Để ngăn chặn đà suy giảm ĐDSH, năm 2022, Chính phủ đã ban hành Quyết định 149/QĐ-TTg phê duyệt Chiến lược quốc gia về đa dạng sinh học đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Chiến lược lần này khuyến khích các tổ chức phi chính phủ, doanh nghiệp, người dân tham gia thực hiện các hoạt động bảo tồn, sử dụng bền vững ÐDSHvà dịch vụ hệ sinh thái, phát huy vốn tự nhiên lần đầu tiên được quy định trong Luật Bảo vệ môi trường 2020, mạnh dạn mở rộng cho khối tư nhân tham gia vào công tác bảo tồn ÐDSH.

Chiến lược đề ra mục tiêu mới là mở rộng và nâng cao hiệu quả quản lý hệ thống các di sản thiên nhiên, khu bảo tồn thiên nhiên, bảo đảm diện tích các khu bảo tồn thiên nhiên trên đất liền đạt 9% diện tích lãnh thổ đất liền; diện tích các vùng biển, ven biển được bảo tồn đạt từ 3-5% diện tích vùng biển tự nhiên của quốc gia.

Việt Nam đặt mục tiêu được quốc tế công nhận 15 khu Ramsar, 14 khu dự trữ sinh quyển, 15 vườn di sản ASEAN. Tỉ lệ che phủ rừng toàn quốc duy trì ổn định từ 42%-43%; phục hồi được ít nhất 20% diện tích hệ sinh thái tự nhiên bị suy thoái; không có thêm loài hoang dã bị tuyệt chủng; cải thiện các quần thể của ít nhất 10 loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ. Các nguồn gen hoang dã và giống cây trồng, vật nuôi được lưu giữ và bảo tồn đạt mục tiêu thu thập, lưu giữ tối thiểu 100.000 nguồn gen.

Chủ đề Ngày Quốc tế đa dạng sinh học (22/5) năm 2023: “Từ thỏa thuận đến hành động: Phục hồi đa dạng sinh học” được Liên Hợp Quốc phát động nhằm kêu gọi Chính phủ các nước nhanh chóng biến các cam kết thành hành động để ngăn chặn và đẩy lùi sự suy giảm đa dạng sinh học, hướng tới xây dựng một tương lai “Sống hài hòa với thiên nhiên”.

g-sinh-hoc-b-02-h84.jpg
Nguồn TTXVN

Hoài Anh