Văn hóa

Những sân khấu đặc biệt trên hành trình đến với Trường Sa

Thanh Hằng 22/05/2023 06:17

Vượt hàng trăm hải lý đến thăm Trường Sa và Nhà giàn DK1/7, mỗi đại biểu trong Đoàn công tác số 8 (Quân chủng Hải quân) có một cách gửi gắm tình cảm tới cán bộ, chiến sĩ nơi đầu sóng, ngọn gió. Trong đó các tiết mục văn nghệ là món quà tinh thần không thể thiếu trong chuyến đi này.

Điệu múa đồng bào Thái trên đảo Trường Sa

Tối 7/5, nhân dịp kỷ niệm 68 năm Ngày thành lập Hải quân Nhân dân Việt Nam, Đoàn công tác số 8 tổ chức giao lưu văn nghệ với cán bộ, chiến sĩ tại đảo Trường Sa, thuộc huyện Trường Sa, tỉnh Khánh Hòa. Buổi giao lưu để lại ấn tượng mạnh mẽ với tiết mục “Bức tranh thổ cẩm” do chị Trần Thị Bích Cảnh, Đoàn công tác tỉnh Sơn La thể hiện.

hinh-3(1).jpg
Nhiều đại biểu cũng đóng góp các tiết mục văn nghệ để động viên, cổ vũ tinh thần cán bộ, chiến sĩ Hải quân.

Chia sẻ về tiết mục này, chị Cảnh cho biết: “Đây là tiết mục múa tập thể nên khi chuyển sang múa đơn, tôi cố gắng làm sao thể hiện được vẻ đẹp của người phụ nữ Thái và bản sắc văn hóa dân tộc Thái ở tỉnh Sơn la nói riêng, dân tộc Thái nói chung. Dù chỉ có ít thời gian tập luyện nhưng tôi rất hạnh phúc khi nhận được sự cổ vũ, đón nhận của cán bộ, chiến sĩ tại đảo Trường Sa”, chị Cảnh phấn khởi.

Sau hành trình dài di chuyển trên biển, dù say sóng, sức khỏe không ổn định, thế nhưng khi tận mắt chứng kiến những đóng góp, sự hy sinh quên mình của cán bộ, chiến sĩ trên đảo, chị cùng các thành viên trong đoàn công tác đều quên hết mệt mỏi, nỗ lực tập luyện cho tiết mục văn nghệ.

“Đây là lần đầu tiên tôi và nhiều anh chị khác trong đoàn được đến với Trường Sa, cảm giác thật sự rất khó tả. Vừa khâm phục, quý trọng, vừa cảm thấy thiêng liêng, tự hào. Món quà tinh thần mà Đoàn công tác tỉnh Sơn La gửi tặng các cán bộ, chiến sĩ đang làm nhiệm vụ, như một lời khẳng định, quân và dân tỉnh Sơn La luôn hướng về, sẵn sàng kề vai, sát cánh, là hậu phương vững chắc của người lính Hải quân”, chị Cảnh xúc động.

Biểu diễn qua bộ đàm

Trong chuyến đi, sự góp mặt của các văn nghệ sĩ đến từ Đội văn nghệ xung kích Hải Đăng (tỉnh Khánh Hòa) khiến không khí của các buổi gặp mặt, giao lưu sôi động, náo nhiệt. Các chiến sĩ trẻ trên các đảo hòa mình cùng âm nhạc làm dịu đi cái nóng như cháy thịt da tại vùng biển đảo.

hinh-5(1).jpg
Trong sân khấu đặc biệt diễn ra ngay buồng lái, chiếc micro là thiết bị bộ đàm, mỗi bài hát đều làm tất cả mọi người nghẹn ngào, rơi nước mắt.

Đặc biệt, trong điểm đến Nhà giàn DK1/7 Huyền Trân, do thời tiết thay đổi bất ngờ, việc di chuyển lên nhà giàn không bảo đảm an toàn, tàu 571 phải đi vòng quanh nhà giàn. Giữa bốn bề là nước, những cơn sóng vỗ liên tục vào hai bên mạn khiến chiếc tàu không ngừng chao đảo, thông qua bộ đàm, tiếng hát của các văn nghệ sĩ Đội văn nghệ xung kích Hải Đăng cất lên phục vụ cán bộ, chiến sĩ, nhân viên đang công tác trên nhà giàn khiến ai cũng bồi hồi, xúc động.

hinh-4(1).jpg
Ca sĩ Xuân Hân (Đội văn nghệ xung kích Hải Đăng) nhiều lần không kìm nén được cảm xúc.

Trong sân khấu đặc biệt diễn ra ngay buồng lái, chiếc micro là thiết bị bộ đàm, mỗi bài hát đều làm tất cả mọi người nghẹn ngào, rơi nước mắt. “Gần lắm Trường Sa !”, lời bài hát như nói lên tấm lòng của những đại biểu đang có mặt tại thời điểm đó.

hinh-6(1).jpg
Tiếng hát của những văn nghệ sĩ Đội văn nghệ xung kích Hải Đăng cất lên khiến ai cũng bồi hồi, xúc động.

Ca sĩ Xuân Hân, Đội văn nghệ xung kích Hải Đăng nhiều lần không kìm nén được cảm xúc, bộc bạch: “Đây là lần đầu tiên tôi được đến với Trường Sa và Nhà giàn DK1, thật sự xúc động và tự hào về biển, đảo và cán bộ, chiến sĩ Hải quân Việt Nam. Do thời tiết khắc nghiệt, đội văn nghệ không thể biểu diễn trực tiếp được, chính điều đó đã khiến cảm xúc của tôi đặc biệt hơn. Yêu và thương cán bộ, nhân viên đang đứng trên nhà giàn, nên ngay khi cất lời, nước mắt của tôi không ngừng rơi. Đối với tôi, đây là kỷ niệm đáng nhớ và ý nghĩa nhất khi làm nghệ thuật”

Thanh Hằng