Nhật Bản "sẽ dẫn dắt những nỗ lực của G7" đạt các mục tiêu ở Hiroshima

Dòng chảy thông tin - Ngày đăng : 15:39, 21/05/2023

Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida nhấn mạnh tầm quan trọng của việc củng cố trật tự quốc tế dựa trên quy định và thúc đẩy hợp tác với các nước Nam bán cầu để cùng nhau giải quyết các vấn đề toàn cầu.

Nhat Ban Trưởng đoàn các nước tham dự Hội nghị thượng đỉnh Nhóm các nước công nghiệp phát triển (G7) mở rộng chụp ảnh chung tại Hiroshima (Nhật Bản), chiều 20/3/2023. (Ảnh: Dương Giang/TTXVN)

Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida đã tuyên bố bế mạc Hội nghị thượng đỉnh Nhóm các nước công nghiệp phát triển (G7) sau ba ngày làm việc tại Hiroshima.

Phát biểu tại cuộc họp báo bế mạc hội nghị chiều 21/5, Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida, nhấn mạnh hội nghị thượng đỉnh G7 là điểm khởi đầu cho các nỗ lực hướng tới xây dựng một thế giới không có vũ khí hạt nhân trong tương lai, nhấn mạnh tầm quan trọng của việc củng cố một trật tự quốc tế dựa trên quy định và thúc đẩy hợp tác với các nước Nam bán cầu để cùng nhau giải quyết các vấn đề toàn cầu.

Thủ tướng Kishida khẳng định với tư cách là Chủ tịch đương nhiệm G7 trong năm 2023, Nhật Bản sẽ dẫn dắt những nỗ lực của G7 để đạt các mục tiêu được đề ra tại hội nghị thượng đỉnh Hiroshima.

Trước đó, thông cáo chung của các nhà lãnh đạo G7 công bố ngày 20/5 đã đề cập những nội dung đáng chú ý như các nỗ lực để tiến tới một thế giới không có vũ khí hạt nhân; phản đối các hành vi sử dụng vũ lực để thay đổi hiện trạng; kêu gọi Trung Quốc sử dụng ảnh hưởng để giúp chấm dứt xung đột Ukraine; khẳng định sẵn sàng xây dựng với Trung Quốc mối quan hệ ổn định và có tính xây dựng; kêu gọi Trung Quốc giải quyết hòa bình vấn đề Eo biển Đài Loan.

Các nhà lãnh đạo G7 cam kết khởi động cơ chế tăng cường ngăn chặn các hành vi cưỡng ép kinh tế; nhấn mạnh tầm quan trọng của việc hợp tác với các nước đang phát triển và mới nổi để cùng đối phó các vấn đề mang tính toàn cầu.

Thông cáo chung nêu rõ các nước G7 cam kết thực thi các nỗ lực để duy trì sự ổn định tài chính và thúc đẩy kinh tế thế giới tăng trưởng; bắt đầu các cuộc thảo luận về các quy định chung đối với lĩnh vực trí tuệ nhân tạo (AI) vào cuối năm; phối hợp để đẩy nhanh tiến trình chuyển giao sang năng lượng sạch và thúc đẩy tăng cường quyền con người, bình đẳng giới trên toàn cầu.

Trong ba ngày hội nghị, các nhà lãnh đạo G7 đã có 10 phiên họp về các chủ đề và ba phiên họp G7 mở rộng với lãnh đạo của tám quốc gia được mời gồm Việt Nam, Australia, Hàn Quốc, Ấn Độ, Indonesia, Brazil, Quần đảo Cook và Comoros.

Ngoài ra, bên lề hội nghị thượng đỉnh G7 còn có hàng loạt cuộc hội đàm cấp cao song phương và đa phương, trong đó có hội đàm thượng đỉnh Bộ Tứ và hội nghị thượng đỉnh ba bên Mỹ-Nhật Bản-Hàn Quốc./.

Nguyễn Tuyến-Đức Thịnh-Phạm Tuân (TTXVN/Vietnam+)

Nguyễn Tuyến-Đức Thịnh-Phạm Tuân (TTXVN/Vietnam+)