Lễ hội Làng Sen: Bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa Hồ Chí Minh
Lễ hội Làng Sen là hoạt động chính trị, văn hóa có ý nghĩa quan trọng trong đời sống tinh thần của nhân dân cả nước nói chung, Nghệ An nói riêng nhằm thể hiện lòng biết ơn, thành kính đối với Bác Hồ.
Tối 19/5, tại Quảng trường Hồ Chí Minh (thành phố Vinh), tỉnh Nghệ An phối hợp với Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức bế mạc Lễ hội Làng Sen và chương trình "Từ Làng Sen đến thành phố mang tên Hồ Chí Minh."
Trong 8 ngày qua (từ ngày 12/19/5), Lễ hội Làng Sen với nhiều hoạt động nhiều hoạt động văn hóa, thể thao và du lịch đã được tổ chức, trong đó nổi bật là Liên hoan Tiếng hát Làng Sen với sự tham gia của hơn 600 nghệ sỹ, diễn viên đến từ 21 đoàn nghệ thuật quần chúng của các huyện, thành, thị; trình diễn dân ca ví, dặm và giao lưu biểu diễn nghệ thuật phục vụ nhân dân; triển lãm chuyên đề về Bác Hồ; cuộc thi "Bác Hồ trong trái tim thanh thiếu nhi Nghệ An"; chương trình Lễ hội đường phố với chủ đề "Quê hương mùa sen nở" với các màn trình diễn đầy màu sắc.
Lễ hội là hoạt động chính trị, văn hóa có ý nghĩa quan trọng trong đời sống tinh thần của nhân dân cả nước nói chung, tỉnh Nghệ An nói riêng nhằm thể hiện lòng biết ơn, thành kính đối với Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Các hoạt động trong khuôn khổ lễ hội không chỉ đóng góp thiết thực vào công tác bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa Hồ Chí Minh và trở thành nét đẹp văn hóa dân tộc mà còn là những sản phẩm du lịch hấp dẫn du khách trong và ngoài nước.
Điểm nhấn của đêm bế mạc là chương trình nghệ thuật "Từ Làng Sen đến thành phố mang tên Hồ Chí Minh" gồm 3 phần: Tháng Năm về hội Làng Sen; Miền Nam mãi trong trái tim Người; Bay lên những cánh sen Việt.
Chương trình có sự tham gia biểu diễn của gần 200 nghệ sỹ, diễn viên, người mẫu, hoa hậu của Thành phố Hồ Chí Minh và Nghệ An.
Những tiết mục biểu diễn tại chương trình đã tái hiện hành trình của chàng thanh niên Nguyễn Ái Quốc ra đi tìm đường cứu nước.
Với hai bàn tay trắng cùng hành trang là tình yêu quê hương của mẹ và hoài bão của cha, với khát khao cháy bỏng thay đổi chuỗi ngày đen tối cơ cực của đồng bào mình, chàng thanh niên 21 tuổi Nguyễn Tất Thành đã bước chân lên tàu, bắt đầu cuộc hành trình tìm đường cứu nước.
Đây là bước chân thế kỷ gắn liền với vận mệnh của cả một dân tộc. Chàng trai ấy đã đi vào lịch sử và viết nên lịch sử. Trong trái tim đồng bào miền Nam, hình ảnh Bác luôn in sâu với vô vàn niềm tin yêu và mong ngày đón Bác vào thăm.
Ngày thống nhất, đồng bào miền Nam không được đón Người nhưng tình cảm dành cho Người như núi như sông trường tồn, vĩnh cửu.
Xen giữa các tiết mục nghệ thuật là phần trình diễn áo dài đặc sắc với bộ sưu tập áo dài "Thơ đề áo lụa," "Dáng sen tháng năm" của nhà thiết kế Việt Hùng. Những chiếc áo dài kỳ công này được nhà thiết kế xây dựng ý tưởng từ việc tổng hợp, chắt chiu những vần thơ của Bác Hồ và được thiết kế một cách tài tình, tinh tế kết hợp với hình ảnh hoa sen thuần khiết.
Những tiết mục giàu tính nghệ thuật đã tạo nên bản hòa ca xúc động, thiêng liêng về Chủ tịch Hồ Chí Minh.